Trong bối cảnh vô cùng khó khăn, nhiều doanh nghiệp ngày đêm duy trì ổn định sản xuất kinh doanh thích ứng với bối cảnh mới, cố xoay chuyển tình thế tạo điểm sáng trong mùa dịch.
Cách tồn tại trong khó khăn
Kết thúc ca làm việc sáng, chị Ánh cùng các đồng nghiệp tại nhà máy chuẩn bị ăn trưa được chuẩn bị sẵn sàng ở căng tin. Không túm 5 tụm 7 tám chuyện như trước, chị và đồng nghiệp ngồi cách nhau 2m ở bàn có vách ngăn bằng kính, yên lặng dùng bữa.
"Nơi ở được công ty chuẩn bị tương đối sạch sẽ, đồ ăn tươm tất, 3 ngày một lần được xét nghiệm lại nên chúng tôi cảm thấy an tâm làm việc hơn. Nhìn chung có những khó khăn nhưng với chúng tôi lúc này, có việc làm và thu nhập là một điều may mắn hơn rất nhiều người", chị Ánh chia sẻ.
Theo ghi nhận của Dân trí, tại TPHCM và các khu vực phía Nam, nhiều doanh nghiệp đã triển khai phương án "3 tại chỗ": Sản xuất, ăn ở, nghỉ ngơi tại chỗ để vừa chống dịch, vừa sản xuất.
Bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động, đơn vị chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp về thị trường lao động cũng như các vấn đề liên quan tới lao động ở Việt Nam, cho biết, trước những khó khăn của đại dịch, bi quan hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách ứng xử của doanh nghiệp.
Bà Chi kể lại, năm ngoái, khi dịch Covid-19 bất ngờ ập đến, thị trường quốc tế bị đứt gãy, nhiều doanh nghiệp bị báo hủy đơn. Thậm chí có doanh nghiệp gỗ xuất khẩu chia sẻ hơn 3h sáng nhận được email hủy của khách hàng Mỹ dù đã chuẩn bị xong hết.
Năm 2021, câu chuyện tương tự không lặp lại nhiều. Doanh nghiệp vẫn duy trì được đơn hàng nhưng điều khó khăn nhất với họ là duy trì sản xuất thế nào để đảm bảo được tiến độ. Đặc biệt, đối với những đơn hàng có tính mùa vụ như đồ thời trang, mức phạt khi chậm hoãn giao hàng, theo bà Chi, là rất khủng khiếp. Nếu không kịp phải chọn vận chuyển bằng đường hàng không thì hụt ăn lãi vào 3-4 lần đơn hàng sau.
Đến nay, Đại diện Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM đã nhận được phương án tổ chức "3 tại chỗ" của rất nhiều doanh nghiệp. Thậm chí có những doanh nghiệp còn chuẩn bị phương án thuê khách sạn ở gần công ty cho người lao động lưu trú và bố trí xe đưa đón mỗi ngày.
Ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam - nhận định, đối với Việt Nam, chúng ta không thể đặt ra câu chuyện đánh đổi. Bởi muốn đảm bảo hoạt động kinh tế phải kiểm soát được dịch. Nếu không duy trì được sản xuất kinh tế thì cũng khó tính đến chuyện kiểm soát dịch. Vì nếu doanh nghiệp ngưng sản xuất, người lao động thất nghiệp, hệ thống an sinh xã hội không đủ để đảm đương. Khi doanh nghiệp không thể tạo ra việc làm thì người lao động phải tìm mọi cách lăn ra ngoài kiếm sống.
Tuy nhiên, theo ông Thành, các doanh nghiệp để duy trì sản xuất thực hiện nhiều giải pháp, trong đó phương "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến". Nhưng để thực hiện cách này, hiện vẫn chủ yếu là doanh nghiệp có nguồn lực còn nhiều công ty quy mô nhỏ với năng lực tài chính hạn chế thì còn rất khó.
Trước tình hình nêu trên, ông cho rằng Nhà nước cũng cần xem xét, có biện pháp "mạnh tay" hơn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất. Thậm chí có thể san sẻ giúp doanh nghiệp một số loại chi phí trong việc phòng chống dịch…
Lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhìn nhận, khi dịch bùng phát trở lại, tập trung chủ yếu ở các tỉnh có số lượng lớn khu công nghiệp, doanh nghiệp chế biến chế tạo khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn, nhiều nơi phải dừng sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, đặc biệt là các đơn hàng xuất khẩu.
Việc đưa ra các giải pháp giúp doanh nghiệp sớm quay trở lại sản xuất ngay cả khi dịch bệnh chưa được kiểm soát cực kỳ cần thiết. Trong trường hợp xấu nhất, khách hàng sẽ dừng, hủy đơn hàng để chuyển sang nước khác, và đến khi dịch được kiểm soát, doanh nghiệp khó có thể nối lại các mối quan hệ kinh doanh đã mất.
Bên cạnh giải pháp "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến", các doanh nghiệp cũng cần có những biện pháp thay thế linh hoạt hơn, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương và điều kiện từng doanh nghiệp. Cũng có nhiều doanh nghiệp "đau đầu" vì đầu ra dù duy trì được sản xuất, họ chấp nhận "ngủ đông" để bảo toàn, tồn tại...
|
|
|
Doanh nghiệp xoay xỏa bằng sản phẩm "bắt trend"
Là lãnh đạo chuỗi 207 cửa hàng kinh doanh nón thời trang trên cả nước, ông Nguyễn Ngọc Tý - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nón Sơn - cho biết đến nay hầu hết cửa hàng đã phải đóng cửa tạm thời do giãn cách. Xưởng sản xuất của công ty ở Hóc Môn, TPHCM và một số nhà máy vệ tinh ở Long An cũng đã phải đóng cửa. Cả nước hiện chỉ còn khoảng 39 cửa hàng hoạt động.
"Số cửa hàng được mở còn lại sẽ sử dụng nguồn hàng công ty dự trữ. Nhìn chung, lượng hàng hóa dự trữ cũng còn rất nhiều nên hoàn toàn chủ động nguồn cung ứng khi dịch bệnh qua đi", ông Tý chia sẻ với Dân trí.
Nói về kế hoạch để có thể tồn tại qua đại dịch, ông Tý cho biết công ty đã vạch ra một số biện pháp cụ thể. Để gỡ khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp khi phải đóng cửa hàng, ông cho biết, công ty phải rất nỗ lực trong việc thuyết phục các chủ nhà san sẻ gánh nặng mặt bằng.
"Chỗ nào đã đóng thì đàm phán họ hỗ trợ số thời gian buộc phải đóng do giãn cách, chỗ nào còn đang mở thì xin giãn tiến độ đóng", ông Tý kể. Điều may mắn, dù còn nhiều ngần ngại nhưng đến nay hầu hết các chủ mặt bằng đều đồng ý với phương án Nón Sơn đưa ra.
Ông chủ thương hiệu mũ nón này cũng nhấn mạnh, bài toán chia sẻ là cách thức cực kỳ quan trọng để doanh nghiệp, xã hội vượt lên khó khăn thời điểm này. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tranh thủ thời gian đóng cửa vì dịch bệnh, dồn nguồn lực lớn vào việc đưa các kế hoạch khả thi, tạo tính cạnh tranh khi dịch được kiểm soát, thị trường mở cửa trở lại.
"Chúng tôi rà lại việc sửa sang, tu bổ, thiết kế, làm mới cho cửa hàng. Cùng với đó, đẩy mạnh nghiên cứu các mẫu mã mới, màu sắc phù hợp xu thế mới để đón đầu khi dịch bệnh ổn định và nhu cầu mua sắm cho dịp lễ Tết cuối năm. Chúng tôi cũng nghĩ ra một số mặt hàng mới vừa thời trang vừa kết hợp bảo hộ tốt như khẩu trang, đồ bảo hộ và một số sản phẩm khác có tính cạnh tranh", ông Tý chia sẻ cách để doanh nghiệp thích ứng với vấn đề toàn cầu.
|
|
|
Giữ chân lao động, chấp nhận bán cả tài sản để tạo dòng tiền
Bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động, cho biết, năm ngoái, khi dịch bệnh ập đến, nhiều doanh nghiệp hoang mang. Có nơi phản ứng ngay lập tức là cho lao động nghỉ việc. Khi dịch được kiểm soát, đơn hàng trở lại, đến cuối quý II và quý III thì chính những doanh nghiệp này lại rất tốn chi phí để tuyển lao động.
Qua nghiên cứu thực tế trên địa bàn Bắc Giang, Bắc Ninh, bà Chi cho biết doanh nghiệp đã thay đổi rất nhiều. Nhiều doanh nghiệp cố gắng trao đổi với người lao động, nỗ lực xây dựng phát triển theo hướng bền vững hơn. Các nghiên cứu trên toàn thế giới cũng đã chỉ ra, những doanh nghiệp phát triển bền vững sẽ dễ dàng duy trì phục hồi sau đại dịch.
Trước những khó khăn mà doanh nghiệp đang vấp phải hiện này, bà Chi cho rằng doanh nghiệp nên có tăng cường văn hóa đối thoại, đừng nghĩ đây là việc của ông chủ, người lao động phải chấp nhận thay vì có ý kiến.
"Năm 2020, nhiều lao động đã tỏ ra sợ hãi hoang mang khi công ty điều chỉnh về nhân sự. Chúng ta không chia sẻ rõ thì sẽ dễ có những bức xúc. Nhiều người lao động cảm thấy có sự thiên vị, có những nơi đấu tranh, khiếu nại, mang lại đau đầu thêm cho doanh nghiệp", bà Chi cho rằng doanh nghiệp Việt nên đối thoại nhiều hơn thay vì đơn phương áp đặt.
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh, cũng chia sẻ, doanh nghiệp ông luôn cố gắng xây dựng văn hóa minh bạch, tăng cường đối thoại. Các vấn đề trước khi đưa ra được quyết định đều có sự trao đổi. Ngoài chia sẻ trực tiếp, ông Kiên cho biết cũng thường xuyên viết thư động viên toàn thể anh em.
Cũng theo ông, ngành du lịch ảnh hưởng vô cùng lớn vì đại dịch. Thời gian đã kéo dài 18 tháng nên doanh nghiệp cũng khó khăn. Trong ngành du lịch hiện giờ, có cả triệu người bị mất việc, sụt giảm rất nhiều thu nhập.
"Nhiều người phải chuyển sang nghề khác. Một số chuyển sang nông nghiệp, tài xế công nghệ, xây dựng… Một số làm thêm 2-3 nghề cùng lúc", ông Kiên nói.
Ông Kiên cũng cho biết, bài toán của doanh nghiệp bây giờ là cố gắng giữ nhân viên. Để đảm bảo có dòng tiền duy trì, ông Kiên cho biết doanh nghiệp phải tiến hành thoái vốn, ngừng triển khai nhiều dự án. "Chúng tôi ưu tiên dòng tiền chi trả cho người có lao động, đầu tư vào khu vực chiến lược có hiệu quả", ông thông tin. Cũng theo vị này, giá trị bất động sản tăng lên đã cho phép công ty chuyển đổi tài sản, bán đi để tạo dòng tiền.
"Chúng tôi tìm cách cân đối lại chi phí, bảo vệ sức khỏe anh em khách hàng, cố gắng tận dụng các nguồn doanh thu có thể có. Quan trọng nhất là tính toán khi mở cửa ra thì chúng tôi tạo được lợi thế cạnh tranh, đó là ưu tiên số một", ông Kiên chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Tý thì thông tin, doanh nghiệp trao đổi với nhân viên qua mạng, thường xuyên hỏi han về nhân viên, sức khỏe, nghe báo cáo hàng ngày. "Quỹ lương lớn nhưng chúng tôi cố gắng duy trì trả lương để nhân viên có thể duy trì cuộc sống tối thiểu. Lúc khó khăn mình bỏ họ thì lúc mình cần lại không có nhân sự để đồng hành", ông Tý nói.
Tuy nhiên, ông cho rằng bối cảnh dịch bệnh còn rất phức tạp. Cái khó nhất của doanh nghiệp là việc đưa ra những dự đoán chính xác bởi nó phụ thuộc vào ngoại cảnh rất nhiều. "Chúng tôi cố gắng hết sức, nhưng mọi thứ phải phụ thuộc vào tình hình diễn biến dịch bệnh, sẽ có những quyết định kịp thời linh động xử lý thay đổi kế sách để phù hợp với thực tại", ông Tý cho hay.
Có thể thấy, dịch bệnh Covid-19 kéo dài, đặc biệt với làn sóng lần thứ 4 đang ngày càng phức tạp đã "bồi" thêm rất nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp. Đại diện Cục quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, số liệu doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường tăng so với cùng kỳ năm 2020 cho thấy tín hiệu tích cực. Tuy nhiên cộng đồng nói chung chịu tác động lớn từ dịch bệnh khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng, đặc biệt là nhóm có quy mô nhỏ.
Trong bối cảnh vô cùng khó khăn, có thể thấy không ít doanh nghiệp vẫn cố gắng ngày đêm duy trì sản xuất kinh doanh, thích ứng với bối cảnh toàn cầu, xoay chuyển tình thế, có góc nhìn lạc quan, tạo ra những điểm sáng trong mùa dịch.
(Theo Dân Trí)
Hơn 1 năm tan tác, chủ nhà hàng bỏ Thủ đô trốn về quê
Sau gần một năm mở nhà hàng ăn ở Thanh Hóa, anh Mỹ thấy mình quá may mắn khi quyết định chuyển về quê kinh doanh sau một thời gian dài ở Hà Nội.
Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét