Trên địa bàn huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) hiện có hàng trăm hộ nuôi cá lóc và ếch, vì đại dịch Covid-19, việc tiêu thụ sản phẩm của họ gặp nhiều khó khăn.
Những ngày qua, gia đình bà Trần Thị Thởn, trú tại thôn Liên Tiến, xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) như "ngồi trên đống lửa" khi 8 hồ nuôi cá lóc với số lượng khoảng 35 tấn chưa thể xuất bán. Cá đang đến thời điểm thu hoạch nhưng vẫn "nằm im" trong hồ vì không có thương lái thu mua.
Đã vào vụ thu hoạch nhưng cá lóc của người dân vẫn "nằm im" trong hồ vì không có thương lái thu mua (Ảnh: Tiến Thành). |
Theo bà Thởn, nếu như không có đại dịch Covid-19 thì vào thời điểm hiện tại, toàn bộ số cá của gia đình bà đã được thương lái đến tận nơi mua để xuất ra các tỉnh phía Bắc. Thế nhưng giờ đây, gia đình bà Thởn chỉ có thể tìm đầu ra cho sản phẩm bằng cách bán nhỏ lẻ tại các chợ truyền thống ở địa phương với số lượng ít ỏi.
"Gia đình tôi vay vốn để đầu tư nuôi cá lóc cũng đã nhiều năm nhưng chưa bao giờ vất vả như thế này. Như mọi năm thì giờ này đã xuất bán hết, toàn bộ số cá cũng mang lại gần 1,5 tỷ đồng. Thế nhưng vì Covid-19, giá cá giảm sâu, lại không thể xuất bán. Giờ gia đình cũng chỉ biết bán nhỏ lẻ trong vùng và cố gắng cầm cự, chịu tốn kém để chờ đợi chứ không biết làm sao nữa", bà Thởn thở dài.
Gia đình bà Trần Thị Thởn chỉ còn cách thu hoạch rồi bán dần ra các chợ ở trong vùng, thế nhưng số lượng cũng ít ỏi, giá cả thấp (Ảnh: Tiến Thành). |
Theo các hộ nuôi cá lóc tại huyện Lệ Thủy, thường thì từ tháng 9, khi bắt đầu mùa mưa lũ, các hộ dân đã tiến hành thu hoạch, thế nhưng do dịch bệnh, tiến độ xuất bán đã bị chậm lại, trong khi chi phí nuôi ngày một tăng lên do cá càng lớn, sức ăn càng mạnh. Đến nay, nhiều hộ vẫn còn tồn đọng cá trong hồ vì chưa có tiểu thương thu mua, chi phí thì cứ "đội" lên mỗi ngày.
Cũng tại xã Ngư Thủy, mô hình nuôi ếch của anh Hoàng Văn Vinh, ở thôn Thượng Nam hiện có 12.000 con ếch chờ xuất bán. Không thể tiêu thụ sản phẩm, trong khi vẫn phải duy trì việc chăm, nuôi khiến mô hình của gia đình anh Vinh đứng trước nguy cơ thua lỗ.
Anh Hoàng Văn Vinh, ở thôn Thượng Nam đang có 12.000 con ếch chờ xuất bán, điều này khiến anh "đứng ngồi không yên" (Ảnh: Tiến Thành). |
Theo anh Vinh, việc tiếp tục nuôi, chăm sóc ếch sẽ đẩy chi phí thức ăn, công sức tăng lên mà khả năng rủi ro vẫn cao. Để vớt vát kinh phí giữa thời điểm dịch bệnh, anh Vinh đã chủ động liên hệ thương lái nhỏ lẻ để xuất bán, được bao nhiêu hay bấy nhiêu.
"Ngày trước thì thương lái họ đánh xe tận vào hồ để thu mua, giá cả cũng được, thế nhưng vì Covid-19 nên lượng thu mua giảm sâu. Để khắc phục khó khăn, tôi đã đăng các thông tin lên mạng để tiếp cận với thị trường. Khi có khách hàng thì tôi sẽ thuê người và phương tiện giao hàng tận nơi cho họ, có làm vậy thì may ra còn tiêu thụ được", anh Vinh chia sẻ.
Anh Vinh đăng các thông tin lên mạng để tiếp cận với thị trường (Ảnh: Tiến Thành). |
Những con ếch do gia đình nuôi được anh Vinh đăng tải lên mạng xã hội với hy vọng có thể tiêu thụ (Ảnh: Tiến Thành). |
Toàn xã Ngư Thủy hiện có 90 hộ nuôi cá lóc, mang lại nguồn thu nhập khoảng 300 triệu đồng cho mỗi hộ dân/vụ, bên cạnh đó còn mang lại thu nhập thường xuyên cho nhiều lao động với mức 5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Ngư Thủy còn có 43 hộ nuôi ếch, mỗi năm 2 vụ thu hoạch.
Trước đây, các thương lái tranh nhau đến tận nơi để thu mua, thế nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19, mức độ tiêu thụ giảm cùng với giá bán giảm sâu, việc kinh doanh bị chững lại, khiến cuộc sống người dân càng thêm vất vả.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lệ Thủy, để tháo gỡ khó khăn cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn, thời gian qua, đơn vị cũng đã chỉ đạo thành lập các hội nhóm để kết nối tiêu thụ sản cho người dân.
Trên địa bàn huyện Lệ Thủy hiện có hàng trăm hộ nuôi cá lóc và ếch, vì đại dịch Covid-19, việc tiêu thụ sản phẩm của họ gặp muôn vàn khó khăn (Ảnh: Tiến Thành). |
Chính quyền địa phương cũng tham mưu, trợ giúp tìm đầu ra cho người dân bằng cách liên kết với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn, các thương lái để tiêu thụ trong thời gian dịch bệnh. Ngoài ra, huyện Lệ Thủy cũng đã có những đề xuất để hỗ trợ người dân trong việc giảm lãi suất nguồn vốn vay, giảm bớt chi phí cho các hộ chăn nuôi trước những vất vả do Covid-19 gây ra.
(Theo Dân Trí)
Đặc sản cá mú tồn hàng trăm tấn, giảm giá quá nửa vẫn ế ẩm
Giá cá mú tại Khánh Hòa hiện đã giảm hơn 50% so với trước đây nhưng vẫn tồn hàng trăm tấn do thương lái ngưng mua đã 2 tháng nay, người nuôi cá mú đang gặp nhiều khó khăn.
Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét