Chuyên gia kinh tế dự báo nguồn lao động đã về quê có khả năng quay lại TP.HCM làm việc sau Tết Nguyên đán. Đây là vấn đề đáng quan ngại khi phục hồi kinh tế.
“Nhân viên của chúng tôi về quê hết rồi” - anh Nguyên Hoàng, chủ một nhà hàng tại đường Bùi Viện (quận 1) nói và nhìn vào đống bàn ghế đã phủ bụi sau thời gian dài đóng cửa. Giãn cách xã hội khiến nhà hàng của anh cũng như nhiều địa điểm kinh doanh khác tại đây “sập tiệm” và trả mặt bằng hàng loạt.Tuy nhiên, nếu giờ được mở lại cũng không có nhân viên phục vụ.
Anh Hoàng và nhiều ông chủ nhắn tin cho nhân viên đều được trả lời: "Em ở quê, sau Tết mới tính quay lại". Đây có lẽ là thông tin chung mà hàng vạn người trả lời các ông chủ, DN của mình.
Trong khi đó, sau khi chồng qua đời vì mắc Covid-19, công nhân Đặng Thị Thu Lợi (huyện Núi Thành, Quảng Nam) quyết định đưa 2 con nhỏ rời công ty ở Bình Dương, trở về quê nhà. Chị đã “cạn tiền” sau mấy tháng thất nghiệp. Chị luôn tự hỏi rằng, sống chung với dịch như vậy nhưng TP.HCM và Bình Dương có ổn để công nhân trở lại không?
“Trong lòng thì vẫn muốn đi làm, tôi không muốn bỏ công việc thành phố. Dù lương không cao mấy nhưng so với ở quê thì vẫn hơn”, chị nói khi đang cách ly tập trung tại quê nhà.
Dòng lao động di cư ngược về quê, bỏ công việc mưu sinh nơi thành phố (ảnh: Phong Anh) |
Cả trăm nghìn lao động khả năng sau Tết mới quay lại
Câu chuyện từ hai phía chủ sử dụng lao động, người lao động của anh Hoàng và chị Lợi nói lên nhiều vấn đề về thị trường lao động trong thời gian tới. Việc cần người, người cũng muốn có việc nhưng cung và cầu đang bị đứt gãy, không tìm được chung điểm tiếp xúc.
Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, chỉ số sử dụng lao động tháng 8/2021 tại các tỉnh phía Nam thấp rất thấp: TP.HCM: 36,7%; Bà Rịa Vũng Tàu: 58,9%; Bình Dương: 75,2%; Tây Ninh: 69,4%; Long An: 88,9%. Chỉ tính riêng trong khu công nghiệp, khu chế xuất của TP.HCM đã có 244.982 người lao động ngừng việc, tại 827 DN.
Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết, trong giai đoạn giãn cách từ tháng 5/2021 đến tháng 9/2021 đã có 338.730 lao động chấm dứt hợp đồng lao động, 665.946 lao động nghỉ không hưởng lương. Như vậy, số lao động tạm thời mất việc hoặc mất việc sau 5 tháng giãn cách là 1.046.676, chiếm 41,2% của 2.439.272 lao động tham gia BHXH.
Với mức độ tổn thất nghiêm trọng, cung và cầu thị trường lao động nội địa sẽ phục hồi hết sức chậm chạp do đó cơ hội việc làm sẽ vẫn còn tiếp tục khó khăn.
PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh (ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM) nhận định, lao động và việc làm suy giảm mạnh song song. Chỉ tính riêng từ 1-7/10, đã có 141.462 người từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương về các địa phương miền Tây Nam Bộ qua ngõ Long An và 43.000 người về Tây Nguyên qua cửa ngõ Bình Phước.
Tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ về số lao động đã rời khỏi TP.HCM, nhưng dự báo dòng lao động này chậm quay trở lại và khả năng là phải sau Tết Nguyên đán. Do đó, sẽ xuất hiện tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là lao động có tay nghề và kỹ năng chuyên môn.
Giúp người lao động quay lại phố
Phát biểu tại Hội thảo “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2022-2025” ngày 16/10, ông Khanh cho rằng, tốc độ hồi phục kinh tế sau dịch phụ thuộc lớn vào tốc độ tái tạo việc làm. Chính sách hỗ trợ DN tái khởi động cần nhắm đến mục tiêu giúp DN hạn chế sa thải lao động, tuyển dụng trở lại số lao động đã nghỉ việc/nghỉ không lương trước đây, thu hút lao động có tay nghề quay trở lại TP.
Ông Khanh đề xuất TP sử dụng ngân sách để hỗ trợ 25% lương tối thiểu vùng (tương đương tỷ lệ trích Bảo hiểm xã hội + Bảo hiểm y tế + Bảo hiểm thất nghiệp) áp dụng từ tháng 9/2021 đến 3/2022, chia làm hai giai đoạn. Ước tính quy mô gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng tương đương 0,29% GRDP TP.HCM.
Lao động tại một khu nhà trọ ở quận 12 chờ nhận trợ cấp (ảnh: Trần Chung) |
GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng, cần loại bỏ sự cát cứ địa phương trong chính sách chống dịch bệnh, khẩn cấp thống nhất các quy định giữa các tỉnh thành trên quan điểm phục hồi kinh tế toàn vùng để tránh tạo ra các rào cản hành chính đối với dòng dịch chuyển lao động nội vùng.
Ngoài ra, để người lao động yên tâm quay lại làm việc, lúc này cần chú trọng chăm lo và tạo dựng điều kiện sống bảo đảm cơ bản cho công nhân và người lao động. Nâng cao đời sống vật chất của công nhân thông qua thay đổi chính sách lương tối thiểu áp dụng cho khu vực tư. Nâng dần mặt bằng lương tối thiểu để đuổi kịp mức bù trượt giá và tiến tới xây dựng ngưỡng thu nhập tối thiểu hợp lý với thu nhập quốc dân.
Chính quyền các tỉnh thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đề xuất Chính phủ ngưỡng lương tối thiểu phù hợp với mặt bằng giá khu vực và tiêu chuẩn sống xứng đáng cho công nhân và người lao động, thoát khỏi tư duy cạnh tranh bằng nhân công giá rẻ để thu hút FDI, ông Hoài đề xuất.
Về nơi ở của lao động, đại diện Đại học Kinh tế nêu quan điểm cần có các quy định tiêu chuẩn xây dựng và tiện ích của nhà trọ, ký túc xá công nhân. Cung cấp vốn ưu đãi cho giới chủ nhà trọ để nâng cấp nơi lưu trú, từ đó nâng cao chất lượng sống của công nhân và người lao động.
PGS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - chia sẻ, nhu cầu xây dựng nhà ở vệ sinh, ổn định lâu dài, giá hợp lý, dành cho công nhân trong các DN, cũng như người lao động nghèo trong những khu lụp xụp, trên và ven kênh rạch đang trở nên cấp bách. Điều này nhằm đáp ứng nhu cầu ổn định cuộc sống, tăng năng suất lao động, đảm bảo môi trường sống an toàn trong điều kiện không thể xóa bỏ dịch bệnh, hạn chế lây nhiễm. Đây là vấn đề rất bức thiết, được đặt ra sau đại dịch.
Trần Chung - Hồ Văn
Trước mặt góp sức chống dịch, sau lưng lo sinh kế nghìn người
"Doanh nhân thời đai dịch" không chỉ làm kinh tế, sinh kế cho người lao động. Họ còn ủng hộ tiền, vắc xin, cơ sở vật chất cho Nhà nước chống dịch.
Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét