Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý thuế đối với các hộ cá nhân kinh doanh, trong đó có các cá nhân kinh doanh qua thương mại điện tử.
Rất nhiều cá nhân kinh doanh qua mạng không muốn đóng thuế, thì dự thảo đã có quy định chi tiết để ngăn ngừa tình trạng này.
Liên tục phát hiện các vụ kinh doanh qua mạng với quy mô lớn nhưng không đóng thuế
Ngày 1/4/2021, Cơ quan quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình phối hợp với Công an tỉnh đã triệt phá kho hàng giả lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh này. Không có cửa hàng cố định, chủ kho hàng này đã sử dụng nền tảng số livestreams bán hàng trên mạng xã hội Facebook. Trung bình mỗi ngày có khoảng 1000 đơn hàng được gửi đi thông qua các dịch vụ vận chuyển. Trước đó, hàng loạt các vụ việc buôn bán hàng giả, chuyên livestreams bán hàng cũng bị triệt phá, như vụ kho hàng giả quy mô 10 nghìn m2 ở Lào Cai.
Bán hàng qua mạng hay gọi chung là kinh doanh qua thương mại điện tử đang ngày càng phát triển. Thế nhưng, việc quản lý thì còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài vấn nạn hàng giả, nhái thì hầu hết các vụ buôn bán qua mạng lớn bị phát hiện trong thời gian vừa qua, có doanh thu nhiều tỷ đồng nhưng đều không kê khai và nộp thuế. Để có cơ chế quản lý vấn nạn này, Nghị định 126 có hiệu lực từ 5/12/2020 hướng dẫn Luật quản lý thuế đã có những quy định đối với các hoạt động thương mại điện tử.
Trong đó có quy định khiến dư luận đặc biệt quan tâm, đó là các ngân hàng thương mại sẽ phải cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng cho cơ quan thuế. Và mới đây nhất, Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý thuế đối với các hộ cá nhân kinh doanh, trong đó có các cá nhân kinh doanh qua thương mại điện tử.
Phân loại các cá nhân kinh doanh qua thương mại điện tử
Các cá nhân kinh doanh qua thương mại điện tử sẽ được chia làm 2 nhóm:
Nhóm 1, bao gồm các cá nhân kinh doanh theo mô hình truyền thống có áp dụng một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác. Với nhóm đối tượng này cơ quan thuế quản lý theo mô hình, quy mô, địa bàn hoạt động, đồng thời kết hợp thông tin từ các đơn vị trung gian (Ngân hàng, đơn vị vận chuyển, sàn giao dịch thương mại điện tử,...) để quản lý doanh thu kinh doanh phù hợp thực tế.
Nhóm 2, bao gồm các cá nhân cung cấp sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số. Cơ quan thuế có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ để cá nhân có đầy đủ thông tin để tự thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật, đồng thời khai thác thông tin qua thanh tra, kiểm tra các đơn vị trung gian hoặc khai thác thông tin thanh toán qua ngân hàng để đôn đốc cá nhân thực hiện nghĩa vụ thuế. Ngoài ra cũng có hướng dẫn trách nhiệm khai thuế thay cho cá nhân của các đơn vị là tổ chức đối tác tại Việt Nam của các nhà cung cấp nền tảng số ở nước ngoài mà có thỏa thuận chi trả thu nhập cho cá nhân thông qua tổ chức đối tác tại Việt Nam.
Rủ nhau "mập mờ" tin nhắn chuyển khoản để né thuế
Trước thông tin các ngân hàng thương mại sẽ phải cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng cho cơ quan thuế, giới bán hàng khuyên nhau nên chia nhiều tài khoản nhận tiền, đổi nội dung chuyển khoản mua hàng, để tránh bị cơ quan thuế và ngân hàng phát hiện, nhằm né thuế. Trên các trang bán hàng qua mạng xã hội, liên tiếp xuất hiện các thông tin kêu gọi như sau "Từ 5/12 Ngân hàng cung cấp thông tin cho cơ quan thuế. Mong khách hàng có thanh toán chuyển khoản cho em thì:
+ Không cần ghi tên thanh toán hàng gì
+ Không nhắc đến tên hàng hóa
+ Chỉ cần ghi tên và chụp màn hình gửi sang cho em"
Rất nhiều chủ shop bán hàng đã yêu cầu khách hàng không nhắc gì đến việc mua,bán. Thậm chí, trước khi chuyển khoản, người bán cũng dặn dò khách thật kỹ. Có cửa hàng còn yêu cầu khách chuyển khoản chỉ ghi mỗi số điện thoại của khách. "Ghi mỗi số điện thoại thì mình vẫn nhận ra khách, mà ngân hàng và cơ quan thuế lại không biết là giao dịch mua, bán", một chủ cửa hàng tâm sự.
Các status kêu gọi "mập mờ' trong tin nhắn chuyển khoản để "né" thuế. |
"Vỏ quýt dày thì có móng tay nhọn"
Trả lời về các chiêu thức "né thuế" ở trên của không ít chủ shop bán hàng online, bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân - Tổng cục Thuế cho biết: Ngành thuế đã phối hợp với ngân hàng để ngân hàng cung cấp các giao dịch đáng ngờ. Một người giao dịch chuyển khoản một vài lần mỗi ngày thì được coi là bình thường. Nhưng khi giao dịch tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần mỗi ngày, trong 1 thời gian dài, hoặc số lượng tiền giao dịch lớn, thì sẽ được coi là giao dịch "đáng ngờ". Từ đó xác định rủi ro đối với hộ cá nhân kinh doanh thì cơ quan thuế sẽ tiến hành xây dựng kế hoạch rà soát, yêu cầu người nộp thuế kê khai, nộp thuế theo quy định.
Trong trường hợp, người bán hàng sử dụng việc dịch vụ bán hàng và vận chuyển của các đơn vị trung gian, thì thì dự thảo có quy định các đơn vị này có nghĩa vụ cung cấp thông tin bán hàng của chủ shop. Từ đó, cơ quan thuế dễ dàng tiếp cận với doanh thu thực của các hộ kinh doanh để thu thuế. " Nếu họ cố tình không kê khai thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật", bà Lan Anh nhấn mạnh.
Đối với các cá nhân có thu nhập từ việc bán dịch vụ, sản phẩm nội dung thông tin số từ các nền tảng như : Google, Facebook, Youtube…cơ quan thuế cũng sẽ phối hợp với các tổ chức tín dụng để có cơ sỡ dữ liệu về nguồn thu nhập phát sinh của các cá nhân này. Bà Lan Anh cho rằng một người kinh doanh qua thương mại điện tử sẽ không thể ẩn danh quá lâu, cơ quan thuế sẽ tìm ra các "dấu vết" dựa số lần thanh toán, mức tiền thanh toán, cứ lặp đi lặp lại nhiều lần. Thay vì đợi đến lúc bị cơ quan thuế yêu cầu truy thu, thì ngành thuế khuyến cáo cho các cá nhân kinh doanh qua thương mại điện tử nên kê khai và nộp thuế đầy đủ, bởi đây vừa là quyền và cũng là nghĩa vụ của mỗi công dân.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân - Tổng cục Thuế. |
Xuất hiện nhiều cá nhân kinh doanh online nộp thuế hàng chục tỷ đồng
Trong năm 2020, đã xuất hiện nhiều các cá nhân có thu nhập qua thương mại điện tử hàng chục tỷ đồng, tự nguyện đến đăng ký kê khai và nộp thuế. Tại chi cục thuế quận Cầu Giấy,Tp Hà Nội có 1 cá nhân là nữ giới, 28 tuổi. Trong năm qua cá nhân này đã sáng tác ra nhiều phần mềm được các ứng dụng Google Play và App Store đăng tải, và có tổng thu nhập lên tới 330 tỷ đồng, nộp thuế 23,4 tỷ đồng. Năm 2020 Hà Nội thu thuế từ thương mại điện tử đạt 123 tỷ đồng, tăng gấp gần 5 lần so với 2019.
Một cá nhân nộp thuế tiêu biểu khác là nam giới, 30 tuổi, cũng có địa chỉ tại quận Cầu Giấy. Nam thanh niên này cũng sáng tác ra nhiều phần mềm được các ứng dụng trên thế giới sử dụng và có thu nhập 260 tỷ đồng, nộp thuế 18,1 tỷ đồng.
Trong năm 2020, riêng Chi cục Thuế quận Cầu Giấy đã có 65 cá nhân kinh doanh online kê khai và nộp thuế tới 55 tỷ đồng. Ngoài ra còn hàng trăm cá nhân khác đã tự nguyện kê khai, nhưng chưa đến ngưỡng phải nộp thuế và vẫn trong diện quản lý. Hiện toàn thành phố Hà Nội có khoảng trên 2000 cá nhân kinh doanh online đã đăng ký kê khai thuế.
Thời gian tới, Cục Thuế TP Hà Nội sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để quản lý chặt chẽ các cá nhân này. Đối với các trường hợp được Cục thuế thông báo, hướng dẫn, hỗ trợ nhưng vẫn cố tình không kê khai, nộp thuế thì sẽ bị thanh kiểm tra, xử phạt đối với hành vi trốn thuế theo quy định, thậm chí sẽ chuyển sang cơ quan điều tra khởi tố nếu không chấp các quyết định thanh kiểm tra.
(Theo VTV)
Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét