Những sợi bánh to tròn, dai dai màu trắng trong như con tằm được chan đều với nước sốt cà ri sánh đặc, ăn kèm xíu mại hoặc thịt gà trở thành đặc sản nức tiếng vùng đất mũi.
Bánh tầm cay (hay còn gọi bánh tằm cay) là đặc sản vùng đất mũi Cà Mau. Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì bánh có sợi to, mập, màu trắng trông như những con tằm.
Bánh tằm cay là đặc sản dân dã nhưng đòi hỏi quá trình chế biến kỳ công từ khâu làm bột đến chế biến nước sốt và xíu mại. Để làm nên sợi bánh thơm ngon, người Cà Mau chọn gạo ngon, ngâm qua đêm rồi xay thành bột. Hòa bột gạo với nước theo tỉ lệ nhất định rồi đun liu riu trên bếp lửa cho đến khi thu được hỗn hợp sền sệt dạng hồ.
Khi hồ đã nguội thì rắc một lớp bột khô trên cái mâm lớn hoặc đồ vật có bề mặt thật phẳng để chống dính rồi se thành từng sợi, đem hấp chín. Cách làm thủ công tuy tốn nhiều thời gian và công sức nhưng bù lại làm sợi bánh dai, ngon hơn.
Bánh tằm có thể chế biến thành nhiều kiểu với đủ mùi vị nhưng người Cà Mau vẫn thích nhất bánh tằm cay cà ri gà và xíu mại. Không chỉ chế biến kỳ công mà quá trình chọn lựa nguyên liệu cũng đòi hỏi sự khéo léo.
Nếu thịt gà mang đến cái dai dai hấp dẫn thì xíu mại lại tạo ấn tượng với vị thịt ngọt, vị mỡ béo hòa trộn trong miệng. Riêng xíu mại phải được làm từ loại thịt lợn ngon có cả nạc lẫn mỡ, thêm gia vị vừa vặn rồi nặn thành các viên to tròn để khi kết hợp với nước sốt cà ri vẫn thấy được mùi vị riêng.
Đặc biệt, nước sốt cay đậm mùi cà ri chính là linh hồn của món ăn. Để làm nên nước sốt cà ri đậm đà đặc trưng, người ta phải rang các loại gia vị như đinh hương, đại hồi, bột nghệ, quế chi, hạt mùi khô và ớt khô cho đến khi dậy mùi thơm rồi đem nghiền thật mịn.
Nước sốt luôn được đun nhỏ lửa trên bếp để giữ nóng. Khi khách gọi món, người bán mới bắt đầu bày biện và làm đồ ăn.
Bánh tằm được bày ra đĩa, sau đó cho giá đỗ, rau húng quế, xà lách, tiết, mề và thịt gà lên trên. Nếu thực khách muốn thưởng thức xíu mại thì người bán sẽ cho thêm hai ba viên xíu mại to, tròn quay nóng hổi. Sau đó múc nước sốt cà ri sền sệt, nóng hổi, rưới ngập đĩa bánh đầy đủ nguyên liệu ăn kèm. Khi ăn, vắt thêm chút quất (tắc), chấm kèm với muối ớt chanh.
Suất bánh đầy đặn với nước sốt cà ri sóng sánh, chan hòa trong từng sợi bánh. Thực khách lấy đũa đảo đều để sợi bánh tơi ra, ngấm vị của nước sốt. Vị cay nồng, nóng hổi của cà ri với vị ngọt béo bùi của xíu mại kết hợp với sợi bánh tằm thơm ngon tạo nên nét tinh hoa, "cái hồn" của món ăn nói riêng và ẩm thực đất mũi nói chung.
Ngoài 2 vị truyền thống được yêu thích, một số quán ăn ở Cà Mau còn cho thêm nước dừa tươi hoặc nước mía, vò với ít lá chanh non để tăng mùi thơm và độ ngọt cho nước sốt, tạo hương vị đặc trưng riêng đủ làm thực khách say đắm ngay từ lần đầu thưởng thức.
Với nhiều người dù thưởng thức bánh tằm cay lần đầu hay đã ăn nhiều lần thì đều không tránh khỏi việc "đổ mồ hôi, rơi nước mắt" nhưng cái vị ngọt đậm, chua thanh, mặn mà của thứ bánh dân dã khiến ai ăn một lần cũng nhớ mãi.
Nếu ghé thăm Cà Mau, bạn có thể dễ dàng tìm kiếm và thưởng thức bánh tằm cay tại các quán ăn vỉa hè, khu chợ,... Mỗi suất bánh tằm cay có giá khoảng 25.000 - 35.000 đồng. Thực khách có thể thưởng thức món bánh đồng quê đặc trưng của vùng đất mũi vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày.
(Theo Dân Trí)
Người làm nghề thức thâu đêm làm thứ bánh 'giết' sâu bọ
Dịp Tết Đoan Ngọ, người làm nghề ở các cơ sở làm bánh ú tro tại Quảng Nam lại tất bật vào vụ. Công việc làm bánh kéo dài trong 4 ngày, thường bắt đầu từ rạng sáng đến tận tối mịt để kịp giao hàng.
Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét