8 tháng 6, 2021

Tin chứng khoán ngày 8/6: Một thập kỷ lao đao, Bầu Đức mất mát và chìm dần

Doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) tiếp tục tái cơ cấu và rút dần khỏi đế chế tâm huyết xây dựng trong cả thập kỷ. Từng là người giàu nhất Việt Nam và thành công trên nhiều lĩnh vực nhưng cuối đời Bầu Đức khá vất vả.

CTCP Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (HAG) vừa báo cáo về kết quả giao dịch cổ phiếu của tổ chức có liên quan đến người nội bộ CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico (HNG).

Theo đó, HAGL của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) đã hoàn tất thương vụ bán thỏa thuận gần 80 triệu cổ phiếu HAGL Agrico trong khoảng thời gian từ 7/5-5/6/2021, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ mức 258 triệu cổ phiếu (23,28% vốn) xuống còn 178 triệu cổ phiếu (16,07% vốn).

Với mức giá khoảng 10.500 đồng/cp như hiện tại, ước tính doanh nghiệp của Bầu Đức thu về khoảng 850 tỷ đồng.

Trước đó, Hoàng Anh Gia Lai của doanh nhân phố núi cũng đã liên tục thoái vốn tại HAGL Agrico. Từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4, HAGL đã bán hơn 72 triệu cổ phiếu tại HNG, thu về khoảng 870 tỷ đồng. Trong năm 2020, HAGL cũng liên tục bán hàng trăm triệu cổ phiếu HNG.

Đây là hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp của Bầu Đức nhằm thanh toán các khoản nợ tại ngân hàng. Gần một thập kỷ tái cơ cấu, đại gia phố núi chứng kiến sự đi xuống vào cuối đời sau những thăng hoa thập kỷ trước đó.

Trong nhiều năm qua, HAGL của Bầu Đức ở trong tình trạng nợ nần chồng chất và ghi nhận lỗ lớn. Hồi cuối tháng 2/2021, HAG bất ngờ ghi nhận khoản lỗ lũy kế 5.000 tỷ đồng từ “quá khứ hiện về” sau khi báo cáo hồi tố khoản lỗ 5.000 tỷ đồng do tăng dự phòng các khoản phải thu khó đòi, khiến vốn chủ sở hữu bị mất đi 1/3.

{keywords}
Bầu Đức (giữa).

Tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019, Ernst & Young Vietnam đã đưa ra ý kiến ngoại trừ do không thể thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp để xác định khả năng thu hồi dư nợ 5.669 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2019) trên tổng giá trị phải thu ngắn - dài hạn 10.505 tỷ đồng.

Trước đó, hồi đầu năm 2017, HAGL của Bầu Đức cũng gây xôn xao khi điều chỉnh hồi tố kết quả kinh doanh của năm 2016 liên quan đến thương vụ bán HAGL Sugar.

Phần lớn các tài sản doanh nghiệp của Bầu Đức được bán cho Thaco của tỷ phú USD Trần Bá Dương sau khi Hoàng Anh Gia Lai và Thaco hợp tác chiến lược từ giữa năm 2018.

Từ đầu năm 2021, Thaco đã chính thức đảm nhận vai trò lèo lái tại HAGL Agrico (HNG) từ tay ông Đoàn Nguyên Đức.

HAGL Agrico được thành lập từ năm 2010, tập trung trồng các loại cây công nghiệp là cây cao su, cây cọ dầu với tổng diện tích hàng chục nghìn hecta đất tại Đông Dương. HNG là minh chứng cho tham vọng xây dựng đế chế nông nghiệp hàng đầu tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, Bầu Đức gặp khá nhiều khó khăn với dự án này.

Sau 10 năm chuyển từ bất động sản sang nhiều lĩnh vực rồi chốt lại ở nông nghiệp, Bầu Đức vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Thập kỷ vừa qua có thể nói là giai đoạn nhiều áp lực và khó khăn nhất đối với doanh nghiệp của Bầu Đức. Nhiều thời điểm các doanh nghiệp đại gia phố núi đứng trước bờ vực phá sản. Từ ngôi vị doanh nhân giàu nhất trên sàn chứng khoán 2008, Bầu Đức lao dốc và hiện tại sắp ra khỏi top 80.

Giờ đây, mảng được kỳ vọng nhiều nhất là nông nghiệp nhưng dường như cũng đã không còn nằm trong tầm kiểm soát của Bầu Đức. Trước đó, ông Đoàn Nguyên Đức đã bán đi mảng mía đường, bán đi nhiều doanh nghiệp cao su và bỏ dự án chăn nuôi bò “ngồi nhà bán sữa khắp Đông Nam Á”…

Ở vào thời điểm hiện tại, HAGL Agrico chỉ còn thế mạnh ở lĩnh vực cây ăn quả. Tuy nhiên, vị thế của Bầu Đức tại doanh nghiệp này đang ngày càng suy giảm theo các thương vụ bán vốn diễn ra gần đây.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh và quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp vẫn còn tiếp diễn nhưng gánh nợ lên các doanh nghiệp của Bầu Đức đã giảm đi rất nhiều. Bầu Đức vẫn nổi tiếng trong lĩnh vực bóng đá với sự bứt phá của đội bóng HAGL sau khi đón Kiatisak về làm huấn luyện viên và những đóng góp cho tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index hồi phục sau một phiên giảm khá mạnh. VN-Index vẫn ở ngưỡng cao: 1.365 điểm.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo VDSC, VN-Index “chao đảo” nhưng có động thái được hỗ trợ tại vùng 1.350 điểm. Đồng thời, thanh khoản giảm so với 2 phiên trước. Cho thấy áp lực chốt lời hiện tại chưa thực sự mạnh, tạm thời chỉ mang tính chất ngắn hạn và cục bộ tại một số nhóm cổ phiếu tăng nóng. Dự kiến, thị trường sẽ tiếp tục được hỗ trợ và hồi phục trở lại trong thời gian gần tới nhưng diễn biến sẽ có phân hóa mạnh.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/6, chỉ số VN-Index giảm 15,27 điểm xuống 1.358,78 điểm; HNX-Index giảm 11,13 điểm xuống 318,63 điểm. Upcom-Index giảm 1,53 điểm xuống 89,06 điểm. Thanh khoản đạt 36,2 nghìn tỷ đồng.

V. Hà



Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét