Tổ công tác đặc biệt sẽ bao quát tiến độ dự án đầu tư công, bao gồm cả dự án ODA và vốn vay ưu đãi; dự án đầu tư kinh doanh, bao gồm dự án FDI và dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác đặc biệt, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực, nhằm rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh gặp vướng mắc trong thời gian dài tại các bộ, ngành, địa phương.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, việc thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh ở các địa phương trên cả nước đã góp phần tích cực vào việc huy động các nguồn lực, trong đó có nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện các dự án đầu tư ở địa phương cho thấy, do nhiều nguyên nhân khác nhau, một số dự án đã được chấp nhận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng không được triển khai thực hiện hoặc thực hiện không đúng tiến độ đăng ký, trong đó có không ít dự án bị chậm tiến độ hàng chục năm, gây lãng phí nguồn lực đất đai, làm phát sinh tranh chấp, khiếu kiện và bức xúc trong dư luận xã hội.
Dự án Cát Linh - Hà Đông mãi chưa thể vận hành. Ảnh: Lương Bằng |
Thực trạng này đã và đang trở thành điểm nghẽn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời làm ảnh hưởng đáng kể đến môi trường đầu tư kinh doanh nói chung cũng như hiệu quả thu hút đầu tư của các địa phương nói riêng.
Do vậy, việc tổ chức rà soát, xác định các dự án thực hiện không hiệu quả, chậm tiến độ, đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan và đề xuất giải pháp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để các dự án này thực hiện có hiệu quả là cần thiết, cấp bách nhằm xóa bỏ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.
Bộ Kế hoạch và đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phân công Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng tổ công tác; các tổ phó gồm Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổ phó thường trực), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổ phó).
Các thành viên Tổ công tác là lãnh đạo các bộ, cơ quan có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến dự án đầu tư hoặc trực tiếp triển khai dư án gồm Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trưởng, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ NN-PTNT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ và Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tùy thuộc yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, Tổ công tác có thể mời thêm lãnh đạo một số cơ quan trung ương và dịa phương, chuyên gia.
Các dự án đầu tư thuộc phạm vi rà soát của Tổ công tác gồm dự án đầu tư công, bao gồm cả dự án ODA và vốn vay ưu đãi; dự án đầu tư kinh doanh, bao gồm dự án FDI và dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 10/02/2021 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2021, Chính phủ yêu cầu thành lập Tổ công tác đặc biệt do Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực nhằm rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh gặp vướng mắc trong thời gian dài tại các bộ, ngành, địa phương.
Tại Thông báo số 88/TB-VPCP ngày 30/4/2021 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng giao Bộ này chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo, đề xuất Thủ tướng việc thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ.
Lương Bằng
Đầu tư công: 'Ứ đọng' trăm nghìn tỷ chưa tiêu được
Bộ Tài chính cho biết còn 11 Bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt dưới 20%.
Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét