Việc thực hiện gói hỗ trợ kinh tế vào năm 2008-2009 đã đẩy nền kinh tế rơi vào tình cảnh lạm phát cao vào các năm sau, có thời điểm lên đến 18%/năm.
Lạm phát thấp là do sức mua thấp
Sau khi giảm mạnh trong năm 2020, giá xăng dầu đã leo một mạch lên gần 25.000 đồng/lít xăng RON95, mức cao nhất trong vòng 7 năm qua. Giá xăng dầu ảnh hưởng rất lớn đến giá cả tiêu dùng, lạm phát nhưng diễn biến lạm phát năm 2021 cho thấy vẫn có khả năng kiểm soát dưới 4%.
Nếu chỉ nhìn vào con số 4% này, không ít người sẽ chủ quan với lạm phát. Tuy nhiên, theo nhận định của TS. Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia, phải đánh giá đúng về lạm phát bởi lạm phát thời gian qua tăng thấp chủ yếu do cầu tiêu dùng thấp.
Quầy thanh toán vắng vẻ là hình ảnh quen thuộc những ngày Hà Nội giãn cách |
Doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng những tháng hàng chục tỉnh thành áp dụng giãn cách xã hội giảm kỷ lục. Sức mua không có khiến lạm phát được giữ ở mức thấp. Giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn cho biết: "Những tháng giãn cách xã hội ở TP.HCM, tiêu thụ xăng dầu của chúng tôi giảm 70%, hầu như chỉ phục vụ cho lực lượng phòng chống dịch".
Đó cũng là lý do khiến giá xăng dầu dù tăng sốc nhưng chưa phản ánh hết được vào giá cả hàng hóa, dù rằng với người dân, doanh nghiệp, “sức nóng” của giá xăng dầu đã phả hầm hập vào đời sống cũng như sản xuất.
Giờ đây, để phục hồi nền kinh tế, những chính sách tăng cung tiền, giảm lãi suất, kích cầu tiêu dùng đang được bàn thảo.
Phát biểu trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết từ đầu năm 2020 khi dịch bệnh xảy ra, trong tổ chức điều hành NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, với tổng mức giảm 1,5-2%/năm. Đây là mức giảm sâu so với các nước trong khu vực.
Thống đốc NHNN cho rằng, để có thể xác định còn dư địa giảm lãi suất nữa hay không, qua đánh giá thực trạng về hoạt động tiền tệ của ngân hàng và kinh tế vĩ mô, NHNN cho rằng mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% năm nay có thể đạt được (lạm phát đến hết tháng 10 là 1,81%). Tuy nhiên, trong năm 2022, rủi ro lạm phát đang có áp lực lớn.
Điều cảnh báo cho 2022 và các năm sau
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, các nền kinh tế thế giới đang gần phục hồi khi chiến lược vắc xin bao phủ, điều này khiến giá cả hàng hóa có xu hướng gia tăng, các chỉ số của giá nhiều mặt hàng như xăng dầu đã tăng 55% so với cuối năm trước. Tại các nước phát triển, lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử. Lạm phát tại Mỹ tăng 5,3% trong tháng 9.
Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mới cửa lớn với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 200% GDP nên áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu rất lớn.
Giá cả hàng hóa chịu sức ép lớn. Ảnh: Lương Bằng |
TS Trần Toàn Thắng cảnh báo: “Lo ngại về nhập khẩu lạm phát là có thật vì ảnh hưởng tương đối đến tỷ lệ lạm phát của Việt Nam. Đặc biệt chú ý đến giá dầu, vì nó lan tỏa đến tất cả các ngành. Giá dầu đóng góp 1 điểm phần trăm đến lạm phát ở Việt Nam - đây là điều chúng tôi cố gắng phân tích và lượng hóa được ảnh hưởng của giá dầu. Trong khi đó, thực phẩm không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát, giá thực phẩm biến động tăng nhanh nhưng giảm cũng nhanh".
Tuy nhiên, giá kim loại cơ bản ảnh hưởng lớn vì là đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp, làm tăng chi phí sản xuất đầu vào nếu như phải nhập khẩu. Điều đó ảnh hưởng tương đối lớn đến lạm phát, dù nó chỉ đóng góp 0,2 điểm phần trăm nhưng đây là điều các nhà sản xuất cần quan tâm.
Theo ông Thắng, thời điểm này “vấn đề kiểm soát lạm phát ở Việt Nam là cực kì quan trọng, kéo dài đến hết 2022 và bình ổn hơn vào 2023”.
“Nếu không đánh giá đầy đủ khả năng lạm phát thì chúng ta phải đối mặt với vấn đề lạm phát cao trong quý II và III của 2022. Nhìn chung cả năm 2022, lạm phát đều phải được lưu tâm”, chuyên gia này chia sẻ và gợi ý, nếu giảm được thuế xăng thì góp phần giảm giá xăng rất tốt. Điều này sẽ giúp chúng ta kiểm soát được, ổn định được lạm phát.
Cảnh báo nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang gia tăng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nói: Thời gian vừa qua, các ngân hàng đã giảm lãi suất bằng chính nguồn lực tài chính của mình chứ không phải tiền ngân sách, nên khi nợ xấu gia tăng chắc chắn các ngân hàng phải sử dụng nguồn lực tự có để xử lý.
"Nếu để tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng suy giảm sẽ ảnh hưởng tới khả năng chi trả và an toàn của hệ thống. Đây là bài học kinh nghiệm rất lớn từ thời gian, trước khi mà tăng trưởng tín dụng cao, thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất năm 2008, nếu không tính toán cẩn thận dẫn đến rủi ro lạm phát trở lại, như năm 2011 có thời điểm lên tới 18%", bà Hồng lo ngại.
PGS.TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng: Khi lãi suất bị ép hạ quá mức, ngân hàng thương mại sẽ ngày càng khó huy động tiền gửi. Ngoài ra, áp lực lạm phát của nền kinh tế đang rất mạnh. Con số thống kê chưa thể hiện hết được áp lực lạm phát, nhưng có thể thấy giá cả nhiều yếu tố đầu vào đang tăng cao, có loại tăng gấp 2, 3 lần trong một năm. Tất cả đều chờ đợi để phản ánh vào giá hàng hóa khi cầu tiêu dùng phục hồi. Hệ quả sẽ giống như đợt 2009-2011.
“Cung tiền tăng vọt, dẫn đến bong bóng giá tài sản vì thị trường tài sản phản ứng rất mau lẹ, đầu cơ vào thị trường chứng khoán, đất đai phản ứng rất nhanh. Sau đó, đến lượt lạm phát giá cả tiêu dùng. Khi đó, không có cách nào khác để kiểm soát lạm phát là phải tăng lãi suất. Như thế doanh nghiệp sẽ lại bị ảnh hưởng nặng nề, nợ xấu phát sinh, hệ thống tài chính suy yếu”, PGS.TS Phạm Thế Anh cảnh báo.
Do đó, những chính sách phục hồi, tăng cung tiền thời gian tới để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân dù rất cần thiết song phải tính toán liều lượng hợp lý để không gây tác động phụ.
Lương Bằng
Lo vòng xoáy lạm phát cao, tăng trưởng thấp, khó nhất là tiền vào đâu
“Tiền là khó nhưng không phải khó nhất. Điều khó nhất là tiền vào đâu, đúng chỗ, đúng thời điểm”.
Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét