Tập thể người lao động cho rằng, cần ngừng áp dụng mô hình sản xuất “3 tại chỗ” và các quy định của tỉnh Tiền Giang phải thay đổi nếu trái Nghị quyết của Chính phủ.
Ngày 4/10, Công ty TNHH Sản xuất chế biến Nông thủy sản xuất khẩu Thuận Phong (Công ty Thuận Phong) ở TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) ký phương án tổ chức thực hiện “3 tại chỗ” tại DN.
Tuy nhiên, sau khi lấy ý kiến và lập danh sách công nhân đăng ký thực hiện, ngày 18/10, đại diện gần 2.000 người lao động tại công ty đã có đơn gửi BCĐ Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Tiền Giang đề nghị ngừng thực hiện “3 tại chỗ” và lập kế hoạch sản xuất theo đúng tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ, quyết định 4800 của Bộ Y tế về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
“3 tại chỗ” nhiều người thiệt
Người lao động tại DN đề nghị ngừng tổ chức thực hiện “3 tại chỗ” bởi tồn tại nhiều bất cập, hạn chế.
Cụ thể, về chỗ ở, cơ sở sản xuất không phải là nơi để công nhân nghỉ ngơi khi hết giờ làm việc, không đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt cá nhân cần thiết cho người lao động. Khi thực hiện “3 tại chỗ” tạo áp lực về tinh thần, bất tiện, khó khăn trong mọi sinh hoạt, ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân.
Đại diện người lao động cho rằng, tiếp tục “3 tại chỗ” gây ra sự không công bằng. Những công nhân còn độc thân, có sức khỏe tốt có thể chấp nhận thực hiện phương án sản xuất này. Tuy nhiên, những lao động đã lập gia đình, có cha mẹ già; đặc biệt phụ nữ, ngoài thời gian sản xuất tại nhà máy, tan ca còn phải về chăm con nhỏ, lo việc gia đình thì không thể đăng ký “3 tại chỗ”.
“3 tại chỗ” cũng hạn chế người lao động, thiếu nhân lực, làm đảo lộn quy trình, dây chuyền sản xuất vốn ổn định trước đó. Nếu không đủ người có tay nghề vận hành, dây chuyền sẽ bị thiết sót, không đủ điều kiện vận hành, hoặc vận hành không đạt năng suất, gây đình trệ, chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng. Trong khi đó, chi phí để sản xuất duy trì“3 tại chỗ” cao do gánh thêm tiền ăn, ở, sinh hoạt.
Khi tình hình dịch bệnh đã có kiểm soát, tỉnh Tiền Giang thuộc cấp độ 2, nếu tiếp tục áp dụng “3 tại chỗ” một cách cứng nhắc, vô hình chung đã tạo ra mô hình nhà máy, cơ sở sản xuất không hoàn thiện, nặng chi phí’ kéo dài”, kiến nghị của người lao động nêu.
Kiến nghị của tập thể người lao động về việc bỏ "3 tại chỗ" |
Dịch cấp độ 2 sao còn “3 tại chỗ”?
Ban đại diện người lao động tại Công ty Thuận Phong dẫn chứng, mục 4 Nghị quyết 128 quy định: Cơ sở sản xuất, đơn vị thi công các dự án, công trình giao thông, xây dựng được “hoạt động từ cấp độ 1, cấp độ 2, cấp độ 3. Riêng cấp độ 4 được hoạt động hạn chế”.
Theo Sở Y tế Tiền Giang, toàn tỉnh được phân loại thuộc cấp độ dịch là “cấp 2”, địa bàn cơ sở sản xuất của DN cũng là “cấp 2”. Chưa kể, 100% công nhân tại DN đã tiêm vắc xin mũi một, 20% công nhân đã được tiêm vắc xin mũi thứ hai.
Người lao động cho rằng, việc áp thực hiện “3 tại chỗ” cho DN không còn giá trị, các tiêu chí thực hiện không còn phù hợp với cấp độ dịch mà cơ quan y tế ban hành. Từ lý do trên, gần 2.000 lao động tại DN đề nghị ngưng, không thực hiện phương án “3 tại chỗ”.
Người lao động cũng đề nghị các quyết định, chỉ thị, văn bản chỉ đạo điều hành trong phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Tiền Giang nếu trái, vượt Nghị quyết 128 thì phải ngưng, không được tiếp tục áp dụng.
Việc áp dụng "3 tại chỗ" kéo dài khiến sinh hoạt, đời sống của công nhân bị ảnh hưởng |
Được biết, ngày 17/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - Phạm Văn Trọng căn cứ vào Chỉ thị 16 và phê duyệt phương án sản xuất “3 tại chỗ” của 14 DN thuộc 5 khu, cụm công nghiệp nằm trên địa bàn tỉnh. Sau khi đăng ký, số lượng công nhân của các DN giảm từ 5.700 xuống còn khoảng 2.000 người. Trong văn bản phê duyệt nêu trên, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các DN thực hiện nghiêm phương án đã được phê duyệt. Các công ty phải chịu sự kiểm tra, giám sát của 3 đơn vị là Tổ công tác thẩm định, UBND cấp huyện và cơ quan phòng, chống dịch của tỉnh. Nếu phát sinh ổ dịch thì DN chịu toàn bộ chi phí liên quan đến công tác cách ly, điều trị và dập dịch.
Trước đó, như VietNamNet đã thông tin, cũng đã có 11 DN của Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam với khoảng 60.000 lao động gửi đơn ‘cầu cứu’ trực tiếp tới Chủ tịch tỉnh Tiền Giang – Nguyễn Văn Vĩnh khi tỉnh này vẫn tiếp tục thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”.
Trần Chung
Tiếp tục '3 tại chỗ', DN gửi đơn 'kêu cứu' lên chủ tịch tỉnh
Các doanh nghiệp của Đài Loan, Hàn Quốc, Việt Nam cho rằng, tỉnh Tiền Giang chưa có kế hoạch hợp lý và thời gian cụ thể để phục hồi sản xuất trong “bình thường mới”.
Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét