17 tháng 11, 2021

Lương công chức thay đổi như thế nào trong 10 năm qua?

Cải cách lương giai đoạn 2008-2012, lương "khởi điểm" cho cán bộ, công chức từ mức 540.000 đồng/tháng tăng gấp đôi, lên 1.050.000 đồng. Nhưng 9 năm tiếp theo, lương chỉ "nhích" thêm 490.000 đồng…

Lỡ hẹn cải cách tiền lương 3 lần

Trong hơn 10 năm qua, Nhà nước đã "lỡ hẹn" cải cách chính sách tiền lương 3 lần.

Lần thứ nhất, tháng 3/2008, Thủ tướng Chính phủ (khi đó là ông Nguyễn Tấn Dũng) phân công các bộ, cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo nghiên cứu và thực hiện cải cách chính sách tiền lương Nhà nước để triển khai thực hiện Kết luận số 20 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2008-2012.

Quý III/2008, Chính phủ ban hành hệ thống thang, bảng, ngạch, bậc lương và các chế độ phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và công ty nhà nước theo quan hệ tiền lương mới. Trong Quý II/2008, các Bộ, ngành hoàn thành Ðề án đổi mới cơ chế hoạt động và cơ chế tài chính (trong đó có tiền lương và khung giá dịch vụ) đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các ngành, bộ quản lý.

Theo đó, từ mức lương tối thiểu chung áp dụng cho khu vực cán bộ, công chức, viên chức từ mức 540.000 đồng/tháng năm 2008, lương công chức đã tăng được lên mức 1.050.000 vào năm 2012 (gần gấp đôi trong vòng 5 năm).

Lần thứ hai, theo kết luận của Hội nghị Trung ương 5 (năm 2012) và Hội nghị Trung ương 7 (năm 2013) khóa XI về một số vấn đề cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và định hướng cải cách đến năm 2020. Lương tối thiểu chung chính thức được gọi là lương cơ sở, để phân biệt với lương tối thiểu vùng áp dụng cho khu vực doanh nghiệp.

Đánh giá chung, từ năm 2011, việc cải cách tiền lương và các chế độ, chính sách khác đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo lộ trình và đã đạt một số kết quả tích cực góp phần ổn định đời sống người lao động. Nhà nước đã có 6 lần điều chỉnh tăng mức lương cơ sở qua mỗi năm, cho tới 2017.

Cụ thể: - Từ ngày 01/5/2011, lương tăng thêm 13,7% (từ 730.000 đồng/tháng lên 830.000 đồng/tháng);

- Từ ngày 01/5/2012, tăng thêm 26,5% (từ 830.000 đồng/tháng lên 1.050.000 đồng/tháng);

- Từ ngày 01/7/2013, tăng thêm 9,5% (từ 1.050.000 đồng/tháng lên 1.150.000 đồng/tháng);

- Từ ngày 01/5/2016, tăng thêm 5% (từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng) và quy định mức lương cơ sở thay cho mức lương tối thiểu chung;

- Từ ngày 01/7/2017, mức lương cơ sở tăng từ 1.210.000 đồng lên 1.300.000 đồng/tháng;

- Từ ngày 1/7/2018, lương cơ sở tăng thêm từ 1.300.000 lên 1.390.000 đồng/tháng, tức tăng 90.000 đồng/tháng.

Lần thứ ba, Trung ương Đảng ban hành tiếp Nghị quyết số 27 năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp với định hướng đưa lương cơ sở áp dụng cho khu vực công lên bằng mức trung bình của lương tối thiểu 4 vùng áp dụng cho khu vực doanh nghiệp. Cơ cấu tiền lương mới được xác định gồm "lương cơ bản" + "các khoản phụ cấp" + "tiền thưởng". Nhà nước sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.

Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết, cho tới này, mới chỉ trong năm 2019, lương cơ sở được điều chỉnh tăng thêm 100.000 đồng/tháng so với mức lương 1.390.000 đồng tại thời điểm năm 2018. Qua 2 năm phải lùi thời điểm chính thức cải cách tiền lương từ 1/7/2021 như kế hoạch ban đầu, tại Hội nghị 13, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII quyết định dời hạn đến 1/7/2022 và mới đây nhất, Hội nghị 3, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII tiếp tục cho lùi thời điểm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chưa xác định thời hạn cụ thể.

Tổng hợp mức lương cơ sở qua các năm

Thời điểm áp dụng

Mức lương cơ sở (đồng/tháng)

Căn cứ pháp lý

Từ 01/01/2008 đến hết tháng 4/2008

540.000

Nghị định 166/2007/NĐ-CP 

Từ 01/05/2009 đến hết tháng 4/2009

650.000

Nghị định 33/2009/NĐ-CP

Từ 01/05/2010 đến hết tháng 4/2011

730.000

Nghị định 28/2010/NĐ-CP

Từ 01/05/2011 đến hết tháng 4/2012

830.000

Nghị định 22/2011/NĐ-CP

Từ 01/05/2012 đến hết tháng 6/2013

1.050.000

Nghị định 31/2012/NĐ-CP

Từ 01/07/2013 đến hết tháng 4/2016

1.150.000

Nghị định 66/2013/NĐ-CP

Từ 01/05/2016 đến hết tháng 6/2017

1.210.000

Nghị định 47/2016/NĐ-CP

Từ 01/07/2017 đến hết tháng 6/2018

1.300.000

Nghị định 47/2017/NĐ-CP

Từ 01/07/2018 đến hết tháng 6/2019

1.390.000

Nghị định 72/2018/NĐ-CP

Từ 01/07/2019 

1.490.000

Nghị quyết 70/2018/QH14
 

Bao giờ lương công chức đủ sống?

Trao đổi về việc Nhà nước đã 3 lần lỡ hẹn cải cách chính sách tiền lương, TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Xã hội của Quốc hội, một chuyên gia trong lĩnh vực lao động - việc làm - tiền lương nêu quan điểm: "Có lẽ, đã đến lúc không nên để chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội không phù hợp với quy mô và tốc độ tăng trưởng".

Đã có thời gian dài theo đuổi việc xây dựng, giám sát thực hiện chính sách tiền lương, ông Lợi phân tích, lương "chậm tiến" so với tốc độ tăng trưởng kinh tế đang tạo ra sự bất bình đẳng về tiền lương khu vực Nhà nước và khu vực sản xuất kinh doanh.

Lương công chức thay đổi như thế nào trong 10 năm qua? - 1

TS Bùi Sỹ Lợi là Phó Chủ nhiệm UB Xã hội của Quốc hội khóa XIII, XIV, phụ trách lĩnh vực lao động - việc làm - tiền lương.

Hàng năm, khu vực sản xuất kinh doanh có sự điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, nhưng tiền lương khu vực Nhà nước qua nhiều năm lại chỉ tăng "nhỏ giọt như cà phê phin". Theo ông Lợi, đó là nguyên nhân của giải quyết mâu thuẫn này, lại xuất hiện mâu thuẫn khác và kéo dài khoảng cách bất bình đẳng về tiền lương của công chức Nhà nước trong các ngành và lĩnh vực khác nhau.

Thực tế diễn biến tiền lương công chức hành chính qua các lần cải cách suốt 20 năm qua (2 lần cải cách lương năm 1993, 2004), ông Lợi phân tích, mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh song đời sống người hưởng lương, đặc biệt là công chức nói chung và công chức hành chính nói riêng ít được cải thiện. Họ không sống bằng lương mà bằng các nguồn thu nhập khác (cả chính đáng và đặc biệt là loại không chính đáng), điều đó dẫn đến hệ lụy là tha hóa đội ngũ công chức hành chính làm suy yếu bộ máy quản lý nhà nước.

TS. Bùi Sỹ Lợi thông tin, một năm trước, khi Trung ương quyết định lùi lộ trình cải cách lương khu vực công từ 1/7/2021 sang 1/7/2022, Chính phủ cũng đã quyết tâm cao làm sao thay đổi một "bước nhỏ", nâng mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.600.000 đồng nhưng đến nay thực tế vẫn chưa làm được, vì sang đến năm nay, dịch Covid-19 tàn phá còn nặng nề hơn năm 2020. Câu hỏi "bao giờ lương công chức đủ sống?", theo đó, vẫn… chưa trả lời được.

Kiến nghị xây dựng mức lương tối thiểu của công chức hành chính để đảm bảo lương của cán bộ, công chức ngang bằng với sức lao động và tương đương mức lương trong thị trường, vị Phó Chủ nhiệm UB Xã hội qua nhiều nhiệm kỳ Quốc hội với tính chất phức tạp và vai trò quan trọng, lao động công chức hành chính được xếp ở mức độ phức tạp hơn và quan trọng hơn lao động trong khu vực sản xuất kinh doanh, khu vực sự nghiệp và chỉ đứng sau khu vực lực lượng vũ trang. Do đó, cần phải có một cách thức tính toán cụ thể và khoa học cho loại nhóm công chức này.

Mặt khác, theo ông Lợi, hiện tại, tiền lương của công chức Nhà nước phụ thuộc chủ yếu vào các khoản phụ cấp "phần mềm" mà không phải là tiền lương cứng, với số lượng đến 18 loại phụ cấp khác nhau. Điều đáng suy nghĩ là phụ cấp không đồng bộ giữa các ngành và lĩnh vực.

Nêu câu hỏi, tại sao cùng là công chức Nhà nước, ngành này có phụ cấp thâm niên, ngành khác không có, phụ cấp công chức trong cơ quan Đảng khác công chức trong cơ quan Nhà nước, TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng, thực tế đòi hỏi không chỉ thay đổi, tăng mức lương cơ sở mà còn phải cải cách toàn diện cả thang, bảng lương, hệ số lương và các khoản phụ cấp nhằm đảm bảo tiền lương thực sự là đòn bẩy thúc đẩy tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác và coi đầu tư cho tiền lương cũng là đầu tư cho phát triển.

Khoản "đầu tư cho phát triển" tính vào lương cần đảm bảo "tỉnh đúng", tính đủ". "Tính đủ" tức là lương phải bao gồm 3 bộ phận: bộ phận đủ cho người công chức tái sản xuất sức lao động; bộ phận để tái sản xuất mở rộng và một bộ phận nuôi gia đình. "Tính đúng" nghĩa là tiền lương phải được gắn với công việc, năng suất, chất lượng, hiệu quả làm việc của công chức hành chính; đảm bảo tiền lương là đòn bẩy để thúc đẩy tăng năng suất lao động và tiền lương phải bảo đảm đúng giá trị của sức lao động được thể hiện bằng giá cả trên thị trường lao động.

Ông Lợi cho rằng, đã đến lúc phải cải cách toàn diện tiền lương khu vực công (cả thang lương, bảng lương, mức lương cơ sở, hệ số lương, bội số lương và các khoản phụ cấp). Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện được khi Chính phủ quyết tâm cao giải quyết sắp xếp lại bộ máy, tinh giảm biên chế, bố trí cán bộ công chức đúng vị trí việc làm phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ. Đồng thời phải kiên quyết chuyển đổi mô hình các đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng bản chất của đơn vị dịch vụ công. Nhà nước thực hiện khoán chi phí dịch vụ theo kết quả đầu ra, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị, không phân biệt đơn vị nhà nước hay tư nhân, phải lấy năng suất, chất lượng, hiệu quả làm thước đo.

(Theo Dân Trí) 

Trường hợp nào bị tạm dừng hưởng lương hưu hàng tháng?

Trường hợp nào bị tạm dừng hưởng lương hưu hàng tháng?

Người lao động sẽ bị tạm dừng hưởng lương hưu hàng tháng nếu thuộc một trong ba trường hợp sau.



Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét