5 tháng 12, 2021

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Mở cánh cửa rừng, khai thác núi vàng khổng lồ

Người dân miền núi phía Bắc đang sống trên những núi vàng khổng lồ, nhưng chúng ta đang lãng phí. Bây giờ phải mở cánh cửa, đánh thức nàng công chúa ngủ trong rừng để khai thác nguồn tài nguyên này theo hướng tích hợp đa giá trị.

Mới chỉ khai thác cây dược liệu về bán giá rẻ

Theo báo cáo của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, miền núi phía Bắc có tổng diện tích rừng lên tới hơn 5,73 triệu ha, trong đó 3,94 triệu ha rừng tự nhiên, 1,79 triệu ha rừng trồng. Đến nay, các nhà khoa học thống kê được hơn 7.000 loài thực vật cho lâm sản ngoài gỗ (LSNG) gồm: nhóm cây có sợi, nhóm cây chiết suất nhóm cây làm thực phẩm và nhóm cây dược liệu, mỹ phẩm.

Riêng nhóm dược phẩm, mỹ phẩm có tới 4.000 loài cây. Trong đó, có 144 loài cây thuốc thuộc diện quý hiếm trên thế giới như: sâm Lai Châu, sâm vũ điệp, tam thất hoang, hoàng liên gai, bảy lá một hoa,... ở vùng Tây Bắc; vàng đắng, hoằng đằng, chè hoa vàng, bình vôi, sâm cau, ba kích... ở vùng Đông Bắc.

LSNG gắn liền với cuộc sống của gần 15 triệu đồng bào sống ở trung du miền núi phía Bắc. Người dân không chỉ khai thác nguồn nguyên liệu LSNG ngoài tự nhiên mà còn gây trồng để tăng thu nhập.

{keywords}
Khu vực miền núi phía Bắc có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế dưới tán rừng (ảnh: BTN)

Song, phần lớn sản phẩm khai thác được đều đưa tiêu thụ, không qua sơ chế, chế biến. Như cây dược liệu có giá trị kinh tế rất cao, nhưng chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô với giá rất rẻ. Rất ít sản phẩm LSNG được đưa vào chế biến sâu cho ra sản phẩm tinh chế, giá trị cao.

Đây cũng là lý do khiến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ liên tục tăng mạnh những năm gầy đây, đạt 13,5 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, xuất khẩu các sản phẩm LSNG chỉ chiếm 800 triệu USD, con số khá khiêm tốn.

Tại Hội nghị Phát triển kinh tế dưới tán rừng ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, bà Trần Thị Thu Hà - Viện Nghiên cứu và và phát triển Lâm nghiệp (ĐH Nông lâm Thái Nguyên) - cho biết, nhiều cây dược liệu quý hiếm, đem lại giá trị kinh tế cao được trồng tán rừng tự nhiên như sâm Ngọc Linh, tam thất, thảo quả...

Tuy vậy, việc phát triển kinh tế dưới tán rừng chưa tương xứng với tiềm năng, đã có một số mô hình nhưng năng lực và quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ. Sản xuất theo chuỗi giá trị lại càng yếu, chế biến sâu chưa phát triển. Thành ra, người dân đa phần khai thác bán thô với giá rẻ. Thậm chí, có nhiều cây dược liệu bị khai thác tận diệt dẫn đến cạn kiệt.

Tại Lào Cai, lãnh đạo tỉnh cho hay, kinh tế dưới tán rừng có phần khởi sắc, như cây dược liệu đem lại nguồn thu 900 tỷ đồng, song chưa tương xứng với tiềm năng do hầu hết chưa qua chế biến. 

Mở cánh cửa khai thác núi vàng khổng lồ

Với diện tích rừng rộng lớn, khu vực miền núi phía Bắc có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế dưới tán rừng. Muốn làm được điều này, cần có những chính sách hỗ trợ về giống, mở cơ chế về đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng đi kèm để phát triển nguồn nguyên liệu, từ đó kéo doanh nghiệp vào đầu tư tạo chuỗi liên kết gia tăng giá trị cho sản phẩm.

Thực tế hiện nay, nhiều vùng đường xá chưa phát triển, một số cây trồng dưới tán rừng năng suất thấp do giống kém chất lượng. Ví như quế được trồng ở một số địa phương, năng suất chỉ đạt khoảng 5 tấn/ha, còn tại Trung Quốc đạt 16 tấn/ha.

Theo chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, khi phát triển kinh tế dưới tán rừng, không chỉ có cây mà còn có thế phát triển con, như nuôi dúi, cừu, gà,... Đi theo hướng này, bà con nông dân có thể thu được rất nhiều tiền dựa vào rừng.

{keywords}
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, rừng là vàng nhưng chúng ta chưa nhìn thấy hết giá trị

Phát triển cây dưới tán rừng, ông Hùng cho rằng, để bảo vệ rừng bền vững, đã trồng cây không nên chặt. Có thể chú trọng phát triển nhiều loại cây cho thu hoạch quả, hạt.

“Tôi ra sân bay, 1kg quả trám có giá bán 120.000 đồng. Một cây trám có thể cho thu hoạch 8 tạ trám/vụ. Tương tự, 1kg hạt dổi được thu mua với giá 800.000 đồng. Trồng những cây này sẽ đem lại giá trị rất cao”, ông Hùng dẫn chứng.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, rừng đa dụng, chúng ta tiếp cận rừng không vì lấy gỗ, làm thuỷ điện mà phải đa giá trị. Phát triển sớm theo hướng này bà con sẽ sống được dưới tán rừng.

Nhắc lại câu chuyện sang Phần Lan, ông thấy ngoài bìa rừng bán rất nhiều thực phẩm được khai thác từ rừng. Còn ở Việt Nam, ông được nghe tâm sự của chủ một doanh nghiệp nói về tình trạng người dân vùng cao khai thác cây dược liệu bán thô cho Trung Quốc với giá quá rẻ.

“Từ đó để thấy rằng chúng ta phải tích hợp đa giá trị từ tài nguyên bản địa, tinh hoa dân tộc, đổi mới sáng tạo tạo ra diện mạo mới cho vùng Tây Bắc”. Bộ trưởng nhấn mạnh, tài nguyên hữu hạn, đổi mới sáng tạo là vô hạn. Không chấp nhận bằng lòng với cái mình có, chúng ta phải sáng tạo ra những cái giá trị cao gấp cả trăm lần.

Người đứng đầu ngành Nông nghiệp nhận định, Tây Bắc có nguồn tài nguyên vô giá nhưng chúng ta chưa thấy hết được giá trị. Thế nên, cần bắt tay nhau để “mở cánh cửa”, đánh thức nàng công chúa ngủ trong rừng hàng trăm năm nay.

“Rừng vàng biển bạc. Chúng ta đang sống trên núi vàng nên không chỉ là khai thác gỗ rừng trồng mà còn có nhiều giá trị khác như du lịch sinh thái, trồng cây dược liệu đưa vào tinh chế ra những sản phẩm dược phẩm, thực phẩm...”, Bộ trưởng nói. Ông cho hay, Bộ NN-PTNT sẽ có đề án riêng cho Tây Bắc về phát triển kinh tế dưới tán rừng.

Bộ trưởng cũng lưu ý, phải kích hoạt được tiềm năng của rừng, bởi phát triển kinh tế dưới tán rừng không chỉ bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, chống xói mòn đất, góp phần chống biến đổi khí hậu mà còn là sinh kế cho hàng chục triệu đồng bào dân tộc. Chúng ta phải phát triển theo hướng bền vững, tránh tình trạng đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.

Tâm An

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Vẽ ra thì rất dễ nhưng thực hiện mới khó

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Vẽ ra thì rất dễ nhưng thực hiện mới khó

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, ở bất kỳ bài toán kinh tế nào thì cân đối nguồn lực là bài toán tối ưu nhất. Bởi chúng ta vẽ ra được các câu chuyện thì rất dễ nhưng thực hiện mới là khó. 



Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét