7 tháng 6, 2021

Hàng loạt tàu xe nằm bờ, khách sạn “ngủ đông” ở đảo Lý Sơn

Tàu thuyền nằm bờ, xe cộ nằm bãi, khách sạn, hàng quán đóng cửa,... là hệ quả tất yếu khi đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) không còn bóng dáng một du khách.

Khó trụ vững qua mùa dịch

Thời điểm hè được xem là “mùa làm ăn” của du lịch Lý Sơn (Quảng Ngãi). Thế nhưng, năm nay, mọi thứ đã đảo lộn. Những ngày này, nhịp sống trên đảo Lý Sơn dường như chậm lại. Không còn cảnh tấp nập du khách như thường lệ, thay vào đó là khung cảnh đìu hiu, vắng vẻ đến lạnh người.

Đó là bởi để ngăn ngừa dịch Covid-19 xâm nhập địa bàn, tỉnh Quảng Ngãi cấm tất cả du khách ngoại tỉnh, du khách quốc tế đến huyện đảo.

Vì thế, những ngành nghề liên quan đến du lịch như tàu thuyền, ca nô, xe điện, nhà nghỉ, khách sạn, homestay, nhà hàng, quán ăn,... đều rơi vào trạng thái “ngủ đông”.

{keywords}
Trung tâm huyện đảo về đêm vắng hoe
{keywords}
Hầu như tất cả các cơ sở lưu trú trên địa bàn đều đã đóng cửa do không có khách
{keywords}
Tàu neo chờ tới lượt chạy luân phiên, tần suất hoạt động chỉ bằng 20% so với thường lệ

Có tổng cộng 92 phòng lưu trú tiêu chuẩn 4 sao, gần một tháng qua, khách sạn Mường Thanh Lý Sơn vẫn mở cửa hoạt động. Nói là hoạt động nhưng hầu như chẳng có bóng khách nào đến thuê phòng.

Ông Bùi Xuân Nghĩa - Giám đốc khách sạn Mường Thanh Lý Sơn, cho biết, đơn vị có tổng cộng 66 lao động, hiện chỉ 5% được bố trí luân phiên hoạt động. Thế nhưng, mọi người đến cũng chỉ làm vệ sinh, duy tu bảo dưỡng thiết bị chứ chẳng có khách để tiếp. Mặc dù không có doanh thu, nhưng đơn vị vẫn chi trả 40% lương tháng cho người lao động để họ trang trải cuộc sống, vượt qua khó khăn.

“Vừa gượng dậy sau mấy đợt dịch liên tiếp, rồi đến bão số 9, nếu tình hình này còn kéo dài, tôi e rằng những người sống bằng nghề du lịch ở Lý Sơn sẽ khó trụ vững” - ông Nghĩa lo lắng.

Đối diện Mường Thanh Lý Sơn là Resort Đảo Ngọc - một trong những đơn vị lưu trú lớn trên đảo - đã đóng cửa im lìm hơn ba tuần nay vì không có khách.

Gần như tất cả khách sạn, nhà nghỉ, homestay ở huyện Lý Sơn đều trong tình trạng tương tự, “cửa đóng then cài”. Nhiều chủ khách sạn, nhà nghỉ thừa nhận họ đang đối mặt với rất nhiều khó khăn vì không có doanh thu, trong khi chi phí duy trì, lãi vay ngân hàng đang gây áp lực lớn.

Không có khách du lịch nên gần một tháng qua, bãi xe của Liên đoàn Lao động huyện Lý Sơn luôn trong tình trạng không còn chỗ trống. Tất cả xe được tập kết về đây để nằm “chờ” du khách, phần lớn tài xế xe điện đã tìm việc khác để mưu sinh.

{keywords}
Đội xe điện chuyên chở du khách được tập kết về bãi… nằm chờ
{keywords}
Tất cả các hàng quán, gian hàng bán đồ lưu niệm phục vụ khách du lịch tại các
danh thắng trên đảo đều “trùm kín”.

Nếu cách đây tầm một tháng, họ đang tất bật từ sáng sớm đến tối muộn để đưa đón khách ra vào cảng, thăm quan, ăn uống,... thì nay, Vững - một lái xe 7 chỗ chuyên chở khách du lịch trên đảo - lại rảnh trơn. Thở dài, nam thanh niên buồn bã chia sẻ: “Hồi trước tui chạy nhiều lắm, giờ thì lâu lâu mới có cuốc xe chở người trên đảo đến chỗ này, chỗ kia. Không biết đến khi nào tình hình mới được cải thiện nữa”.

Cùng chung số phận nằm bến với xe là đội tàu, ca nô. Thông thường, lúc thấp điểm nhất thì mỗi ngày tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn cũng có ít nhất ba lượt tàu để kết nối đảo với đất liền.

Nhưng hiện tại chỉ còn duy nhất một lượt để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, cán bộ làm việc tại đảo, tuyệt nhiên không có bóng dáng của khách du lịch nào.

Được chạy xem ra đã là khá hơn nếu nhìn vào cảnh hàng chục chiếc ca nô tuyến đảo lớn - đảo bé phải xếp san sát nhau, phơi nắng phơi mưa hơn một tháng nay trong vũng neo đậu tàu thuyền vì tuyến bị tê liệt hoàn toàn.

Chới với, túa đi tìm việc “chữa cháy”

Trải qua ba đợt dịch liên tiếp, cộng với ảnh hưởng của thiên tai, phần lớn hàng quán trên địa bàn đều đã “thấm đòn”. Dọc tuyến đường cơ động xung quanh đảo là nơi tập trung hàng chục quán xá chuyên phục vụ du khách, hơn một tháng qua hầu như đã đóng cửa. Lưa thưa quán nấn ná mở cửa, nhưng cũng chỉ lác đác vài vị khách là người địa phương.

Anh Ân - Quản lý nhà hàng Thúng Hải Sản Lý Sơn, kể rằng từ ngày có lệnh cấm du khách ra đảo, nhà hàng anh đã tạm ngừng hoạt động, toàn bộ nhân viên bị nghỉ việc. Thời gian này, anh tập trung sửa chữa nhà hàng và nâng cấp cơ sở vật chất để khi dịch bệnh được kiểm soát, lệnh cấm được gỡ bỏ sẽ mở cửa hoạt động trở lại.

{keywords}
Những nhà hàng lớn trên đảo đều đóng cửa

“Khó khăn rất nhiều, nhưng đồng lòng, chung sức chống dịch là nhiệm vụ tiên quyết của mỗi người. Tôi tin rằng chúng ta sẽ hồi sinh trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát” - anh Ân hy vọng.

Không còn du khách, nguồn thu nhập vì thế cũng bị cắt hoàn toàn, vì vậy những người làm du lịch ở Lý Sơn đang phải đối mặt với thử thách “sinh tồn” khi công việc chưa biết đến bao giờ mới bình thường trở lại.

Tận dụng lợi thế sẵn có, rất nhiều hướng dẫn viên đã chọn cách đăng tin bán hải sản trên trang facebook cá nhân; phần nhiều tài xế tàu, ca nô, xe lại xuống thuyền để đi biển; những chủ khách sạn bán hành, tỏi, nước giải khát,... Ai cũng cố gắng tìm cho mình một công việc “chữa cháy” để trang trải cuộc sống.

Nhung - lễ tân một khách sạn lớn - hơn một tháng qua nghỉ việc không lương do khách sạn đóng cửa, đã kịp tìm được cho mình một công việc tạm tại quán cà phê gần nhà. “Như em đã là may mắn, vì còn nhiều người giờ chỉ ở nhà, hiện tại có công việc làm, có thu nhập để trang trải chi phí là điều mà rất nhiều người mong muốn, nhưng đặc thù huyện đảo là không dễ”, Nhung chia sẻ.

Ông Lê Văn Ninh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên huyện đảo hiện không đón du khách. Đây là động thái nhằm bảo vệ người dân trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại một số địa phương.

“Chúng tôi chưa biết đến thời điểm nào hoạt động du lịch tại địa phương mới được phục hồi, hiện tại những tác động của dịch bệnh là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập và đời sống của bà con”, ông Ninh nói.

Lê Danh

Đột ngột đứt gãy: Sân bay Nội Bài vắng lặng, hàng quán thê thảm

Đột ngột đứt gãy: Sân bay Nội Bài vắng lặng, hàng quán thê thảm

Vắng khách, sân bay Nội Bài những ngày này hoàn toàn khác biệt so với cảnh chen chúc xếp hàng chờ làm thủ tục dịp lễ 30/4-1/5. Dịch Covid-19 bùng phát khiến nơi đây trở nên lặng lẽ. Ai ai cũng cẩn trọng.



Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét