Lãnh đạo công ty bố trí đại diện các phòng ban, sếp ở Hà Nội cũng bay vào TPHCM để tham gia buổi phỏng vấn. Thế rồi, người trong công ty nhìn nhau đầy tổn thương vì... ứng viên "bùng" lịch.
Méo mặt vì bị ứng viên cho "leo cây"
Nhắc lại sự việc cách đây vài tháng, chị Nguyễn Minh Thơ, phụ trách nhân sự công ty xuất nhập khẩu M. (Văn phòng đại diện ở TPHCM) vẫn chưa hết bực mình lẫn ái ngại.
Sau vòng xét hồ sơ và trao đổi qua điện thoại, chị "chấm" được 3 ứng viên để gặp phỏng vấn, trao đổi công việc với mức lương khởi điểm đã được công khai trên 20 triệu đồng.
Chị Nguyễn Minh Thơ nhận việc tại công ty chưa lâu, những vị trí tuyển dụng mới khá quan trọng. Vì vậy, chị nhờ các phòng ban chuyên môn tham gia phỏng vấn cùng. Chưa kể, sếp từ trụ sở chính ở Hà Nội muốn trực tiếp đánh giá nhân sự, cũng bay vào dự.
Nhiều nhà tuyển dụng bị ứng viên "bỏ bom" vào phút chót (Ảnh minh họa). |
Buổi phỏng vấn được chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ đại diện các ban bệ của công ty. Văn phòng còn chuẩn bị đồ uống và cả đồ ăn nhẹ phòng trường hợp cần trao đổi kỹ. Nhưng đến giờ, mọi người ngồi nhìn nhau vì chờ mãi không thấy ứng viên xuất hiện.
Nữ quản lý nhân sự cuống quýt gọi điện cho ứng viên thì một người không bốc máy, một người xin lỗi vì em kẹt việc rồi. Một ứng viên trước đó đã báo với chị xin hồi lịch vào thời điểm khác, cũng không mấy thiết tha.
Chị Nguyễn Minh Thơ chỉ muốn độn thổ khi phải "phơi mặt" ra để báo với các sếp rằng: Ứng viên "bùng" lịch. Bao nhiêu công sức, sự chuẩn bị trở thành công cốc.
"Tôi vô cùng xấu hổ, mất uy tín đã đành lại còn làm tiêu tốn công sức của bao nhiêu người. Thà công việc lương lèo bèo này kia, đây mọi thứ cũng không đến nỗi mà tìm không ra người", chị Nguyễn Minh Thơ thở dài.
Nguyễn Văn Trọng, Phó phòng nhân sự một công ty truyền thông ở Phú Nhuận, TPHCM cùng chung nỗi niềm khi anh cẩn thận đến mức, chiều phỏng vấn, sáng còn gọi lại cho ứng viên xác nhận, nhắn tin nhắc cuộc hẹn.
Vậy mà chiều chờ mãi không thấy tăm hơi ứng viên đâu, gọi lại thì điện thoại của một ứng viên ngoài vùng phủ sóng. Còn ứng viên khác thì ngáp ngắn ngáp dài thật thà nói: Em ngủ quên.
"Cứ mỗi đợt tuyển dụng, sếp hỏi: "Ứng viên lại không tới à em?" mà mình rầu vô cùng", anh Nguyễn Văn Trọng nói.
Chủ động trong mọi tình huống
Phụ trách nhân sự nhiều công ty phải "khóc ròng" trước tình trạng ứng viên hẹn rồi hủy, may mắn không hủy thì cho nhà tuyển dụng "leo cây" vào phút chót, không đến phỏng vấn, không đến nhận việc.
Nếu trước đây tình trạng này gọi là ca hiếm thì gần đây phải nói là khá phổ biến, rất nhiều nhà tuyển dụng gặp phải. Có nhà tuyển dụng phản hồi lại ứng viên một cách bức xúc, tức tối.
Phân tích về điều này, chị Lê Ngọc Anh, làm việc trong lĩnh vực nhân sự ở TPHCM cho rằng, nhiều ứng viên hiện nay "tiện tay" rải hồ sơ khắp nơi, nhưng không thật sự có ý định tìm việc nghiêm túc.
Nhiều ứng viên tiếp tục thiếu chuyên nghiệp khi hủy hẹn mà không một lời thông báo, cáo lỗi mà chơi bài... làm lơ. Theo chị Lê Ngọc Anh, ứng viên đã thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp ngay từ đầu thì việc họ không đến phỏng vấn, nhà tuyển dụng cũng không cần phải tiếc nuối.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm nhân sự, anh Phan Minh Đức, phụ trách mảng tuyển dụng của một hệ thống siêu thị điện máy ở TPHCM khuyên, nhà tuyển dụng cũng cần lường trước những tình huống có thể bị ứng viên "bỏ bom".
Cần chuẩn bị trước tâm lý tình huống bất khả kháng như ứng viên có việc đột xuất, gặp sự cố, tai nạn...
Ngoài sự thiếu chuyên nghiệp của ứng viên, nhà tuyển dụng cũng cần thử xem xét thêm các yếu tố vì sao mình bị "bùng". Liệu chăng mức lương, chế độ, lộ trình phát triển của công ty "bày" ra quá thiếu hấp dẫn? Thời gian từ khi nộp hồ sơ đến phỏng vấn liệu có quá dài, ứng viên không thể chờ, đã nhận nơi khác? Hay có những phản hồi thiếu tích cực về công ty?...
"Nếu loại trừ được các yếu tố trên, vị trí lương cao mà ứng viên vẫn "bùng" thì có thể ứng viên chưa sẵn sàng gánh vác được công việc" - anh Phan Minh Đức lý giải.
Theo anh Phan Minh Đức, người làm nhân sự cần chủ động trong mọi tình huống, kể cả tình thế ít mong muốn nhất. Có như vậy mới giảm được áp lực cho bản thân, có kế sách ứng phó, ứng xử một cách phù hợp với vai trò và vị thế của mình.
(Theo Dân Trí)
Những công việc nào lương 80-100 triệu/tháng, đang 'khát' nhân sự ở Việt Nam?
Dù không tránh khỏi tác động của Covid-19, Việt Nam vẫn được xem là điểm sáng trên bản đồ kinh tế toàn cầu, nên vẫn có những ngành nghề có nhu cầu rất cao về nhân sự.
Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét