Du lịch là ngành có tính liên kết cao. Để khôi phục hoạt động du lịch, cần bước ra khỏi sự sợ hãi về dịch Covid-19. Các địa phương sớm mở cửa đón khách ngoại tỉnh và ban hành các tiêu chí thống nhất để đón khách.
Không thể làm nếu sự kết nối
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đánh giá, dịch Covid-19 gây thiệt hại nghiêm trọng, làm du lịch Việt Nam quay trở lại mốc 30 năm trước đây. Trong khi, đây lại là ngành dịch vụ dễ bị tổn thương nhất, khi phục hồi phải chờ các ngành khác phục hồi đã nên đã khó, lại càng khó.
Cụ thể, tại Lào Cai, ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết, tỉnh chưa lần nào thông báo đóng cửa hoạt động du lịch, nhưng lại không thể đón được khách ngoại tỉnh, khách quốc tế. Chính vì thế, 1.300 cơ sở lưu trú, 34 DN lữ hành với 30.000 lao động trong ngành bị ảnh hưởng tiêu cực. Nếu năm 2019, tỉnh đón 5,5 triệu khách quốc tế, doanh thu đạt gần 20.000 tỷ đồng thì năm nay dự kiến chỉ đón 1,2 triệu lượt khách với doanh thu 3.800 tỷ đồng.
Năm 2020, khách quốc tế dừng lại ở con số 3,7 triệu lượt so với 18 triệu của năm 2019, sang năm 2021 con số này về 0. |
Về phía các DN du lịch, Tổng Giám đốc Vietravel Trần Đoàn Thế Duy chia sẻ, năm 2019 công ty đón 1 triệu khách, doanh thu 7.000 tỷ đồng. Sang năm 2021, dự kiến lượng khách chỉ bằng 10% so với năm 2019, kéo Vietravel quay lại 10 năm về trước. Hơn 40 văn phòng giao dịch trong nước, 6 văn phòng ở nước ngoài thì một nửa dừng hoạt động. 1.700 nhân viên của công ty thì 90% nghỉ không lương.
Tuy nhiên, để khôi phục lại hoạt động du lịch, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu chỉ ra tại tọa đàm “Phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới”, do báo Người lao động tổ chức sáng 14/10, là thiếu sự phối hợp, liên kết giữa các địa phương, vùng miền và các doanh nghiệp.
Ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng Ban truyền thông của Vietnam Airlines, nhấn mạnh tình trạng tour tuyến chưa thống nhất khi mỗi địa phương làm một cách, tiêu chí an toàn một khác, rất khó để giải thích với hành khách và để hãng xây dựng sản phẩm. Ông cho rằng, nói là mở cửa thì rất nhiều, sẵn sàng cũng có nhưng khi bắt đầu làm, liên kết thì có vấn đề.
Theo ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, hạn chế hiện nay là thiếu sự kết nối giữa các địa phương và các DN du lịch, đây là điều kiện hết sức quan trọng để phục hồi kinh tế nói chung và du lịch nói riêng. Nếu mỗi địa phương một tiêu chí thì không thể phục hồi được, nếu đơn độc thì địa phương cũng không thể phát triển được.
Hiện các địa phương chỉ dừng lại ở việc mở cửa nội thành, nội tỉnh, nhưng du lịch là một ngành có tính liên vùng, liên ngành rất cao. Việc mở cửa đón khách nội tỉnh chỉ giúp địa phương bước đầu có khách, còn để du lịch thật sự hồi phục phải có sự liên kết.
Do đó, ông Trần Đoàn Thế Duy cho rằng, các địa phương cần bước ra khỏi sự sợ hãi về dịch Covid-19, sớm mở cửa đón khách ngoại tỉnh và ban hành thống nhất các tiêu chí an toàn để du khách và doanh nghiệp trở lại.
Cần tìm hiểu kỹ về du khách “bình thường mới”
Sang tháng 10, đã có những tín hiệu tích cực cho ngành du lịch khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, Chính phủ thay đổi chủ trương chống dịch từ zero Covid sang sống chung với dịch. Các tỉnh, thành mở cửa du lịch tới vùng xanh, hàng không mở các đường bay nội địa, địa phương mở cửa đón khách nội địa, thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc. Địa phương mở cửa đến đâu có sản phẩm an toàn đến đó.
Công ty du lịch tổ chức tour đến vùng xanh Củ Chi tri ân các bác sĩ (ảnh N.M.M) |
Ví như, TP.HCM sau khi kiểm soát dịch tập trung phát triển tour vùng xanh đến Cần Giờ, Củ Chi tri ân các y bác sĩ tuyến đầu, tới 16/11 sẽ mở tuyến du lịch khép kín TP.HCM - Củ Chi - núi Bà Đen (Tây Ninh), sau đó xúc tiến đến các tỉnh miền Trung.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết, du lịch không thành công nếu không mở cửa ngoại tỉnh, nên TP.HCM sẽ tái khởi động liên kết lại với 40 tỉnh, thành.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho hay sẽ liên kết với các địa phương, nhất là các tỉnh thành lân cận như Đà Nẵng, Huế và TP.HCM, Hà Nội để tổ chức khai thác du lịch nội địa an toàn, tiến tới tháng 12 sẽ mở cửa cho khách cả nước đến Quảng Nam và khách quốc tế có chọn lọc, đi theo tour.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang chia sẻ, Bình Định mở cửa rất nhiều hoạt động từ 15/10, trong đó có hoạt động du lịch, lưu trú, công suất không quá 50%. Địa phương tập trung ưu tiên tiêm vắc xin và địa bàn trọng điểm, tạo vùng an toàn. Trong đó, ưu tiên tiêm cho nhân viên du lịch, khách sạn và tiêm 100% hai mũi cho người dân bán đảo Phương Mai để thí điểm đón khách an toàn và xây dựng kế hoạch đón khách quốc tế bằng các chuyến bay charter.
Đặc biệt, theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, lo nhất hiện nay là tình trạng mở ra rồi mà không quản trị được, có dịch lại phải đóng. Bởi, khi mở lại hoạt động du lịch không đơn giản, cần vận hành như thế nào để bền vững.
Vì thế, việc truyền thông những vùng an toàn thế nào để người dân yên tâm. Bởi, tâm lý người dân chưa thực sự an tâm. Ông Thủy đặt vấn đề, ta cứ xây dựng chương trình nhưng đã tìm hiểu tâm lý của du khách chưa? Bao nhiêu người đồng lòng với chính sách, sẵn sàng đi du lịch? Khó khăn của doanh nghiệp là gì?
Ông Thủy kiến nghị không để tình trạng nay mở ra, mai đóng lại. Ngoài ra, cần tổ chức truyền thông tích cực, chủ động để tạo niềm tin trong dân, từ đó mới thu hút được khách đi du lịch.
Nếu khách du lịch còn e ngại thì có mở cửa cũng không thu hút được. Do đó, cần thông tin đầy đủ, kịp thời đến khách về du lịch an toàn, loại bỏ tâm lý e ngại là hết sức cần thiết - Phó Chủ tịch Lâm Hải Giang lưu ý.
Theo một khảo sát của Vietnam Airlines, phần lớn du khách vẫn muốn đi du lịch biển, sau đó là vùng núi cao. Nhiều người sẵn sàng đi du lịch những điểm mới khai phá, ít người biết. Nhưng khách quan tâm đặc biệt hơn cả là độ bao phủ vắc xin tại điểm đến.
Khẩn trương khôi phục du lịch nhưng an toàn, chắc chắn Tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, Tổng cục Du lịch, Bộ Y tế về phương án khởi động lại các hoạt động du lịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, các phương án từng bước mở lại các hoạt động du lịch phải theo đúng tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ. Rủi ro dịch bệnh của ngành du lịch là tần suất người di chuyển rất cao, phạm vi rộng, vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ VH-TT&DL ban hành ngay hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong hoạt động du lịch như: phương thức vận chuyển; an toàn tại các khu tham quan, cơ sở lưu trú, dịch vụ; việc xét nghiệm; hợp đồng với các cơ sở y tế để giám sát, xử lý ngay khi phát hiện ca nhiễm. Các hiệp hội du lịch cần có quy định đồng bộ với hướng dẫn của Bộ, khuyến khích DN thành viên thực hiện để hoạt động trở lại từng bước chắc chắn, an toàn. Bộ GTVT khẩn trương rà soát, cập nhật, sớm ban hành hướng dẫn đối với các hoạt động vận tải. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, cần có quy định rõ, chi tiết đối với du khách theo tour du lịch lữ hành khác với xe vận tải hành khách thông thường. “Cùng với các ngành kinh tế khác, ngành du lịch cần khẩn trương khôi phục lại hoạt động từng bước an toàn, chắc chắn”, Phó Thủ tướng nói. |
Ngọc Hà
Lên Hà Giang, lo không qua nổi Tuyên Quang, sợ nửa đường hết hạn PCR
Mùa đẹp nhất trong năm tại các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc đã đến, nhiều công ty du lịch cả phía Bắc, phía Nam muốn xây dựng tour đưa khách đi ngắm ruộng bậc thang mà “bó tay” vì đứt luồng di chuyển.
Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét