3 tháng 4, 2021

Người tiêu dùng Việt kêu gọi tẩy chay H&M

Trước hành động của H&M liên quan với “bản đồ có vấn đề”, nhiều người tiêu dùng Việt đã lên tiếng phản đối thương hiệu thời trang này tại Việt Nam.

Mạng xã hội Facebook đã hình thành một nhóm kêu gọi tẩy chay H&M. Ông Việt Tú, một khách hàng ở Hà Nội đã phản ứng gay gắt trên Facebook cá nhân. Ông hay: “Là khách hàng lâu năm của H&M, tôi tẩy chay các sản phẩm của hãng này, yêu cầu hãng có hành động phù hợp”, chia sẻ trên Facebook.

“Nghe bảo H&M chính thức thay đổi bản đồ sau khi nhận phản ánh một chiều. Nếu là sự thật thì tẩy chay ngay. Tôi ủng hộ các thương hiệu địa phương của người Việt vừa rẻ vừa đẹp còn hơn một hãng Tây mà bênh vực vấn đề bản đồ”, chị Lê Tú Quỳnh cho hay.

{keywords}
Làn sóng người tiêu dùng kêu gọi tẩy chay

Thành viên An An kêu gọi: “Chúng ta còn có nhiều sự lựa chọn khác cho con cái, gia đình của chúng ta, không cần thiết phải ủng hộ 1 nhãn hàng coi thường người tiêu dùng Việt Nam và vi phạm độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ”.

Tại Việt Nam, H&M mở cửa hàng đầu tiên tại TPHCM vào tháng 9/2017. Chỉ 2 tháng sau, H&M tiếp tục mở cửa hàng tại Hà Nội. Tính đến thời điểm hiện tại, H&M đang có 12 cửa hàng tại Việt Nam, gồm 5 cửa hàng ở Hà Nội, 4 cửa hàng ở TPHCM và 3 cửa hàng ở Cần Thơ, Đà Nẵng và Hạ Long.

{keywords}
Dân Việt xếp hàng ngày khai trương HM

Trước đó, báo chí quốc tế đưa tin, nhà chức trách Trung Quốc cho biết thương hiệu thời trang H&M (Thuỵ Điển) đã đồng ý thay đổi “bản đồ có vấn đề” trên mạng sau khi bị Bắc Kinh chỉ trích.

Theo AP, chính quyền Thượng Hải nói rằng người dùng mạng internet đã báo cáo về "bản đồ có vấn đề" trên trang web của H&M. Vì vậy, Sở Quy hoạch và Tài nguyên Thượng Hải yêu cầu công ty Thuỵ Điển nhanh chóng sửa chữa bản đồ đó. Sau khi được triệu tập, H&M "đồng ý với yêu cầu của nhà chức trách Trung Quốc". 

H&M đang nỗ lực nhằm xoa dịu cơn giận dữ của người Trung Quốc và khẳng định những cam kết của họ với quốc gia này dường như đều thất bại. H&M đã đưa ra một thông báo mang tính hòa giải, phản ứng trước những tranh cãi về việc ngừng sử dụng bông Tân Cương của hãng này. Trong đó, H&M cho biết Trung Quốc là "một thị trường rất quan trọng."

Dù không nêu rõ trong thông báo mới nhất được đưa ra hôm nay về việc liệu họ có sử dụng lại bông Tân Cương hay không, nhưng H&M cho biết họ muốn trở thành một "bên mua có trách nhiệm tại Trung Quốc và các nơi khác". Ngoài ra, thương hiệu Thụy Điển cũng sẵn sàng hợp tác với các bên liên quan đến cùng xây dựng một ngành thời trang bền vững hơn.

Khủng hoảng toàn cầu

Tuần trước, H&M thành tâm điểm của làn sóng tẩy chay tại Trung Quốc vì một phát ngôn vào năm ngoái trong đó tuyên bố không dùng bông sản xuất tại tỉnh Tân Cương do lo ngại vấn đề nhân quyền. Thương hiệu bán lẻ thời trang nhấn mạnh, làn sóng tẩy chay hiện nay có thể phủ bóng đen lên hoạt động thị trường của họ tại Trung Quốc – nơi vẫn là một trong bốn thị trường hàng đầu của tập đoàn.

Giữa làn sóng tẩy chay, các sản phẩm của H&M nhanh chóng biến mất khỏi các nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc như Alibaba và JD.com. Vị trí của hơn 500 cửa hàng bán lẻ H&M tại Trung Quốc bị xóa khỏi dịch vụ bản đồ của Alibaba và Baidu - công cụ tìm kiếm hàng đầu Trung Quốc. Chưa hết, các chủ mặt bằng tại ít nhất 6 thành phố cấp thấp đã buộc H&M đóng cửa hàng.

{keywords}
HM gặp khủng hoảng toàn cầu

Theo ghi nhận của người dùng ở Bắc Kinh, bất kỳ tìm kiếm nào về H&M ở cả bản đồ Apple trên iPhone hay ứng dụng bản đồ trên Baidu đều không cho ra bất kỳ kết quả nào. Trong khi đó, khi tìm cửa hàng của những đối thủ cạnh tranh với H&M như Uniqlo, các kết quả hiện lên bình thường.

Đặc biệt, khi tìm kiếm trên Google Maps, khoảng 12 địa điểm cửa hàng H&M ở Bắc Kinh và các vùng lân cận đều hiện lên. Dĩ nhiên việc này được truy cập thông qua sử dụng lưới mạng riêng bởi các sản phẩm của Alphabet hiện đều bị cấm tại Trung Quốc.

Không chỉ vậy, H&M liên tục gặp nhiều vấn đề rắc rối. Đầu tiên là việc phải đóng toàn bộ cửa hàng tại Nam Phi vì lỗi quảng cáo phân biệt chủng tộc. Khi đó, H&M đã tung một quảng cáo trong đó có một cậu bé da màu mặc một chiếc áo nỉ chui đầu có in trước ngực dòng chữ "coolest monkey in the jungle" (tạm dịch: "chú khỉ ngầu nhất rừng xanh"). Quảng cáo này thậm chí đã gây nên một làn sóng biểu tình phản đối nhằm vào H&M.

Không những vậy, H&M trong năm 2018 còn chứng kiến tồn kho quần áo kỷ lục lên tới 4,3 tỷ USD do không bán được hàng. Nhiều ý kiến cho rằng, các thiết kế của H&M lỗi thời và không cạnh tranh được với các đối thủ khác trên thị trường.

Đến năm 2020, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã khiến H&M phải đóng hàng nghìn cửa hàng trên toàn thế giới, chung cảnh ngộ với các hãng thời trang khác.

Bảo Anh



Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét