6 tháng 9, 2021

Quyền lực của các hãng công nghệ

Alipay đã trở thành một trong những công ty thanh toán trực tuyến lớn nhất thế giới tính theo số lượng người dùng và khối lượng giao dịch.

Với hơn 520 triệu người dùng ở Trung Quốc, Alipay hiện xử lý khoảng hơn 200 triệu giao dịch mỗi ngày, từ những giao dịch mua sắm thực phẩm hàng ngày như rau quả, trả tiền taxi cho đến những giao dịch như quyên góp tiền từ thiện.

Những thông tin cá nhân mà Alipay thu thập được khi khách hàng thực hiện giao dịch vô cùng có giá trị, nó giúp cho công ty thương mại điện tử này phát triển được hoạt động hơn nữa trong kỷ nguyên thông tin.

Sử dụng dữ liệu này, Alibaba đã xây dựng các đánh giá, định mức tín nhiệm, các bước giám sát từ đó bắt đầu cấp tín dụng cho những khách hàng trước đây không thể vay được tiền từ các ngân hàng truyền thống. Khách hàng của Alibaba có thể vay tiền qua ứng dụng MyBank.

Trên nền tảng Data – dữ liệu lớn các thuật toán và công nghệ đã biến kho thông tin thành một quyền lực lớn thay thế rất nhiều phương pháp, tiêu chuẩn, quy trình và cả tài sản… trong lĩnh vực tín dụng. Nó thay đổi hoàn toàn bản chất các quan hệ vay tiền thông thường hiện có.

Theo đó, những khách hàng có điểm cao trên hệ thống của Alipay có thể được miễn không cần phải đặt cọc khi họ đặt khách sạn hoặc sử dụng dịch vụ chia sẻ xe đạp, đồng thời họ có thể được phép vay những khoản tiền lớn hơn với lãi suất ưu đãi.

Theo Bloomberg, những công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như Alibaba của Jack Ma và Tencent Holdings có sức ảnh hưởng quá lớn không chỉ trong lĩnh vực thương mại điện tử mà bao gồm mọi dịch vụ từ nhắn tin, đặt xe, thanh toán, tín dụng.

Lời cảnh báo với quyền lực mới

Các tập doàn công nghệ không ngừng nghỉ trong khai thác dữ liệu người dùng để tinh chỉnh các dịch vụ kỹ thuật số. Nhờ đó, các tập đoàn công nghệ lớn trở nên quyền lực hơn và dễ dàng thống trị thị trường. Trong bối cảnh đại dịch tàn, sức mạnh của các tập đoàn này ngày càng gia tăng.

Giới chức Trung Quốc lo ngại các đại gia này đang lợi dụng vị thế độc quyền trên thị trường thanh toán của mình tại nước này để chèn ép các công ty đối thủ. Trong năm 2019, Alipay chiếm hơn 55% thị phần thanh toán di động tại Trung Quốc, trong khi WeChat Pay là 38%.

Khi mà Alibaba phát triển được hệ thống dữ liệu khách hàng khổng lồ thông qua hoạt động của mình, Alibaba thể hiện một quyền lực lớn. Bằng công nghệ, ông chủ các tập đoàn này dường như nắm hết cuộc sống của người dân Trung Quốc từ công việc, thu nhập, giao dịch mua bán và thậm chí dự đoán cả hành vi, thói quen… Đây thực sự là một quyền lực mới mà chính quyền không thể không quản lý.

{keywords}
Quyền lực của các hãng công nghệ

Tháng 11/2020, startup công nghệ tài chính Ant Group của tỷ phú Jack Ma bị buộc phải hủy đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) và phải cải tổ hoạt động. Sau đó, đến lượt Alibaba bị điều tra vì vi phạm luật cạnh tranh và vi phạm các quy định về hoạt động tài chính.

Theo Bloomberg, Ant Group bị cơ quan quản lý Trung Quốc yêu cầu trở thành một công ty holding, chịu quản lý giống các ngân hàng. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ra lệnh cho Ant điều chỉnh lại hoạt động kinh doanh của tập đoàn trong 5 lĩnh vực, bao gồm loại bỏ cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh thanh toán, quản lý rủi ro thanh khoản của các sản phẩm quỹ, chấm dứt trình trạng độc quyền thông tin và cải thiện quản trị công ty.

Không chỉ tập trung vào Alibaba, Trung Quốc có vẻ mạnh tay nhất khi đưa ra nhiều ràng buộc để kiểm soát sự lớn mạnh và độc quyền của nhiều doanh nghiệp công nghệ. Nhà chức trách cũng yêu cầu 34 công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh phản cạnh tranh.

Tencent cũng nhận được lệnh từ cơ quan quản lý về việc họ sẽ tiến hành điều tra về vi phạm của hãng này trong các hoạt động dựa trên nền tảng dữ liệu lớn về tài chính. Theo đó, cơ quan quản lý sẽ hướng tới việc tiêp cận và tác động vào kho dự liệu khổng lồ của tập đoàn này.

{keywords}
Kiểm soát sự bùng nổ của các đại gia công nghệ 

Một giải pháp khác là chính phủ cũng đầu tư vào các doanh nghiệp. Theo Bloomberg, Trung Quốc đã đề xuất thành lập một liên doanh do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đứng đầu với các tập đoàn công nghệ lớn. Liên doanh sẽ giám sát dữ liệu của hàng trăm triệu người dùng.

Kinh tế số lành mạnh và công bằng

Không chỉ Trung Quốc mà nhiều quốc gia khác cũng đã bắt đầu hành động. Liên minh châu Âu (EU) đưa các đại gia công nghệ như Google, Amazon và Facebook vào tầm ngắm từ dự thảo Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA).

Trong đó có yêu cầu, họ phải chia sẻ một số loại dữ liệu nhất định với các đối thủ và cơ quan quản lý. Cùng với đó là những điều bị hạn chế, bao gồm việc các công ty phải ngừng ưu tiên các dịch vụ riêng trên nền tảng của mình.

Còn ở Mỹ thì chính quyền Biden đang xúc tiến nhiều biện pháp kềm chế các “ông lớn” công nghệ như Amazon, Facebook hay Google.Úc thông qua luật buộc các công ty công nghệ như Facebook hay Google phải trả phí cho báo chí.

Anh thành lập cơ quan chuyên trách để quản lý doanh nghiệp công nghệ. Ấn Độ thông qua các biện pháp mới nhằm kiểm soát các mạng xã hội. Nga chặn bớt lưu lượng của Twitter tại nước này.

Những nỗ lực chống độc quyền gần đây có thể coi là bước đi mới của chính phủ các nước nhằm thể hiện quản lý với quyền lực mới trên mạng. Chính phủ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đối đầu trực diện, bằng cách đưa các công ty ra tòa, thông qua các đạo luật cạnh tranh mới, hay thậm chí là chia tách các gã khổng lồ công nghệ.

Trong khi đó, Zhan Hao, đối tác của công ty luật Anjie Law Firm ở Bắc Kinh cho rằng, các công ty công nghệ lớn sẽ phải suy nghĩ lại về mô hình kinh doanh. Tư tưởng của các công ty Internet vốn là kẻ thắng có tất cả, và đặc biệt là các nhà vận hành nền tảng, họ thu hút người dùng và và xây dựng những hệ sinh thái tương tự nhau.

Theo một báo cáo của ngân hàng JPMorgan Chase, các biện pháp này đều là tín hiệu của "siết chặt hơn nữa" việc quản lý nền kinh tế Internet, cho dù hiệu lực thực tế còn tùy thuộc vào việc các quy định được thực thi thế nào.

Có thể nói, việc tăng cường thực thi luật sáp nhập và luật chống độc quyền có thể là một giải pháp. Cách tiếp cận tốt nhất là cơ quan chức năng cần ban hành những quy định mới đầy đủ hơn theo sự phát triển của công nghệ nhằm khuyến khích sự cạnh tranh và sự kiểm soát tốt hơn để hướng tới các dịch vụ hữu ích và lành mạnh

Cái khó đối với các nhà hoạch định chính sách là làm sao để vừa có thể duy trì thế mạnh của những tập đoàn công nghệ khổng lồ nhưng đồng thời cũng tạo ra một thị trường cạnh tranh sôi động cho nền kinh tế số, từ đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đem lại lợi ích cho người dùng. Đặc biệt, công bằng, an toàn và quyền lợi con người, quốc gia được đảm bảo an toàn trong môi trường số.

Duy Anh



Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét