Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, cho rằng nếu giá vàng trong nước tiếp tục vênh cao so với thế giới, tình trạng buôn lậu vàng có thể tái xuất, hoành hành. Sau mỗi "cơn sốt" vàng sẽ có bên lỗ, bên lãi.
Giá vàng trong nước những ngày gần đây cao hơn thế giới khoảng 7 - 8 triệu đồng/lượng, vì sao? Liệu việc chênh lệch về giá quá cao có mang đến nhiều rủi ro khi gần đây, tình trạng buôn lậu vàng tái diễn, nhất là tỷ giá ở thị trường tự do tăng vọt?
Thị trường vàng ở Việt Nam hiện đóng, không liên thông với thị trường vàng thế giới. Bởi 10 năm trở lại đây, nước ta không nhập khẩu vàng, đồng nghĩa với việc nguồn cung khan hiếm.
Theo tôi quan sát, 2 - 3 tháng gần đây, giá vàng thế giới đang có chiều hướng giảm mà giá vàng ở Việt Nam vẫn neo cao nên tình trạng buôn lậu vàng lại tái xuất, kéo theo việc thu gom đôla số lượng lớn trên thị trường tự do.
Hơn nữa, giá vàng hay giá ngoại tệ thì luôn vận hành theo cơ chế thị trường, nguồn cầu cao mà cung lại thấp thì sự chênh lệch về giá là đương nhiên.
Vậy theo ông, mức chênh lệch ở ngưỡng bao nhiêu thì hợp lý? Làm sao để thu hẹp khoảng cách này?
Trước kia, khi nước ta cho nhập khẩu vàng chính thức thì chênh lệch giữa thị trường vàng trong nước và thế giới luôn ở mức 1 - 2%. Còn hiện nay, con số này đã lên tới 10 - 12% nên kích thích việc buôn lậu vàng trái phép qua biên giới.
Như ngày trước, tỷ giá chênh lệch giữa thị trường tự do so với thị trường ngân hàng thường bằng nhau hoặc cao lắm cũng chỉ khoảng 100 đồng/USD. Còn bây giờ, do tình trạng nhập lậu vàng tái xuất nên tỷ giá ngoại tệ trên thị trường tự do cũng leo thang.
Và cách duy nhất để thu hẹp khoảng cách chênh lệch trên là Nhà nước nên cho nhập khẩu vàng nguyên liệu.
So với các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, vàng đang bị yếu thế, đâu là nguyên nhân?
Thông thường, các kênh như chứng khoán, bất động sản có nhiều rủi ro thì vàng sẽ được chọn làm nơi trú ẩn. Do bởi, vàng không phải kênh sinh lợi nhiều nhưng sẽ bảo vệ chắc chắn tài sản của nhà đầu tư. Khi thị trường chứng khoán, bất động sản ổn định thì mọi người sẽ bán vàng ra để đổ vào các kênh này.
Vậy dư địa tăng giá của kim loại này trong thời gian tới ra sao, thưa ông?
Gần đây, giá vàng đang có chiều hướng đi xuống do các đợt điều chỉnh lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng và chỉ số Dollar Index tăng. Trong khi, giá vàng thế giới lại phụ thuộc rất nhiều vào tình hình tài chính, chính sách kinh tế ở Mỹ.
Theo nhận định của tôi, năm nay dư địa tăng giá của vàng vẫn còn. Như năm trước, giá vàng neo cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến kinh tế toàn cầu tê liệt.
Còn năm nay, dịch bệnh đã thuyên giảm dần nhưng vẫn diễn biến khó lường. Một số quốc gia đã bắt đầu mở rộng triển khai tiêm chủng vắc xin nhưng tỷ lệ người dân được tiêm vẫn còn ít. Dự kiến đến năm 2022, nếu khả quan, dịch bệnh mới được khống chế nên vàng hiện vẫn là kênh trú ẩn tốt.
Thứ hai, có thể thấy, kinh tế Mỹ hiện khó hồi phục, khi mới đây, Quốc hội Mỹ đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD, có quy mô gấp đôi gói hỗ trợ mà Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 12 năm ngoái.
Khi một lượng tiền khổng lồ được bơm ra thị trường sẽ khiến lạm phát gia tăng, đồng nghĩa với việc, vàng vẫn là nơi cất giữ tài sản an toàn của nhiều nhà đầu tư.
Thứ ba, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn diễn ra khá phức tạp. Nếu mọi việc vẫn căng thẳng thì vàng có khả năng còn tăng mạnh trong thời gian sắp tới.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, giá vàng trong nước từng cán mốc 63 triệu đồng/lượng, ông nhận định thế nào về phản ứng đó của thị trường? Và những người mua vàng ở vùng giá đỉnh đó giờ nên giải quyết ra sao?
Trong mùa dịch Covid-19, giá vàng thế giới cũng tăng nhưng không tăng cao như ở Việt Nam. Lý do thì tôi đã chỉ ra là bởi thị trường vàng Việt Nam không liên thông với thị trường vàng thế giới. Và câu chuyện ấy vẫn lặp lại tới bây giờ khi giá vàng trong nước luôn cao hơn thế giới 7 - 8 triệu đồng/lượng.
Thế nên, giá vàng ở Việt Nam cán mốc 63 triệu đồng/lượng khi dịch Covid-19 bùng phát không phản ánh chính xác tình hình chung mà nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung khan hiếm, sức mua tăng cao.
Những người mua vàng ở vùng giá đỉnh, nếu không vội có thể ôm hàng chờ đến khi giá quay trở lại như kỳ vọng. Còn nếu cần tiền để chuyển sang kênh đầu tư khác thì phải chấp nhận chịu lỗ.
Trong tương lai, giá vàng trong nước nên được kéo về cân bằng so với giá vàng thế giới là cách tốt nhất để nhà đầu tư không bị thiệt thòi.
Trước đây, cứ vào cơn sốt vàng thì có hiện tượng người dân "mua đỉnh bán đáy", theo ông, hiện tượng này có còn không?
Kể từ cơn sốt vàng lúc dịch Covid-19 bùng phát, hiện giá vàng đang có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, lượng người mua vào vẫn cao hơn số người bán ra nên giá vàng hiện vẫn neo ở mức cao, do bất cân xứng về cung cầu.
Bên nào sẽ được hưởng lợi nhiều nhất sau các "cơn sốt vàng" vì thực tế giao dịch vàng hiện nay đều do các doanh nghiệp vàng nắm giữ và thông tin công bố thường là một chiều?
Doanh nghiệp kinh doanh vàng thì không bao giờ lỗ. Một là do tính chuyên nghiệp. Thứ hai là họ bung biên độ mua bán ra. Chỉ có người tiêu dùng là lỗ. Còn lỗ này không phải do doanh nghiệp do doanh nghiệp cũng mong muốn được nhập khẩu vàng để có nguồn bán ra dồi dào. Bởi họ mua vào giá cao thì cũng phải bán ra giá cao, chứ không lời quá nhiều, còn có hưởng lợi nhiều nhất vẫn là các đối tượng buôn lậu vàng.
Vậy sắp tới, người dân có nên đổ tiền vào đầu tư vàng?
Thời điểm này, những ai đã mua vàng rồi thì nên cố giữ, bán ra thì chắc chắn lỗ. Còn ai muốn đầu tư thì có thể tham gia nhưng nên bỏ khoảng 20 - 25% trong tổng tài sản.
Xin cảm ơn ông!
(Theo Dân Trí)
Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét