Chấp hành mệnh lệnh đóng cửa để phòng chống đại dịch nhưng không ít chủ quán karaoke Hà Nội ngậm ngùi, lo lắng trước nguy cơ phá sản nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài.
Từ 0h ngày 30/4/2021, UBND TP.Hà Nội chỉ đạo đóng cửa dịch vụ karaoke, game, quán bar, vũ trường để phòng chống đại dịch COVID-19 đang lây lan mạnh mẽ. Một lần nữa, các hàng quán karaoke buộc phải cửa đóng then cài vì dịch bệnh.
Quanh các con phố như Bùi Thị Xuân, Nguyễn Khang, Linh Lang…những quán karaoke từ bé đến lớn, càng hoành tráng, xa xỉ thì nay khi đóng cửa càng im lìm, buồn thảm.
Nếu dịch bệnh còn kéo dài, X-men club có thể phải phá sản. |
Chia sẻ với PV VTC News, anh Đàm Tuấn, quản lý quán karaoke X-men club (La Thành, quận Đống Đa) buồn bã nói: “Dịch bệnh tạm thời lắng xuống vào khoảng đầu tháng 4 nhưng đến cuối tháng 4 lại lập tức bùng phát, các cơ sở kinh doanh karaoke chỉ hoạt động được chưa đầy một tháng đã phải đóng cửa. COVID-19 kéo dài khiến những người kinh doanh karaoke như tôi chết lâm sàng trong một thời gian dài, vừa mới tỉnh được 1 tháng thì bây giờ lại gục đổ và nguy cơ chết hẳn”.
Anh Tuấn cho biết, chỉ riêng tiền mặt cho căn cao tầng nhà rộng rãi giữa phố La Thành, X-men club đã tốn cả trăm triệu đồng mỗi tháng. Đến hiện tại, cơ sở này cũng đang gắng gượng. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài trong vài tháng nữa, quán karaoke này buộc phải phá sản.
Hầu hết những quán karaoke nằm trên tuyến phố La Thành đều chung cảnh ngộ. Tuy ủng hộ phương án đóng cửa vì "càng sớm kiểm soát được dịch bệnh thì càng sớm được hoạt động trở lại", song nhiều chủ quán vẫn không khỏi lo lắng vì nguy cơ phá sản đang hiện hữu. MC Queen, một quán karaoke to đẹp lộng lẫy khác nằm trên tuyến phố này cũng chẳng khá khẩm hơn. Các nhân viên ở đây cho biết, quán đóng cửa liên tục mà tiền mặt bằng thì đều đặn tháng nào cũng phải trả.
Quán karaoke MC Queen to đẹp lộng lẫy nay phải cửa đóng then cài. |
Một quán karaoke khác trên đường Nguyễn Khang (Cầu Giấy) cũng có thể buộc phải phá sản trong thời gian không lâu nữa nếu dịch bệnh vẫn tiếp diễn. Chủ cơ sở này trăn trở: “Đáng lo nhất là anh chị em làm nhân viên phục vụ tại quán mất công ăn việc làm. Thời gian dịch bệnh trước, nhân viên về quê hết, vậy mà mới vừa đi làm lại được mấy ngày đã phải “khăn gói quả mướp" trở về".
Không ít các quán karaoke có quy mô nhỏ hơn, vốn ít hơn đã phá sản ngay khi dịch bệnh đợt này tái phát. Tom karaoke, nằm trên phố Bùi Thị Xuân (quận Hai Bà Trưng), buộc phải ngừng hoạt động hẳn cách đây không lâu. Chủ quán cho biết, do không phát sinh doanh thu, anh không chịu được tiền mặt bằng nên đã buộc "dừng cuộc chơi".
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với F5 Karaoke (Mỗ Lao, Hà Đông), Star Karaoke (Tây Mỗ, Nam Từ Liêm), đã nghỉ hẳn việc kinh doanh ngay khi dịch bùng phát hôm trước kỳ nghỉ lễ 30/4 vừa rồi. Các chủ quán gọi đùa đây là cái chết thực sự, không như những lần "chết lâm sàng" trước đó,
Khi được hỏi về việc kinh doanh karaoke thất thu vì COVID-19 như thế nào, anh Nguyễn Huy Hoàng, chủ quán karaoke Hoa Quả Sơn tại Dương Nội, Hà Đông dí dỏm: “Có phát sinh tí doanh thu nào đâu mà thất thu. Vừa rồi được mở cửa chưa đầy 1 tháng, khách cũng ít đến hơn hẳn so với trước dịch nên doanh thu cũng chẳng thấm vào đâu”.
Vừa mới mở cửa chưa được 1 tháng, các quán karaoke đã lại phải tiếp tục đóng cửa dài hạn, thậm chí nhiều nơi gục ngã hẳn. |
Trong hơn 20 năm kinh doanh karaoke, đây là lần đầu tiên mà anh Hoàng chứng kiến sự tác động mạnh mẽ của dịch bệnh lên công việc của mình. Anh cho rằng, nếu tình hình này kéo dài, nhiều người kinh doanh karaoke có thể sớm phải chấp nhận dừng kinh doanh nhằm bảo toàn vốn.
“Đây nhà mình thì không phải thuê, chứ những nhà khác người ta còn phải thuê nhà. Mà tiền thuê nhà còn phải đi vay ngân hàng nữa thì chắc cũng không trụ vững được bao lâu nữa", anh Hoàng nói.
(Theo VTC News)
Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét