Dịch bệnh bùng phát, chính phủ nhiều nước đã trưng dụng phòng khách sạn để cách ly người trở về từ vùng dịch, vừa ngăn chặn Covid-19, vừa hỗ trợ ngành dịch vụ trong nước.
Chính quyền bang Victoria của Australia bắt đầu sử dụng khách sạn Brady nằm ở trung tâm TP. Melbourne như là một địa điểm cách ly tập trung cho những người bị Covid-19 và những người thân mà không thể cách ly tại nhà.
Với mức chi dự kiến 9,7 triệu AUD, chính quyền bang Victoria sẽ tài trợ phần lớn chi phí, bao gồm chỗ ở, an ninh, vận chuyển, hậu cần, cũng như các hạng mục và dịch vụ thiết yếu như bữa ăn và chăm sóc y tế.
Không chỉ công dân trở về từ nước ngoài, mà ngay cả những người đang sống tại bang này được xác định bị Covid-19 cũng có thể đến khách sạn để cách ly tập trung. Biện pháp này được cho là sẽ hạn chế sự lây lan của Covid-19 ra cộng đồng.
Nhiều nước sử dụng khách sạn làm nơi cách ly |
Năm 2020, khi dịch bệnh xảy ra, chính quyền tại Sydney hay Melbourne (Australia) đã sử dụng khách sạn để sắp xếp cho những người ở nước ngoài trở về hoặc người nhiễm Covid-19 được ở miễn phí. Thậm chí, chính phủ Australia còn sử dụng một số khách sạn 5 sao làm nơi cách ly cho người vô gia cư, để họ không bị bỏ rơi trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Giới chức Australia đánh giá, sáng kiến này cho thấy những kết quả tốt đẹp hoàn toàn có thể đạt được khi có sự hợp tác giữa chính phủ với khu vực tư nhân và dịch vụ cộng đồng. Sự hỗ trợ của các bên sẽ giảm áp lực lên hệ thống y tế và giảm số người nhiễm bệnh.
Tương tự, Singapore cũng áp dụng cách làm trên để hỗ trợ du học sinh từ Anh và Mỹ trở về nước cách ly trong hai tuần. Chi phí cho những căn phòng hạng sang, trị giá hàng trăm USD mỗi đêm, đều do Chính phủ Singapore hỗ trợ. Những người đang cách ly tại nhà cũng có thể đăng ký để sử dụng dịch vụ cao cấp này, nhưng phải chịu một phần chi phí.
Giới chức Singapore khẳng định, biện pháp này sẽ giảm sức ép tài chính lên các khách sạn, khi nhu cầu du lịch dường như không còn. Theo một trang mạng chuyên về bất động sản, hơn 7.500 phòng khách sạn hoặc căn hộ đã tham gia dịch vụ cách ly.
Tại Anh, các bệnh nhân Covid-19, sau khi được chữa trị, cũng có thể tới ở các khách sạn để tiếp tục hoàn tất thời gian cách ly. Khi họ ở tập trung tại khách sạn sẽ giúp cơ quan chức năng theo dõi chặt chẽ hơn về sức khỏe. Ngoài ra, các tổ chức tình nguyện, hội chữ thập đỏ, lực lượng an ninh luôn có mặt để trợ giúp kịp thời.
Hệ thống London Hotel Group (LHG) ở Anh cung cấp tới 5.000 giường để tiếp nhận các bệnh nhân dương tính và người vô gia cư từ các bệnh viện. Các bệnh nhân chuyển qua đây đều đã được chữa trị và bệnh không còn nặng. Họ không cần nằm viện và có thể chăm sóc an toàn tại các khách sạn.
Mô hình cho Việt Nam
Việt Nam đang huy động sự tham gia của ngành khách sạn vào dịch vụ cách ly có trả phí. Tại TP.HCM, theo Sở Du lịch, tính đến ngày 25/7 đã có 72 khu cách ly y tế tập trung có trả phí tương ứng tại 72 khách sạn, với 5.564 buồng/phòng đang đón khách. Các cơ sở này cũng tiếp nhận khách có nguy cơ mắc Covid-19 cao (F1) đến cách ly.
Một số khách sạn ở Việt Nam cũng có dịch vụ cách ly nhưng do người sử dụng tự nguyện chi trả (ảnh minh họa) |
Riêng trong hai tuần cao điểm của đợt dịch bùng phát lần 4, đã có 395 khách sạn đăng ký làm điểm cách ly F1, tương ứng 13.426 buồng/phòng. Trong đó, có 117 khách sạn (tương ứng 5.328 buồng/phòng) có quyết định thành lập khu cách ly tập trung, đủ điều kiện để đưa vào sử dụng. Số khách sạn còn lại đang trong quá trình thẩm định các điều kiện, tiêu chí.
Tuy nhiên, đa số đều là dịch vụ cách ly với tiêu chuẩn khách sạn cao cấp cho nên phí khá cao, chỉ phủ hợp với đối tượng thương nhân, chuyên gia, người có điều kiện chi trả. Phần lớn không phù hợp với túi tiền của đa số F1 là người dân lao động thu nhập khá và trung bình khi thời gian cách ly kéo dài và đi kèm các chi phí xét nghiệm, dịch vụ khác.
Hiện nay, tại các khu cách ly ở nhiều TP lớn đang có tình trạng quá tải, dẫn đến lây nhiễm chéo Có ý kiến đề xuất nên phát triển dịch vụ cách ly ở các khách sạn, nhà nghỉ... theo hướng chuyển toàn bộ các chi phí để thực hiện 1 khu cách ly ra cho các khách sạn. Cụ thể, nhà nước miễn phí điện nước, hỗ trợ nhận lực bảo vệ, y tế... người cách ly đóng thêm phí, tiền ăn...
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng Giám đốc Furama Đà Nẵng, cho rằng, Việt Nam đã áp dụng mô hình các khu cách ly cho người nhập cảnh dành cho người dân tự nguyện trả chi phí. Đối với khách sạn làm khu cách ly cho các ca bệnh như trên, ngoài việc người dân tự nguyện đóng góp, cần có sự hỗ trợ chi phí của Nhà nước. Song, đề xuất này phù hợp hơn với các khách sạn nhỏ, ít phòng, ít sao. Các khách sạn 4-5 sao khó khả thi bởi chi phí hậu cần rất lớn.
Ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên gia tư vấn khách sạn, homestay Hà Nội, cho rằng, các khách sạn lớn 4-5 sao đều có thương hiệu nước ngoài quản lý nên họ sẽ khó tham gia vào mô hình trên. Đối với các khách sạn nhỏ, nhà nước cần tính toán mức kinh phí phù hợp với giá phòng bình quân của khách sạn đồng thời người cách lý có thể chi trả được.
Tuy nhiên, các khách sạn sẽ gặp rủi ro về dịch bệnh và vận hành cũng tốn kém hơn. Để các khách sạn tham gia vào mô hình này, cơ quan chức năng cần có những chính sách ưu tiên cho nhân viên khách sạn được tiêm vắc xin, hỗ trợ chi phí cho họ khi làm việc tại khu vực cách ly,
Theo ông Lê Quốc Việt, giám đốc một khách sạn ở Hội An, với các khách sạn 2-3 sao có thể tham gia mô hình cách ly Covid-19 như vậy nhưng cần tính toán chi phí sát sao nhất. Nhưng ông Việt cho rằng, để vận hành một khách sạn cách ly không đơn giản. Cơ quan chức năng cần có những quy định cụ thể như đảm bảo doanh số phòng. Ngoài các hỗ trợ về bảo vệ, y tế, điện nước, cần có thêm chính sách miễn thuế VAT hoặc thuế khoán.
Lãnh đạo một khách sạn tại Hà Nội cho hay, khách sạn đã phải cầm cự hoạt động và lỗ nặng trong hơn 1 năm qua. Việc tiếp tục duy trì hoạt động để làm điểm cách ly là rất khó khăn. Với mức giá hỗ trợ của nhà nước, chỉ phòng 2 giường là có thể tính toán, còn phòng 1 giường thì khách sạn sẽ lỗ.
Ông kiến nghị, có thể vận động khách sạn tham gia, nhưng giá cả do thị trường quyết định, còn cơ quan quản lý sẽ kiểm tra việc tuân thủ, đáp ứng quy định về phòng chống dịch. Khi đó, khách sạn có nguồn thu để duy trì hoạt động, đồng thời cũng giảm tải gánh nặng về điểm lưu trú, điểm cách ly với nhà nước.
Bảo An - Ngọc Hà
'Cách ly như vua', ăn chơi kiểu này lo gì Covid-19
“Cách ly như vua” là một trong những chương trình của Thái Lan đón khách du lịch trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng nặng nền tới nền kinh tế nước này.
Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét