Sở hữu căn nhà cho riêng mình là một quyết định thú vị nhưng có tính thử thách. Với không ít người trẻ thiếu kinh nghiệm, việc lên kế hoạch tài chính có thể gặp khó khăn.
Trong khi một số người ưu tiên tiết kiệm đủ tiền mới mua nhà, số khác lại vay mượn để giải quyết vấn đề tiền bạc, mua trước trả sau.
Phương án nào cũng có điểm mạnh, yếu tùy quan điểm và khả năng của mỗi người. Sau đây là một số yếu tố bạn nên cân nhắc trong quá trình chuẩn bị ngôi nhà mới.
Mua nhà là lựa chọn về lối sống
Xác định mong muốn
Khi đứng trước băn khoăn về nhà ở, vấn đề cần quan tâm trước hết không phải là "liệu tôi có đủ tiền mua hay không?", mà phải trả lời cho câu hỏi "tôi muốn có cuộc sống như thế nào?".
Mua nhà là một lựa chọn về lối sống, và mỗi người thì sống một cuộc đời khác nhau.
Ví dụ, tôi và vợ muốn ở nơi có không khí trong lành, mát mẻ, ít xe cộ. Đồng thời, cả hai thích nhà mình phải có sân vườn và gần gũi với thiên nhiên. Do đó, thay vì mua căn hộ ở TP.HCM, chúng tôi thỏa thuận thuê nhà trong 2 năm, trước khi chuyển về quê sinh sống và xây dựng không gian như trên.
Một cặp vợ chồng tôi từng tư vấn đã bán căn hộ đang ở để thuê nhà gần trường của con. Mục đích là để họ thuận tiện đưa con đi học và đi làm. Số tiền dư ra được cặp đôi đem đi đầu tư, kinh doanh và tích lũy dài hạn. Với thu nhập ổn định hàng tháng, dường như họ hoàn toàn thoải mái với lựa chọn này.
Sự rõ ràng lối sống sẽ giúp bạn chắc chắn hơn với quyết định sở hữu nhà và chọn thời điểm phù hợp. Đây cũng là cách nhiều người thực hành để có được sự an tâm về tài chính.
Xem xét khả năng tài chính
Khi bạn đã có những tiêu chí rõ ràng về lối sống, khu vực muốn ở và căn nhà tương lai, tài chính là yếu tố tiếp theo cần được quan tâm. Thông thường sẽ có 3 tình huống:
Tình huống 1: Bạn có đủ số tiền cần chi để mua nhà
Với tình huống này, bạn có thể chọn trả hết 100% và sở hữu căn nhà, hoặc trả một phần và vay thêm. Số tiền còn lại có thể được đem đi đầu tư, dùng lợi nhuận để trả lãi ngân hàng.
Tình huống 2: Bạn có khoảng 30-50% tổng tiền nhà
Khi đó, cách thứ nhất là bạn trả trước phần đang có và vay ngân hàng số còn lại. Cách thứ hai là bạn vay gia đình, ngân hàng và dùng tiền mình có để đầu tư.
Ngoài ra, bạn có thể mượn gia đình 100%, không vay ngân hàng. Sau đó đầu tư và gửi trả hàng tháng (có lãi suất hoặc không).
Tình huống 3: Bạn không có tiền để dành cho nhà ở
Giải pháp cho trường hợp này là bạn mượn tiền gia đình hoặc bạn bè để trả mức tối thiểu, phần còn thiếu sẽ vay ngân hàng.
Tóm lại, chọn vay hay tích lũy để mua nhà phụ thuộc rất lớn vào bản thân bạn, không ai có thể quyết định thay. Câu trả lời sẽ lộ diện khi bạn hiểu rõ về lối sống và tình trạng tài chính của mình.
Lưu ý khi vay tiền mua nhà
Nếu bạn chọn những hướng có liên quan đến vay nợ, thì sự hiểu biết về lối sống, khả năng trả nợ, và khoản lãi cần trả là 3 điều giúp bạn quản lý tài chính tốt hơn.
Nhận biết lối sống qua thói quen chi tiêu
Chúng ta cần làm rõ và cụ thể hóa số tiền dành cho các khoản chi sau:
Chi phí sinh hoạt cá nhân: Đóng tiền nhà ở hiện tại, ăn uống, đi lại, học tập, giải trí, du lịch
Chi phí phát sinh: Dự đám cưới, sinh nhật, ma chay, hoặc sửa xe, đổi điện thoại đột xuất
Chi phí cho người thân: Chăm sóc và hỗ trợ bố mẹ, giáo dục con cái
Chi phí khác: Những khoản vay hiện có, kể cả thẻ tín dụng; tiền đảm bảo sức khỏe như bảo hiểm, quỹ dự phòng; đầu tư cho các mục tiêu trong cuộc sống, sự nghiệp
Đây hầu hết là chi tiêu cố định hàng tháng. Sau khi đã trừ đi, trên lý thuyết, số tiền còn lại bạn có thể dùng để trả nợ mua nhà.
Tuy nhiên, nhiều khả năng số dư mỗi tháng sẽ khác nhau. Đó là lý do bạn nên có kế hoạch trả nợ rõ ràng dựa trên hiểu biết này, song hạn chế cứng nhắc.
Khả năng trả nợ
Để xác định khả năng trả nợ, hãy nắm rõ thu nhập hiện tại và thu nhập dự kiến, bao gồm: các khoản lương, thưởng và phụ cấp định kỳ; các khoản thưởng thêm theo dự án; lợi tức từ các khoản đầu tư và thời điểm nhận.
Nếu bạn có kinh doanh, thì bên cạnh mức lợi nhuận, thời điểm thu cũng là yếu tố quan trọng.
Trường hợp thu nhập và chi phí không đủ tạo số dư trả nợ, bạn cần cân nhắc giảm chi phí hoặc nỗ lực tăng thu nhập.
Khoản lãi vay mua nhà cần trả
Khi bạn đã hình dung được số tiền trả nợ mỗi tháng, bước tiếp theo, tôi gợi ý sử dụng công cụ tính toán để ước chừng kỳ hạn vay mua nhà.
Công cụ tính vay nhu cầu nhà ở có trên website của các ngân hàng. Dựa vào đó, bạn sẽ tính được:
Số tiền cần vay
Số tiền trả hàng tháng theo 2 phương pháp tính: Gốc cố định lãi giảm dần và Gốc lãi chia đều theo tháng, kèm minh họa lịch trả
Đây là cách để bạn có cái nhìn tổng quát về việc vay tiền cho ngôi nhà ưng ý. Trước khi gặp nhân viên tín dụng tại ngân hàng, bạn nên tự mình tham khảo trước.
Nguyên tắc chuẩn bị tiền cho tài sản giá trị lớn
Trong quan điểm của tôi, mua nhà hay bất kỳ tài sản giá trị lớn nào đều cần dựa trên:
Sự rõ ràng về lối sống, đồng thời nắm chắc các chi tiêu cho lối sống mong muốn của mình
Có kế hoạch bảo vệ tài chính, biết sử dụng sản phẩm bảo hiểm để giảm các cú sốc tài chính có thể xảy ra
Học hỏi về đầu tư và tham gia đầu tư từ sớm để có mức tích lũy cần thiết
Sử dụng phúc lợi của doanh nghiệp hiệu quả để gia tăng thu nhập, giảm chi tiêu và các khoản lãi vay
Tâm lý sẵn sàng vay mượn khi cần thiết và có kế hoạch vay, trả chi tiết
Trò chuyện với người thân về ý định mua nhà và chấp nhận sự trợ giúp khi cần
Mua nhà là ý định dài hạn. Một quyết định mau chóng, chỉ chú trọng đến tiết kiệm hay vay tiền là chưa đầy đủ.
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến thu nhập và khả năng trả nợ của nhiều người. Đó là bài học lớn mà ai cũng cần ghi nhớ.
Ngoài việc thong thả với bản thân và bình tĩnh nhìn về thực tế, hãy thực hiện tiết kiệm từ thu nhập định kỳ và tập đầu tư từ sớm. Những điều này sẽ giúp bạn chuẩn bị tài chính và sáng suốt vào thời điểm cần đưa ra quyết định.
(Theo Zing)
Lãi suất liên tục giảm, vay vốn mua nhà rẻ nhất 10 năm qua
Lãi suất cho vay mua nhà đang ở mức thấp nhất trong 10 năm qua. Nhiều ngân hàng tiếp tục có động thái giảm lãi suất cho vay mua nhà. Vậy, lãi suất cho vay mua nhà ở ngân hàng nào thấp nhất hiện nay?
Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét