3 tháng 9, 2021

Tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam

Trân trọng mời bạn đọc đón xem Bàn tròn trực tuyến với chủ đề: Tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam vào 9h sáng nay, 3/9.

“Lối thoát nào cho hàng không Việt Nam trụ vững trong đại dịch Covid-19?” là câu hỏi đầy tính cấp bách trong bối cảnh, gần 100% các chuyến bay trong nước và quốc tế bị đóng băng.

Câu hỏi lớn này sẽ được thảo luận tại chương trình Bàn tròn trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam” diễn ra 9h sáng nay.

Chương trình có sự tham gia của 4 khách mời mời gồm:

-       Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không, Bộ Giao thông vận tải

-       Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

-       Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV; Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính-tiền tệ Quốc gia

-      Tiến sĩ Lương Hoài Nam, Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ Du lịch Gotadi, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB)

{keywords}

Covid-19 bùng nổ lần thứ ba và thứ tư rơi vào mùa bay cao điểm Tết cổ truyền và mùa du lịch Hè 2021 đã khiến doanh thu của các hãng hàng không Việt giảm trên 90% so với cùng kỳ. Những con số kết quả kinh doanh đầy bi quan là một thực tế không thể phủ nhận. Hiện, mỗi tháng các hãng vẫn phải chi trên 100 tỷ đồng để trả tiền thuê máy bay, trả vay ngân hàng, trả cho đối tác cung cấp dịch vụ đầu vào, duy tu bảo dưỡng và trả lương cho nhân viên. Nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của Vietnam Airlines (VNA), Vietjet và Bamboo hiện đã lên tới trên 40.000 tỷ đồng.

Chính phủ mới đây đã công bố dự thảo Nghị quyết Hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Theo đó, Chính phủ dự kiến giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước Việt Nam xây dựng phương án hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải hàng không, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2021. Đây là lĩnh vực do Cục Hàng không làm đầu mối.

Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho rằng, việc hỗ trợ cho ngành hàng không là cần thiết bởi vai trò, vị thế quan trọng trong nền kinh tế quốc gia hiện nay.

Hiệp hội này bày tỏ quan điểm, hỗ trợ hàng không là một khoản đầu tư, nuôi dưỡng nguồn thu trong trung - dài hạn. Hỗ trợ hàng không cần bảo đảm mục tiêu kép: Vừa hỗ trợ các hãng hàng không phục hồi và phát triển, vừa bảo toàn, cân đối nguồn ngân sách.

Các giải pháp về tài chính cần thiết thực hơn như: Ngân hàng Nhà nước cần sửa đổi, kéo thời hạn giãn, hoãn, cơ cấu nợ và lãi quy định tại Thông tư 03 (đến năm 2022 theo diễn biến của dịch và khi nước ta đạt miễn dịch cộng đồng hoặc khi Chính phủ công bố đã đạt bình thường mới). Cơ cấu nợ theo Thông tư 03 của NHNN đã hết hạn, thời điểm cơ cấu cũng không phù hợp với những khoản vay sau ngày 10/6. Nếu không tiếp tục cơ cấu, các khoản nợ  của các hãng bay sẽ chuyển thành nợ xấu.

Chính phủ và Quốc hội cần ban hành Nghị quyết cho hãng hàng không tư nhân vay lãi suất 0% như đã thực hiện với VNA (gói 4.000 tỷ vay tối đa 3 năm). Mục đích là nhằm bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng theo luật định và giúp hãng hàng không tư nhân giải quyết thanh khoản.

Hiệp hội đề nghị Chính phủ phê duyệt gói vay 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho các hãng hàng không như đề xuất từ tháng 10.2020 của Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không việt Nam. Mục đích là nhằm giúp các hãng chi thường xuyên, mua sắm vật tư thiết bị, thực hiện các chương trình dự án, bảo trì và duy trì hoạt động trong thời gian chưa đạt miễn dịch cộng đồng.

Với chính sách thuế phí, cần giảm 70% thuế bảo vệ môi trường cho các hãng hàng không, cho phép giảm từ 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các hãng hàng không trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm năm 2022, giảm từ 50% thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân nhằm hỗ trợ trực tiếp cho Người dân, giảm thời gian nộp Bảo hiểm xã hội đến hết năm 2022 để hổ trợ cho Người lao động, giảm từ 50% thuế nhập khẩu phụ tùng sửa chữa máy bay.

Các chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định hàng không có triển vọng bùng nổ phát triển sau dịch rất cao, đặc biệt là hàng không tư nhân. Ở Thái Lan, dân số tương đương 75% Việt Nam, nhưng có đến 15 hãng hàng không. Tỷ lệ người dân Việt Nam sử dụng máy bay để di chuyển vẫn còn thấp, dư địa phát triển của thị trường hàng không Việt Nam còn rất lớn, triển vọng đóng góp, hỗ trợ trở lại cho ngân sách, cho nền kinh tế của các hãng hàng không còn nhiều.

Dưới góc nhìn của các khách mời là cơ quan chức năng quản lý ngành hàng không, là các chuyên gia thể chế - chính sách vĩ mô, chuyên gia tài chính- ngân hàng và chuyên gia về ngành hàng không- du lịch, các vấn đề trên sẽ được mổ xẻ kỹ lưỡng tại bàn tròn trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam” vào 9h sáng nay.

Trân trọng mời bạn đọc đón xem!

VietNamNet



Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét