6 tháng 9, 2021

Tin chứng khoán ngày 6/9: Thị trường sôi sục tỷ USD, cảnh báo về thao túng giá cổ phiếu

Nhiều cá nhân bị xử phạt nặng do thao túng giá cổ phiếu. Đây là lời cảnh báo cho các nhà đầu tư mua đuổi nhiều mã tăng mạnh bất thường, nhất là khi thị trường sôi sục, hàng tỷ USD đổ vào mỗi phiên như hiện nay.

Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ra thông báo về việc xử phạt đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu FTM của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân, với số tiền 1,2 tỷ đồng đối với hai cá nhân.

Theo đó, dựa trên căn cứ kết quả giám sát, kiểm tra của UBCKNN, kết quả xác minh của cơ quan công an, UBCKNN đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với ông Lê Mạnh Thường và bà Phạm Thị Phương mỗi người 600 triệu đồng với cùng lỗi vi phạm thao túng giá, sử dụng 50 tài khoản để giao dịch nhằm mục đích tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu FTM của CTCP Đầu tư phát triển Đức Quân (FTM).

Cũng theo kết luận, hành vi thao túng cổ phiếu FTM của hai cá nhân trên chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của 2 cá nhân này.

Trước đó vào năm 2019, giới đầu tư chứng kiến một vụ scandal hiếm có đối với một cổ phiếu. Cú tụt giá lịch sử của FTM trở thành hiện tượng chưa từng có với ngàn tỷ đồng bị bốc hơi. Song rất ít người biết điều gì đã diễn ra, ngay cả các CTCK với kinh nghiệm dày dặn.

FTM ghi nhận 30 phiên giảm sàn liên tiếp, thị giá lao dốc từ mức gần 24.000 đồng xuống còn khoảng 3.000 đồng/cp. Khi đó, 11 công ty chứng khoán và 1 ngân hàng đã cấp margin cho cổ phiếu FTM và chịu thiệt hại lên đến gần 200 tỷ đồng, trong đó có công ty mất khoảng 80 tỷ đồng. Cổ phiếu FTM mất thanh khoản, giao dịch gần như biến mất. 

{keywords}
Biến động chỉ số VN-Index sáng 6/9.

Trong lịch sử giao dịch trên TTCK, từng có nhiều cổ phiếu rơi vào tình trạng giảm sàn liên tiếp một vài chục phiên giống như FTM. Rất nhiều các cổ đông nhỏ lẻ, những người mua vào lúc giá cổ phiếu tăng sẽ thiệt hại nặng.

Nhưng trong trường hợp FTM thì khác, các cổ đông chủ chốt nắm gần như toàn bộ số cổ phần của doanh nghiệp. 11 cổ đông có tỷ lệ từ 4% trở lên đã nắm giữ tới gần 97% số lượng cổ phiếu FTM lưu hành và niêm yết trên TTCK. Đây đều là các cổ đông sáng lập và cổ đông lâu năm tại doanh nghiệp.

Câu hỏi đặt ra là, ai là người thiệt hại khi FTM nằm sàn, mất thanh khoản và giảm tổng cộng tới 90%?

Câu trả lời cũng không phải khó khi nhìn vào cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp. Các cổ đông chủ chốt nắm giữ tới 97% được xem là người chịu thiệt khi cổ phiếu giảm khoảng 10 lần. Tuy nhiên, để trả lời chính xác các cổ đông này có thiệt hại không và nếu có là bao nhiều thì cần phải biết được giá trị thực của cổ phiếu và vốn góp của các cổ đông vào trong doanh nghiệp từ trước đó.

Một nhóm đối tượng khác cũng bị thiệt hại “thấy rõ” là các CTCK rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, khi không thể bán ra cổ phiếu FTM và giữ lại càng thua lỗ. Khoản tiền cho vay margin (ký quỹ bằng chính cổ phiếu FTM) chưa thể thu hồi và giá trị khối tài sản đảm bảo là các cổ phiếu FTM liên tục co ngót. Theo những thông tin khi đó, các khoản nợ margin tổng cộng lên hàng trăm tỷ đồng, từ khoảng trên 10 CTCK và ngân hàng.

Gần đây, UBCK cũng xử phạt nhiều cá nhân như bà Lê Thị Mai Hoà (Hà Nội) 60 triệu đồng do không công bố thông tin sở hữu 5% cổ phần tại cổ phiếu CTCP chứng khoán APG. Ông Lê Văn Thành (Hà Nội) bị xử phạt 60 triệu đồng vì lý do tương tự. CTCP Louis Capital (TGG) bị xử phạt 60 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật. Người có liên quan với ông Nguyễn Việt Anh - Phó Tổng Giám đốc ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB) bị phạt 30 triệu đồng do không báo cáo về việc dự kiến giao dịch.

Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 6/9

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhiều cổ phiếu tiếp đà đi lên. Dòng tiền đổ mạnh vào các cổ phiếu vừa và nhỏ. Các mã blue-chips cũng tăng trở lại. Chỉ số VN-Index tăng 6-7 điểm lên trên ngưỡng 1.340 điểm.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng điểm nhẹ. Nhóm “Vin” cũng tăng điểm. Nhóm dầu khí cũng diễn biến tích cực.

CTCK MBS cho rằng việc xác định thị trường lúc này đã thực sự tạo đáy hay chưa phụ thuộc vào tín hiệu từ nhóm bluechips, đặc biệt là nhóm ngân hàng khi mà một số mã đang trong quá trình retest đáy tháng 7.

Nhiều CTCK cho rằng, VN-Index sẽ bước vào giai đoạn giằng co và có thể gặp rung lắc mạnh tại vùng 1.340-1.350 điểm.

SHS cho rằng, VN-Index chưa thể vượt qua được vùng kháng cự trong khoảng 1.335-1.340 điểm (MA20-50) nên xu hướng của thị trường vẫn chưa có sự thay đổi. VN-Index có thể điều chỉnh trở lại nếu không thể vượt qua được vùng kháng cự gần nhất trong khoảng 1.335-1.340 điểm (MA20-50).

Chốt phiên chiều 1/9, chỉ số VN-Index tăng 3,18 điểm lên trên 1.334 điểm. HNX-Index tăng 0,61 điểm lên 343,42 điểm. Thanh khoản đạt 27,3 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn. Riêng sàn HOSE đạt hơn 24,5 nghìn tỷ đồng.

V. Hà

Cú tụt giá lịch sử của FTM và những câu hỏi về nhân tố bí ẩn

Cú tụt giá lịch sử của FTM và những câu hỏi về nhân tố bí ẩn

 Cổ phiếu FTM trở thành hiện tượng chưa từng có khi bốc hơi cả ngàn tỷ đồng, song đến nay rất ít người biết điều gì đang diễn ra, ngay cả các CTCK với kinh nghiệm dày dặn liệu có phải là nạn nhân của cú tụt lịch sử này?



Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét