17 tháng 10, 2021

Núi nợ của địa ốc Trung Quốc

Cuộc khủng hoảng nợ của China Evergrande đã phơi bày những vấn đề của ngành bất động sản Trung Quốc. Trên khắp đất nước, hàng chục triệu căn nhà đang bị bỏ không.

Theo CNN, cuộc khủng hoảng của China Evergrande - tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 thế giới - vẫn đang thu hút sự chú ý trên toàn cầu. Thực tế, những tín hiệu cảnh báo đã được phát đi từ trước đó.

Ngay từ trước khi China Evergrande sụp đổ, hàng chục triệu căn hộ trên khắp đất nước đã bị bỏ trống. Trong những năm qua, vấn đề ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Giới quan sát cho rằng nhu cầu bất động sản nhà ở của Trung Quốc đã bước vào thời kỳ suy giảm liên tục. Theo nhà kinh tế Mark Williams tại Capital Economics, ước tính có tới 30 triệu bất động sản chưa có người mua tại Trung Quốc, tương đương với nơi ở của khoảng 80 triệu người, gần bằng dân số Đức.

Khung hoang China Evergrande anh 1

Nhu cầu bất động sản nhà ở của Trung Quốc đã bước vào thời kỳ suy giảm. Ảnh: CNN.

Những "thị trấn ma"

Trên hết, khoảng 100 triệu căn hộ được khách hàng mua nhưng không ở, theo ước tính của Capital Economics. Tại Trung Quốc, những dự án này thường được gọi là "thị trấn ma".

Bất động sản và các lĩnh vực liên quan chiếm tới 30% GDP của Trung Quốc. Trong nhiều thập kỷ, ngành công nghiệp này đã giúp duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này.

Tuy nhiên, giới quan sát đặt ra câu hỏi rằng liệu động lực tăng trưởng này có phải một quả bom hẹn giờ của nền kinh tế hay không. Một phần nguyên nhân là những khoản nợ khổng lồ của các tập đoàn bất động sản.

Theo các chuyên gia kinh tế tại Nomura, ngành công nghiệp bất động sản Trung Quốc đang ngồi trên núi nợ khổng lồ 5.200 tỷ USD. Quy mô nợ tăng gấp đôi kể từ cuối năm 2016 và lớn hơn GDP Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Khung hoang China Evergrande anh 2

Khung hoang China Evergrande anh 3

Ước tính có tới 30 triệu bất động sản chưa có người mua tại Trung Quốc. Ảnh: CNN.

Theo báo cáo mới đây của bà Christina Zhu, nhà kinh tế học tại Moody's Analytics, chỉ riêng trong nửa đầu năm nay, 12 công ty bất động sản của Trung Quốc đã không thể tranh toán tổng cộng 19,2 tỷ NDT (gần 3 tỷ USD) trái phiếu.

"Con số đó chiếm 20% trong tổng số vụ vỡ nợ trái phiếu trong 6 tháng đầu năm, cao nhất trong tất cả lĩnh vực", bà nói thêm.

Trong vài tháng qua, hoạt động xây dựng và doanh số bán nhà ở đã lao dốc đáng kể. Vào tháng 8, giá nhà mới tăng 3,5% so với một năm trước đó, mức nhỏ nhất kể từ khi thị trường bất động sản phục hồi từ đợt lao dốc hồi tháng 6/2020.

Theo dữ liệu của hãng nghiên cứu CRIC, trong tháng 9, tổng doanh số bán hàng của 100 nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc giảm 36% so với một năm trước đó. Riêng China Evergrande, Country Garden và China Vanke ghi nhận doanh số lao dốc 44%.

Nhu cầu lao dốc

"Nhu cầu bất động sản nhà ở tại Trung Quốc đã bước vào thời kỳ suy giảm liên tục", ông Williams lập luận. Theo ông, đó là gốc rễ của những tai ương giáng vào China Evergrande và các tập đoàn bất động sản nợ nần khác.

Cùng với đó là những dự án dở dang. Khoảng 90% bất động sản mới tại Trung Quốc được bán trước khi hoàn thành. Điều đó có nghĩa là sự sụp đổ của nhà phát triển có thể ảnh hưởng trực tiếp tới người mua.

"Đó là động lực để các nhà chức trách đảm bảo tiếp tục những dự án dang dở, ngay cả khi các tập đoàn địa ốc tái cấu trúc", ông nói thêm.

Theo phân tích mới của Bank of America, China Evergrande đã bán được 200.000 căn nhà chưa hoàn thành cho người mua. Điều đó càng làm trầm trọng thêm lo ngại rằng người mua nhà có thể trắng tay khi nhà phát triển lớn thứ 2 đất nước sụp đổ.

Khung hoang China Evergrande anh 4

Khoảng 90% bất động sản mới tại Trung Quốc được bán trước khi hoàn thành. Riêng với China Evergrande, việc không thể thanh toán cho nhà thầu đã khiến các dự án bị đình trệ. Ảnh: CNN.

Trong một tuyên bố vào cuối tháng trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cam kết "duy trì sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng".

Mới đây, PBoC đã tìm cách giảm bớt lo ngại về khả năng lây lan từ cuộc khủng hoảng nợ của China Evergrande. Cơ quan này khẳng định hoàn toàn "có thể kiểm soát" nguy cơ khủng hoảng nợ 305 tỷ USD của China Evergrande tràn vào hệ thống tài chính của quốc gia 1,4 tỷ dân.

Theo truyền thông Trung Quốc, hôm 15/10, ông Zou Lan - người đứng đầu thị trường tài chính tại PBoC - tuyên bố rằng China Evergrande đã đa dạng hóa và mở rộng một cách mù quáng.

Ông Zou cho biết đang thúc giục China Evergrande đẩy mạnh việc bán tài sản, tiếp tục những dự án nhà ở để bảo vệ lợi ích của khách mua nhà. Ông khẳng định các cơ quan tài chính, nhà ở và chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ về mặt kinh phí nhằm tái khởi động những dự án trên.

(Theo Zing)

Hai cú đòn liên tiếp giáng vào nền kinh tế Trung Quốc

Hai cú đòn liên tiếp giáng vào nền kinh tế Trung Quốc

"Bom nợ" trong lĩnh vực bất động sản bùng nổ vào thời điểm đặc biệt tồi tệ của Trung Quốc. Đất nước 1,4 tỷ dân đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài.



Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét