Dòng vốn đang bị phân tán mạnh vào những kênh thu hút vốn khác ngoài ngân hàng là chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, các sản phẩm liên kết… gây những méo mó, mất cân bằng tài chính.
Rủi ro tài chính, tiền tệ
Trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 25/7 về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) đề cập tới "sức khỏe" của doanh nghiệp, dòng tiền phân phối trong các khu vực kinh tế.
"Dịch bệnh đợt 4 đang diễn biến rất phức tạp, có thể ngăn cản nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng trên 6% theo kịch bản. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm có thể chỉ tăng từ 2-2,5%, cách xa mục tiêu Quốc hội đặt ra. Rủi ro cho dự báo lạm phát đang rất khó lường, trong khi đó dư địa của chính sách tài khóa để thực hiện các chương trình hỗ trợ đang hạn hẹp dần" - đại biểu bày tỏ và lo lắng vì một số địa phương trọng điểm kinh tế lớn đang chìm trong dịch bệnh.
Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, dư địa của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ không còn nhiều. Quá trình cơ cấu nền kinh tế chắc chắn sẽ gặp nhiều trở ngại để triển khai theo tiến độ dự tính.
Với chính sách tài khóa, ông Đồng phân tích: Hoạt động giải ngân vốn đầu tư công đang vấp phải khó khăn lớn là dịch bùng phát, tiến độ thi công nhiều dự án (bao gồm các dự án gắn với yếu tố nước ngoài) bị đình trệ, không có khối lượng nghiệm thu để làm thủ tục thanh toán, giá cả nguyên vật liệu tăng cao đột biến so với thời điểm đấu thầu, ảnh hưởng đến huy động nguồn lực và tiến độ thi công của các nhà thầu và nghiệm thu thanh toán.
Trong khi đó, ngân quỹ Nhà nước bị ứ đọng không thể đưa vào nền kinh tế, số dư tiền gửi kho bạc tại hệ thống ngân hàng còn tồn cao, tương đương 26 tỷ USD. Kho bạc Nhà nước vẫn trong tình trạng đạt tỷ lệ hoàn thành huy động vốn cho ngân sách năm nay ở mức thấp, dù điều kiện thị trường trong nước lẫn quốc tế đang còn thuận lợi.
Về chính sách tiền tệ, đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu rõ việc dòng vốn đang bị phân tán mạnh vào những kênh thu hút vốn ngoài ngân hàng là chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, các sản phẩm liên kết, bảo hiểm, đầu tư, quỹ hưu trí của các công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư… gây ra những méo mó, sai lệch, mất cân bằng tài chính và đã có những cảnh báo từ các cơ quan Nhà nước phụ trách.
"Vai trò, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc hóa giải rủi ro thị trường tài chính, tiền tệ là rất lớn. Áp lực nợ xấu ngân hàng đang gia tăng" - ông Đồng cho biết.
Tuy nhiên, theo vị đại biểu này, cũng có tín hiệu để phải lạc quan bởi Chính phủ vừa trình Quốc hội các biện pháp đặc biệt để chống dịch Covid-19. Cùng với đó, những kế hoạch dài hơi về tài chính công, nợ công, đầu tư công với những cân đối hướng tới mục tiêu tổng quát của cả 5 năm tại kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đến GDP bình quân vẫn được xác định khoảng 6,5-7% và tăng trưởng năm nay vẫn đang phấn đấu ở mức trên 6%.
Ngân hàng cần thay đổi biện pháp hành chính
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (đoàn Gia Lai) đề cập tới "sức khỏe" của nền kinh tế với đánh giá về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và nội địa.
Vị đại biểu dẫn báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm nay nhập siêu 369 triệu USD. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu là do tình hình sản xuất của khối doanh nghiệp FDI gặp khó khăn, vì một số khu công nghiệp đóng cửa do dịch bệnh Covid-19.
"Điều này làm cho nền kinh tế của chúng ta còn quá phụ thuộc vào khu vực FDI. Khu vực kinh tế trong nước còn yếu, các ngành công nghiệp phụ trợ còn chậm phát triển" - đại biểu đoàn Gia Lai nêu quan điểm và cho rằng từ nhiều năm nay đã bàn nhiều về việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhưng vẫn chưa đạt được kết quả rõ ràng.
Theo bà, cần phải có những biện pháp, những chính sách, cơ chế tạo động lực cho doanh nghiệp trong nước, nhất là trong doanh nghiệp tư nhân được thuận lợi trong việc vay vốn nhằm đổi mới sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng.
"Vốn tín dụng từ ngân hàng là một nguồn doanh nghiệp được tiếp cận thuận lợi, dễ dàng. Nếu không tiếp cận kịp thời sẽ có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, kiệt quệ dẫn đến phải đóng cửa, phá sản. Kinh tế có thể dẫn đến suy thoái sau một thời gian khủng hoảng tài chính sẽ mất đi rất nhiều năm để phục hồi" - bà Phương cho hay.
Đại biểu đoàn Gia Lai đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần xem xét trong thời gian tới, thay việc quản lý bằng biện pháp hành chính là cấp room tín dụng bằng việc quản lý hệ số an toàn vốn, vừa đảm bảo an toàn, vừa phù hợp với chuẩn Basel II và thông lệ quốc tế. Bởi theo bà, hiện nay khu vực kinh tế trong nước cả hiệu quả và sức cạnh tranh còn yếu, năng suất lao động và chỉ số về nguồn nhân lực còn thấp so với các nước.
(Theo Dân Trí)
Trào lưu 'chơi' chứng khoán mùa dịch
Đại dịch Covid-19 kéo dài khiến sản xuất, kinh doanh ở nhiều nơi gặp khó khăn nên hướng dòng tiền liên tục đổ vào thị trường chứng khoán
Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét