Có những thời điểm người dân rất bức xúc vì hàng hóa cung ứng không kịp do các chợ đầu mối đã dừng hoạt động, chỉ còn các siêu thị và cửa hàng tiện lợi mở cửa.
Ngày 18/7, Bộ trưởng Công Thương và Bộ trưởng NN&PTNT đồng chủ trì họp trực tuyến với các tỉnh thành để tìm giải pháp đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho phía Nam.
Cung ứng hàng hóa bị đứt gãy nghiêm trọng
Nhấn mạnh trong mọi tình huống không được để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng thiết yếu, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng cần chủ động kết nối cung cầu tại các địa phương. Trong đó, cần duy trì chợ đầu mối, chợ truyền thống kèm theo những biện pháp phòng dịch.
Cung ứng hàng cho phía Nam, tạo luồng ưu tiên đặc biệt |
Bên cạnh đó, cần phối hợp với các ngành khác như Giao thông, Y tế để làm tốt lưu thông hàng hóa, điều tiết hợp lý hàng hóa từ nơi dồi dào đến nơi thiếu hụt.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau 7 ngày thực hiện áp dụng Chỉ thị 16 tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, việc cung ứng hàng hóa bị đứt gãy nghiêm trọng.
Theo đó, đã có những thời điểm người dân rất bức xúc vì hàng hóa cung ứng không kịp do các chợ đầu mối đã dừng hoạt động, chỉ còn các siêu thị và cửa hàng tiện lợi mở cửa. Đối với lực lượng phục vụ cho việc cung ứng hàng hóa cho người dân, mỗi ngày sẽ có 200.000 – 210.000 người hoạt động trong các chợ đầu mối. Tuy nhiên, những ngày qua chỉ có 2.000 người hoạt động ở cửa hàng tiện lợi, siêu thị. Các vùng ven đô xung quanh TP.HCM thực hiện giãn cách nên xảy ra thiếu hụt và đứt gãy nghiêm trọng nguồn lao động. Bên cạnh đó, việc lưu chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, các vùng và 3 miền khó khăn, gây hỗn loạn cho khu vực.
"Nếu không có biện pháp kịp thời thì rất gay go", ông Diên lo ngại.
Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá việc các chợ đầu mối ở TP.HCM dừng hoạt động làm thiếu hụt hàng hóa cho người dân và cũng gây nguy hiểm cho cả các tỉnh khác do thiếu đầu ra, thiếu nơi cung cấp hàng hóa.
Ông Hải đề nghị không đóng cửa tất cả các chợ đầu mối, chợ truyền thống tại 16 tỉnh mới áp dụng Chỉ thị 16.
Đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho rằng hệ thống phân phối hàng hóa ở TP.HCM hiện vẫn thiếu, Sở Công Thương và Sở NN-PTNT thành phố cần tạo mọi điều kiện để hàng hóa về thành phố thuận lợi, tháo gỡ khó khăn ở các chợ truyền thống, từ đó ổn định giá cả. Cục cũng kiến nghị Bộ Công Thương làm việc với Bộ Tài chính để điều tra những hiện tượng nâng giá bất hợp lý.
Nhà nước sẽ tham gia quá trình vận hành thị trường
Đại diện Sở Công Thương một số tỉnh phía Nam lo lắng khâu vận chuyển hàng hóa đều gặp nghẽn. Ví dụ ở Hậu Giang, tài xế dù có đầy đủ giấy tờ phòng chống dịch nhưng vẫn cần phải qua nhiều chốt, dẫn đến chi phí tăng và giá bán tăng, từ 30-60%, nhưng giá thu mua lại không tăng. Còn tại An Giang, việc thu hoạch diễn biến tốt, không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, vấn đề của tỉnh này vẫn là vận chuyển lúa gạo ra khỏi tỉnh.
Do đó, Sở Công Thương các tỉnh kiến nghị ngành Y tế tháo gỡ các khó khăn trong việc kiểm soát cũng như kiến nghị Chính phủ phân bổ vacxin để tháo gỡ vướng mắc trong việc đứt gãy lao động thương mại.
Điện diện nhiều tỉnh thành cũng lo ngại tình trạng ứ thừa nông thủy sản, không tiêu thụ được vì dịch bệnh Covid-19.
Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho rằng: Nhu cầu tiêu thụ gạo trong tỉnh đến hết tháng 7 khoảng 5.040 tấn. Hiện nay lượng lúa gạo trong tỉnh đáp ứng đủ yêu cầu cho người dân. Trong tháng 8, khoảng 11.160 tấn gạo, tương đương 18.600 tấn lúa. Như vậy lượng lúa hàng hóa còn lại cần tiêu thụ 111.000 tấn, tương đương 66.600 tấn gạo. Riêng tổng sản lượng thủy hải sản các loại đến hết tháng 7 khoảng 28.900 tấn. Trong tháng 8, thu hoạch và khai thác khoảng 51.000 tấn. Nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh đến hết tháng 7 khoảng 3.360 tấn, dư khoảng 25.540 tấn cần xuất ngoài tỉnh, trong tháng 8 tiêu thụ khoảng 7.440 tấn, dư khoảng 43.560 tấn cần xuất ngoài tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị TP.HCM cần xác định rõ nhu cầu tiêu thụ của địa phương, nghiên cứu mở lại một phần hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu. Có thể thành lập các bộ phận thống kê, hàng ngày gửi thông tin về Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương để cùng nhau xử lý.
"Các địa phương cần có trách nhiệm với TP.HCM về việc cung ứng lương thực nhưng TP.HCM cũng phải làm rõ nhu cầu của mình vì bây giờ nhiều doanh nghiệp muốn cung ứng cũng không biết chở hàng đến đâu", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng NN&PTNT cho rằng các địa phương nắm thông tin cập nhật nhất có thể, Sở Công Thương, Sở NN-PTNT cần phối hợp với nhau, đi đến các vùng nguyên liệu để nắm thông tin. Hiện nay, các địa phương có nguyên liệu cần nắm rõ việc thu hoạch có khó khăn gì để phản hồi lại với Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam nhằm đưa ra phương án thích hợp. Về vấn đề vận chuyển, doanh nghiệp đang sợ rủi ro nên cần có chính sách thật thông thoáng để chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.
"Hiện nay, do tình hình không như bình thường nên Nhà nước sẽ tham gia vào quá trình vận hành của thị trường, còn nếu khó khăn hơn nữa thì Nhà nước sẽ phải đảm nhận hết vai trò phân phối, cung ứng cho người dân", ông Lê Minh Hoan chia sẻ.
Hà Duy
Bấn loạn mớ rau, con cá... ba bài học lớn từ Sài Gòn
Một tuần thực hiện Chỉ thị 16, TP.HCM cần rút ra những bài học về tổ chức tốt, hiệu quả hệ thống phân phối. Bao gồm các chợ dân sinh, chợ đầu mối, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại...
Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét