26 tháng 7, 2021

Tin chứng khoán ngày 26/7: Sau thăng hoa 17.000 tỷ, đại gia Lê Phước Vũ đối mặt biến động mới

Thành công ấn tượng mang về cả chục nghìn tỷ đồng trong vòng một năm qua nhưng sự thuận lợi không kéo dài mãi. Doanh nghiệp của ông Lê Phước Vũ và ngành tôn thép nói chung đối mặt với những khó khăn mới.

Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, cổ phiếu HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen của đại gia Lề Phước Vũ giảm 3,7% xuống 34.950 đồng/cp.

So với đỉnh cao hồi giữa tháng 6, cổ phiếu Tôn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ đã giảm khoảng 10.000 đồng, từ mức 44.000 đồng/cp. Vốn hóa của doanh nghiệp này cũng bốc hơi khoảng 4.500 tỷ đồng trong vòng hơn một tháng qua.

Như vậy, sau khi bứt phá từ mức giá dưới 10.000 đồng/cp cách đây một năm, cổ phiếu HSG đã ghi nhận một đợt điều chỉnh khá sâu. Trong vòng một năm qua, vốn hóa có lúc đỉnh điểm tăng thêm 17.000 tỷ đồng nhưng cũng giảm khá nhanh mất 4.500 tỷ đồng trong một thời gian ngắn.

Một số dự báo doanh nghiệp tôn mạ hàng đầu Việt Nam này sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới.

Theo VCSC, giá cổ phiếu ngành thép tăng mạnh thời gian qua nhờ phản ánh kỳ vọng lợi nhuận cao. Tuy nhiên, trong thời gian tới đây, cổ phiếu ngành này nhiều khả năng chịu áp lực chốt lời, đặc biệt là đối với các nhà sản xuất tôn mạ (HSG, NKG).

VCSC cho rằng, nửa đầu năm nay, lĩnh vực xây dựng phục hồi trở lại và duy trì tăng trưởng mạnh mẽ nhờ các hoạt động đầu tư phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng và nhà ở. Nhưng nửa cuối 2021, nhu cầu thép có thể giảm do mùa mưa và tác động của Covid-19. Giá sản phẩm thép có thể sẽ giảm trong tháng 7 trước khi điều chỉnh tiếp bởi giá nguyên liệu tăng.

{keywords}
Ông Lê Phước Vũ, chủ tịch HSG.

VCSC nhận định, biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép sẽ giảm trong 6 tháng cuối năm 2021 chủ yếu do kịch bản đầu tiên khi áp lực giá chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao và giá bán trên toàn chuỗi cung ứng điều chỉnh vào năm 2022.

Nhiều dự báo cũng cho thấy, giá thép sẽ hạ nhiệt vào nửa cuối năm 2021. Đây là yếu tố có thể ảnh hưởng tới biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp ngành thép. Lợi nhuận của Tôn Hoa Sen, Thép Nam Kim (NKG) có thể sẽ cao hơn so với cùng kỳ trong quý II nhưng sẽ điều chỉnh giảm trong hai quý cuối năm.

Bên cạnh đó, sự bứt phá ngoạn mục của cổ phiếu ngành thép với kỳ vọng lợi nhuận cao trong tương lai cũng là áp lực lớn đối với nhóm cổ phiếu ngành này. Áp lực chốt lời gia tăng mạnh gần đây đối với cổ phiếu HSG sau khi giá tăng mạnh 4,5 lần trong chưa tới một năm.

Gần đây, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi mức thuế xuất nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép, cụ thể là sẽ tăng thuế xuất khẩu phôi thép từ 0% lên 5%, đồng thời giảm 5-10% thuế nhập khẩu cho một số mặt hàng thép do giá thép cao đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân của các dự án đầu tư công và tăng chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất.

Dự thảo thay đổi thuế suất lần này không đề cập đến các sản phẩm đầu ra như tôn mạ và đầu vào (HRC) của các doanh nghiệp tôn mạ, do vậy Tôn Hoa Sen, Thép Nam Kim, Thép Tiến Lên (TLH) sẽ không bị tác động.

Ông Lê Phước Vũ được biết đến là chủ tịch Tôn Hoa Sen. Ông Vũ không chỉ là một nhà lãnh đạo doanh nghiệp giỏi mà còn là người mua bán chứng khoán thành công hiếm có.

Ông Lê Phước Vũ là một phật tử và đã chính thức đi tu, nương nhờ cửa Phật hồi tháng 7/2020. Tuy nhiên, đại gia này vẫn quyết định những công việc quan trọng tại Hoa Sen, trong đó có việc đầu cơ nguyên liệu, mang đến thành công trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp này. Ông là người đầu cơ cổ phiếu của chính mình (HSG) rất thành công, thuộc nhóm hàng đầu trên TTCK. 

Doanh nghiệp của ông Lê Phước Vũ gần đây rút khỏi dự án thép quy mô 10 tỷ USD Cà Ná. Dự án ban đầu được đưa vào dự thảo quy hoạch ngành thép đến năm 2025 và định hướng năm 2035. Tuy nhiên, sau đó dự án bị loại bỏ ra khỏi quy hoạch và Thủ tướng chính phủ cũng yêu cầu tạm dừng để làm rõ một số vấn đề liên quan tới môi trường, công nghiệp và thiết bị.

Chỉ số chứng khoán VN-Index

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhiều cổ phiếu giảm điểm nhẹ. VN-Index giảm 5 điểm.

Theo BSC, còn khá sớm để khẳng định nhịp điều chỉnh đã kết thúc dù vậy thanh khoản đang có chiều hướng giảm dần và lực cầu ở vùng giá thấp đang có chiều hướng quay trở lại nên có thể thị trường sẽ sớm hình thành vùng cân bằng trước khi thiết lập đà tăng mới. 

Chốt phiên chiều 23/7, chỉ số VN-Index giảm 24,84 điểm xuống 1.268,83 điểm. HNX-Index giảm 4,2 điểm xuống 301,77 điểm. Upcom-Index giảm 1,2 điểm xuống 84,37 điểm. Thanh khoản trong cả ngày đạt 22,1 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn. Riêng sàn HOSE đạt 19,3 nghìn tỷ đồng.

V. Hà



Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét