3 tháng 9, 2021

KDL Trung Sơn – Hồ Tràm: Xin dự án để thế chấp ngân hàng, ‘xù’ tiền đền bù của dân

Ban đầu thuê đất rồi được chuyển sang giao đất có thu tiền và sau đó được miễn tiền sử dụng đất, chủ đầu tư Khu du lịch Trung Sơn – Hồ Tràm không triển khai mà lại mang dự án thế chấp ngân hàng.

Xin dự án làm khu du lịch nhưng lại đi thế chấp ngân hàng 

Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tính đến tháng 4/2021, trên địa bàn tỉnh có 62 dự án chậm triển khai. Nhiều nguyên nhân dẫn đến dự án chậm triển khai như chủ đầu tư không có năng lực, khó khăn khi bồi thường giải phóng mặt bằng, đất có nguồn gốc Nhà nước… 

Một trong những dự án chậm triển khai được đề cập đến là Khu du lịch Trung Sơn – Hồ Tràm do Công ty TNHH Trung Sơn (Công ty Trung Sơn) làm chủ đầu tư. 

{keywords}
Công ty Trung Sơn không triển khai dự án Khu du lịch Trung Sơn – Hồ Tràm theo kế hoạch.

Năm 2003, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ra quyết định thu hồi gần 11,6ha đất tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc và cho Công ty Trung Sơn thuê 11ha để đầu tư xây dựng Khu du lịch Trung Sơn – Hồ Tràm. Phần diện tích còn lại Công ty Trung Sơn phải bồi thường, giải toả để làm đường vào khu du lịch. 

Theo Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 vào tháng 7/2003, dự án Khu du lịch Trung Sơn – Hồ Tràm có tính chất là một khu du lịch nghỉ dưỡng tắm biển. 

Dự án gồm nhiều hạng mục như biệt thự, bungalow, nhà hàng, khách sạn, sân golf… Theo kế hoạch, giai đoạn năm 2003 – 2007, Công ty Trung Sơn sẽ đầu tư đồng bộ hạ tầng và xây dựng 10 bungalow, 3 biệt thự biển, nhà hàng, đồng thời sẽ đầu tư đồng bộ theo quy hoạch. 

Cũng trong quyết định phê duyệt quy hoạch nói trên, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nghiêm cấm Công ty Trung Sơn chuyển nhượng dự án trong quá trình triển khai và xây dựng. 

Trường hợp chủ đầu tư không thể tiếp tục đầu tư được theo kế hoạch cam kết trong tờ trình xin thuê đất, phải giao trả đất lại để UBND tỉnh xem xét cho đơn vị khác có nhu cầu thuê và đủ năng lực thực hiện. 

Đến tháng 1/2005, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án cho Công ty Trung Sơn. 

Trong đó thể hiện, Công ty Trung Sơn được sử dụng 11ha đất để xây dựng Khu du lịch Trung Sơn – Hồ Tràm. Thời hạn sử dụng đất là 50 năm, kể từ ngày 30/12/2003, và Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê hàng năm. 

{keywords}
Hiện trạng dự án Khu du lịch Trung Sơn – Hồ Tràm. 

Sau đó, Công ty Trung Sơn được chuyển từ hình thức thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất cho toàn bộ 11ha đất để đầu tư xây dựng Khu du lịch Trung Sơn – Hồ Tràm.

Đáng nói, ngày 10/5/2005, Cục thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có Quyết định số 1466/QĐ-CT miễn tiền sử dụng đất cho Công ty Trung Sơn. 

Ban đầu thuê đất, sau đó chuyển sang được giao đất có thu tiền sử dụng đất rồi được miễn tiền sử dụng đất, thế nhưng Công ty Trung Sơn không triển khai dự án mà lại thế chấp quyền sử dụng đất dự án cho ngân hàng để bảo lãnh cho một doanh nghiệp khác. 

Cụ thể, ngày 21/7/2005, Công ty Trung Sơn đã bảo lãnh cho Công ty TNHH Thương mại S.V.C bằng quyền sử dụng toàn bộ 11ha đất cho Ngân hàng Agribank – Chi nhánh Mạc Thị Bưởi. 

Theo tìm hiểu, vì chậm triển khai dự án nên năm 2014 UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư của Công ty Trung Sơn. Tuy vậy, đến nay dự án vẫn chưa thực hiện vì vướng mắc đền bù giải toả. 

‘Xù’ tiền đền bù của dân?

Trở lại thời điểm tháng 11/2004, khi đó UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phê duyệt kinh phí bồi thường hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để đầu tư xây dựng Khu du lịch Trung Sơn – Hồ Tràm. 

Có 2 hộ thuộc diện bị giải toả với tổng diện tích 11,6ha. Tổng kinh phí bồi thường hỗ trợ là 286 triệu đồng và sẽ do Công ty Trung Sơn chi trả. 

Trong đó, phần bồi thường thiệt hại cho hộ dân là 2,3 triệu đồng; nộp ngân sách Nhà nước 275 triệu đồng; còn lại là kinh phí phục vụ công tác bồi thường. 

Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Xuyên Mộc vào tháng 7/2020, trong 11,6ha đất thu hồi để triển khai dự án Khu du lịch Trung Sơn – Hồ Tràm có hộ ông N.V.T (ngụ ấp Hồ Tràm, xã Phước Thuận) bị thu hồi 1,2ha. Phần đất còn lại do UBND xã Phước Thuận quản lý. 

Từ tháng 6/2004 đến tháng 7/2006, hội đồng bồi thường đã nhiều lần tiếp xúc, vận động hộ ông T. nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư nhưng hộ này không đồng ý. 

Đến tháng 9/2006, Công ty Trung Sơn hỗ trợ thêm 10 triệu đồng/ha cho hộ dân có tài sản trên đất dự án bị thu hồi nhưng vẫn không nhận được sự hợp tác từ người dân. 

{keywords}
Chủ đầu tư Khu du lịch Trung Sơn – Hồ Tràm vẫn chưa hoàn tất thoả thuận hỗ trợ cho một hộ dân có đất bị thu hồi tại dự án.

Theo Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Xuyên Mộc, tháng 4/2020 đơn vị có nhận đơn xin cứu xét của ông T. Trong đơn, ông T. cho biết, vào năm 2017 Công ty Trung Sơn có đến làm việc với gia đình ông về việc đền bù, hỗ trợ tài sản, hoa màu trên đất thuộc dự án. 

Phía Công ty Trung Sơn có thoả thuận đền bù cho hộ ông T. số tiền 1,5 tỷ đồng. Hình thức hỗ trợ chia làm 2 đợt. Đợt đầu sẽ chi trả 750 triệu đồng ngay khi ông T. ký biên bản làm việc. Đợt hai sau 3 ngày khi hộ ông T. bàn giao mặt bằng cho công ty. 

Sau khi ký biên bản, hộ ông T. được chi trả tiền đợt 1. Tuy nhiên, sau khi gia đình ông T. bàn giao mặt bằng thì Công ty Trung Sơn không chi trả tiền đền bù đợt 2 như thoả thuận hỗ trợ và không liên hệ với gia đình ông. 

Ngày 17/7/2020, Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Xuyên Mộc chủ trì, phối hợp với Công ty Trung Sơn cùng các đơn vị liên quan mời hộ ông T. đến họp về nội dung bổ sung phần tiền còn lại của chủ đầu tư dự án Khu du lịch Trung Sơn – Hồ Tràm. Tuy nhiên, ông T. không đến dự họp. 

Như vậy, sau gần 20 năm được giao đất, dự án Khu du lịch Trung Sơn – Hồ Tràm vẫn còn nằm ở trên giấy. Trong khi đó, Công ty Trung Sơn được giao đất với nhiều ưu đãi nhưng có dấu hiệu trục lợi khi mang đi thế chấp ở ngân hàng, gây lãng phí tài nguyên đất. 

Dự án “ma” tái xuất ở Bà Rịa – Vũng Tàu, hàng trăm người sập bẫy

Dự án “ma” tái xuất ở Bà Rịa – Vũng Tàu, hàng trăm người sập bẫy

Các thửa đất trồng cây lâu năm do cá nhân đứng tên sử dụng, sau đó uỷ quyền lòng vòng rồi thông qua công ty môi giới được “gắn mác” dự án khu dân cư. Nhiều người đã đóng tiền nhưng không được giao đất.

Phương Anh Linh 



Nguồn: Bất động sản - Tin tức thị trường nhà đất, dự án BĐS mới nhất của Vietnamnet
Tham khảo nhiều thông tin về thị trường bất động sản từ báo Vietnamnet.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét