8 tháng 5, 2021

Nguyên nhân khiến nhiều loại thịt tăng giá

Nguyên nhân chính là do thức ăn chăn nuôi tăng giá trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 60%-70% chi phí sản xuất.

Thời gian gần đây, giá hàng loạt mặt hàng thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp lẫn người chăn nuôi heo, gà, vịt, cá, tôm...

Lo chẳng còn ai dám chăn nuôi

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Đinh Thị Xuân, Giám đốc Công ty cổ phần Gà giống Châu Thành, cho biết tình hình kinh doanh gà giống của công ty đang rất khó khăn, cơ cấu đàn đã giảm 50% chỉ còn 5.000 con gà đẻ. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.

“Từ đầu năm đến nay, giá mỗi bao cám làm thức ăn cho gà đã tăng 60.000-70.000 đồng. Giá cám tăng cao nên người dân không dám tái đàn vì sợ thua lỗ. Chúng tôi phải hạ giá con giống xuống dưới giá thành mà vẫn không có người mua. Nếu giá cám cứ tăng lên như thế này thì chẳng có ai dám chăn nuôi” - bà Xuân thở dài.

Ông Bùi Minh Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Go Fresh Việt Nam, chuyên sản xuất trứng gà thảo dược, cũng cho biết hiện giá thức ăn chăn nuôi đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2020.

“Trang trại của chúng tôi có 3 vạn con gà, trung bình mỗi ngày riêng tiền thức ăn tăng thêm 6 triệu đồng. Giá thành sản xuất tăng lên nhưng chúng tôi không dám tăng giá bán vì sợ mất khách. Tình trạng này không biết sẽ cầm cự được bao lâu nữa” - ông Minh Anh lo lắng.

Tổng thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Tất Thắng cho biết thức ăn chăn nuôi bắt đầu tăng giá từ giữa năm 2020. Tính đến nay, giá mặt hàng này đã trải qua 5-6 lần điều chỉnh với mức tăng 30%-50%, thậm chí có nguyên liệu tăng lên 100% như vitamin, acid amin, chất khoáng...

Trong chăn nuôi, chi phí thức ăn chiếm 60%-70% chi phí sản xuất nên khi thức ăn tăng giá sẽ làm tăng giá thành sản xuất. Nguồn cung giảm đi do nhiều người chăn nuôi không dám tái đàn, cộng với giá thành sản xuất tăng lên sẽ đẩy giá bán thành phẩm (thịt heo, gà, vịt…) lên cao.

“Năm vừa qua, giá thịt heo tăng rất cao, trong đó có một phần nguyên nhân từ tăng giá thức ăn chăn nuôi. Với tình trạng như hiện nay, khả năng giá các sản phẩm chăn nuôi ra ngoài thị trường sẽ tăng lên, người tiêu dùng bị ảnh hưởng” - ông Thắng nói.

Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, trong quý I-2021, riêng giá gà thịt tăng 28,5% tại miền Bắc, 10,4% tại miền Trung và 5,5% tại phía Nam. Giá các sản phẩm vịt cũng nhích dần lên, trong đó giá vịt Super M tăng trung bình 15%-20%. Khảo sát trên thị trường cho thấy giá nhiều mặt hàng như thịt heo, bò, gà, cá… neo ở mức cao, thậm chí nhiều nơi còn tăng so với tháng trước.

Theo dự báo của các chuyên gia, giá các sản phẩm gia cầm như gà, vịt đang có chiều hướng tăng và sẽ tăng cao vào thời điểm từ tháng 5 đến tháng 7.

{keywords}
Giá các sản phẩm như heo, gà, vịt đang có chiều hướng tăng. Ảnh: Tú Uyên

Tăng do đầu cơ?

Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong quý I-2021 tiếp tục tăng. Cụ thể, ngô hạt tăng 20,3% lên mức 7.371 đồng/kg; khô dầu đậu tương tăng 12,9% lên mức 13.533 đồng/kg... Từ cuối tháng 4 đến nay, giá một số nguyên liệu như ngô, lúa mì có xu hướng tăng nhanh.

Có nhiều nguyên nhân đẩy giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong thời gian vừa qua. Chẳng hạn, giá các loại ngũ cốc trên thị trường thế giới tăng cao và thiết lập ở mặt bằng giá mới do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến chi phí vận chuyển tăng; các thị trường cung cấp nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi như Brazil bị hạn hán, ảnh hưởng đến sản lượng ngô; nhu cầu thu mua nguyên liệu của Trung Quốc tăng cao...

Ông Nguyễn Xuân Dương, nguyên Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết thêm: “Có một nguyên nhân nữa mà chúng tôi đang nghiên cứu là các tổ chức tài chính đầu cơ. Họ chuyển từ đầu cơ vàng, đầu cơ cho các nhà máy… sang đầu cơ ngũ cốc. Có thể đây là nguyên nhân chính”.

Tuy nhiên, dù nguyên nhân thế nào thì việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu của Việt Nam đã tác động mạnh đến ngành chăn nuôi trong nước. Năm 2020, Việt Nam sản xuất được hơn 20 triệu tấn thức ăn chăn nuôi nhưng có đến 80% nguyên liệu sản xuất như ngô, đậu tương, cám mì, cám gạo, yến mạch… phải nhập khẩu.

Ông Nguyễn Tất Thắng, Tổng thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam, chỉ ra nghịch lý khi ngành chăn nuôi của Việt Nam chiếm tỉ trọng 38%-40% tổng giá trị sản phẩm sản lượng nông nghiệp, song lại không có đất để trồng các loại cây phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi.

“Mỗi năm Việt Nam sản xuất được khoảng 7 triệu tấn ngô, 3-4 triệu tấn sắn, hơn 1 triệu tấn đậu tương… Đây là những nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi nhưng lại được ưu tiên dùng cho nhiều nguồn khác nhau như làm thực phẩm cho con người, làm nguyên liệu cho công nghệ sinh học, thực phẩm và phục vụ xuất khẩu. Do vậy, nguyên liệu dành cho sản xuất thức ăn chăn nuôi luôn thiếu, buộc phải nhập khẩu” - ông Thắng cho biết.

Vậy giải pháp ứng phó như thế nào? Tổng thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng trong ngắn hạn các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ nên chủ động chuyển sang sản xuất hữu cơ, sử dụng các nguyên liệu sẵn có ở địa phương, tự chế biến thức ăn chăn nuôi và ít phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp. Như vậy vừa giúp giảm giá thành sản xuất mà giá trị sản phẩm tăng lên.

Về lâu dài cần có chiến lược giảm bớt phụ thuộc nhập khẩu, bằng cách khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư sản xuất thức ăn chăn nuôi; dành một tỉ lệ thích đáng đất nông nghiệp cho trồng trọt, sản xuất các nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi.

“Mặt khác, Việt Nam là nước nông nghiệp. Trong quá trình chế biến nông lâm thủy sản có hàng chục triệu tấn phụ phẩm, chủng loại phong phú như bã dứa, bã sắn, men bia, phụ phẩm lò mổ, mỡ cá tra, vỏ đầu tôm... Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các chủ thể đầu tư nghiên cứu áp dụng công nghệ mới để sử dụng các phụ phẩm này chế biến thành thức ăn cho chăn nuôi, như vậy cũng giảm bớt sức ép từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu” - ông Thắng nói.

{keywords}
Thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến người chăn nuôi gặp khó khăn.
Ảnh: An Hiền

Kiến nghị giảm thuế nhập khẩu ngô, đậu tương, lúa mì

Cục Chăn nuôi cho biết nhằm kiểm soát giá và thị trường thức ăn chăn nuôi, cục đã tham mưu Bộ NN&PTNT kiến nghị Bộ Công Thương khẩn trương tiến hành đàm phán song phương với các nước mà Việt Nam nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như Mỹ, Argentina, Brazil, Ấn Độ… Qua đó để họ có thể có chính sách ưu đãi về giá, ưu tiên đáp ứng đủ số lượng và đảm bảo chất lượng nguyên liệu thức ăn cho thị trường thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.

Đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính có chính sách tạm thời giảm thuế nhập khẩu ngô, khô dầu đậu tương và lúa mì trong thời gian ngắn hạn; giảm mức thu phí lưu kho, lưu bãi với nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu…

(Theo Pháp Luật TP.HCM)



Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét