Xây dựng nhãn hiệu cộng đồng cho sản phẩm không có tiềm năng thị trường, sau khi có nhãn hiệu cộng đồng lại không duy trì được sự ổn định về chất lượng.
Báo cáo tại hội nghị về Sở hữu trí tuệ năm 2021 vừa diễn ra tại Lâm Đồng, Cục Sở hữu trí tuệ cho biết: dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng năm 2020 đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp nhận được tăng 1,3%, trong đó đơn sáng chế tăng 3,1%, đơn nhãn hiệu quốc gia tăng 3,3% và đặc biệt đơn đăng ký Chỉ dẫn địa lý đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 22 đơn…
Theo T.S trịnh Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp, Việt Nam đã tập trung vào chiến lược phát triển chỉ dẫn địa lý và các nhãn hiệu cộng đồng cho sản phẩm đặc sản địa phương.
Điều này thể hiện qua số lượng chỉ dẫn địa lý bảo hộ tăng nhanh gấp 10 lần khi năm 2007 có 10 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ thì đến 31-12-2020 có 101 Chỉ dẫn địa lý bảo hộ trong đó bảy của nước ngoài, 94 của Việt Nam.
Về cơ cấu sản phẩm bảo hộ chỉ dẫn địa lý có 45% sản phẩm là trái cây, 20% là các sản phẩm như quế, hoa hồi, chè...
Nón là Huế được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý nhưng tiêu thụ vẫn khó. Ảnh Mytour |
Các kết quả nghiên cứu về phát triển chỉ dẫn địa lý cho thấy trên thế giới có hơn 10.000 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, với giá trị thương mại ước tính hơn 50 tỷ USD. Nhiều quốc gia nhận thức ngày càng rõ chỉ dẫn địa lý chính là một cơ hội có thể chuyển thành sản phẩm khác biệt…
Theo T.S Tuấn, tại Việt Nam sau bảo hộ chỉ dẫn địa lý, bên cạnh nhiều sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao vẫn có sản phẩm gặp khó khăn trong phát triển thị trường.
Nguyên nhân là do xây dựng nhãn hiệu cộng đồng cho sản phẩm không có tiềm năng thị trường. Đơn cử như nón lá Huế được bảo hộ chỉ dẫn địa lý nhưng chỉ 10% sản phẩm được bán cho khách du lịch nước ngoài, còn lại 90% là bán cho nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ hai rất nhiều nông sản sau khi có nhãn hiệu cộng đồng lại không duy trì được sự ổn định về chất lượng. Mở rộng sản xuất một cách ồ ạt, không dựa trên các yếu tố quyết định đến chất lượng đặc thù của sản phẩm.
"Chẳng hạn bưởi Đoan Hùng sau thành công bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã phát triển ồ ạt vùng sản xuất bằng việc đưa các giống bưởi lạ (ngoài quy định) vào sản xuất. Hậu quả, chất lượng uy tín của cả vùng sản phẩm suy giảm, không ít người tiêu dùng quay lưng với “bưởi Đoan Hùng”.
Nhiều sản phẩm sau khi có thương hiệu, vì mục đích lợi nhuận người sản xuất tăng mức độ sử dụng phân bón hóa học, thức ăn tăng trọng, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh... để tăng năng suất cây trồng,vật nuôi", ông Tuấn dẫn chứng.
Đàn gà Yên Thế đang được nuôi theo quy trình VietGAP. Ảnh: Báo Bắc Giang. |
Thứ ba là nhiều vùng sản xuất chỉ quan tâm đến việc khai thác mà bỏ quên việc quản lý thương hiệu.
Đơn cử như gà đồi Yên Thế, một thời là hình mẫu cho chăn nuôi hàng hóa quy mô lớn từ năm 2006 với 7.000 hộ, trong đó có 2.000 hộ nuôi trên 1.000 con/lứa.
Gà đồi Yên Thế được bảo hộ nhãn hiệu năm 2011, sản phẩm có mặt tại hầu hết các siêu thị lớn ở Hà Nội, đã hình thành được chương trình ký kết giữa Hà Nội và Bắc Giang về tiêu thụ sản phẩm nên thu nhập của nông dân từ 50-350 triệu đồng/hộ...
Tuy nhiên, do không quản lý chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất, người chăn nuôi sử dụng giống gà mía lai có chất lượng trung bình, khối lượng lớn (2,5-3 kg/con), tích mỡ và giống gà ri lai bị tiếp tục lai tạp. Như vậy không phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của thị trường đô thị Việt Nam.
"Việc quản lý nhãn hiệu và chất lượng kém nên để trà trộn gà nhập lậu, không có kiểm soát và chứng nhận ra thị trường; chăn nuôi phát triển ồ ạt từ 3.000-4.000 ngàn con/lứa/hộ, dẫn đến cung vượt cầu...
Do đó, mô hình này không phát huy hiệu quả của thương hiệu từ năm 2013, sản phẩm không còn chỗ đứng siêu thị Hapro, còn tại siêu thị Co.opmart bị lép vế trước gà CP Thái Lan; giá bán từ 60.000-70.000 đồng/kg giảm xuống 35.000-40.000 đồng/kg, người chăn nuôi lỗ…”. T.S Tuấn dẫn chứng.
(Theo Pháp Luật TP.HCM)
Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét