17 tháng 5, 2021

Ngửi mít thuê, nấu muối: Nghề kỳ lạ chỉ có ở Việt Nam

Nghề “ngửi mít thuê” xuất hiện ở Việt Nam từ vài năm nay, giúp thương lái tìm mua được những quả mít ngon. Ở Bến Tre có một nghề lạ là nấu muối, giúp những hạt muối thô, bẩn thành những hạt muối trắng ngần.

'Ngửi mít thuê', nghề lạ kiếm tiền triệu mỗi ngày

Báo Dân Việt cho biết, gần đây, mít Thái được coi là cây trồng chủ lực tại một số tỉnh Nam Bộ. Đặc biệt, trong khoảng 4 năm lại đây, mít thương phẩm được thương lái thu mua tận vườn để xuất khẩu sang Trung Quốc với giá cao. Mít bán được giá cao đồng nghĩa với việc hàng ngày, thương lái đến tận vườn để mua gom mít, những người làm nghề “ngửi mít thuê” cũng xuất hiện từ đó.

{keywords}

Khác với cò mít là những người dẫn vào vườn mít thu mua, những người ngửi mít thuê là người đi cùng thương lái đến vườn để xác định độ già của mít và đảm nhận công việc hái mít cho chủ vườn. Nhờ những người làm nghề này, thương lái có thể tìm mua được những vườn mít già, ngon và chất lượng, giảm thiểu rủi ro khi mua phải mít non hay mít nhiều xơ đen.

Người ngửi mít thuê “có tiếng tăm” có thể kiếm được cả triệu đồng mỗi ngày. Nhưng theo anh Lê Văn Ngọc (trú tại thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước), nghề này không phải ai cũng làm được, nếu hái trúng trái còn non, bị xơ đen không ngon thì không ai dám thuê nữa.

Kỳ lạ nghề hòa muối thành nước rồi nấu trên chảo khổng lồ

Người ta thường phơi nước biển để lấy muối. Song ở Bến Tre, có nghề lạ lùng là hòa muối vào nước cho lên chiếc chảo khổng lồ đun cho cô đặc lại.

{keywords}
Bếp lửa nấu muối đồ sộ bằng kích thước chiếc chảo khổng lồ và rực lửa (Ảnh: Dân Trí).

Chị Nguyễn Thị Nính (chủ một xưởng nấu muối ở xã Đại Hòa Lộc, Bình Đại, Bến Tre) kể trên Báo Dân Trí, từ nhỏ chị đã thấy ông bà ngoại nấu muối, rồi mẹ chị cũng nấu muối, trong ấp cũng nhiều người nấu muối. Chị được dạy nấu muối từ khi còn con gái và giữ nghề cho đến bây giờ. "Nghề này cực lắm, luôn tay luôn chân, chỉ được nghỉ khi tắt bếp, chỉ lợi là mình chủ động, nắng mưa gì cũng có việc làm", chị Nính tâm sự.

Loài sen đất quý hiếm trong ngôi chùa 600 năm tuổi ở Hà Nội

VOV thông tin, chùa Bối Khê (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã trải qua 600 năm lịch sử, được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Đáng chú ý, trong khuôn viên chùa có ba cây hoa sen đất với những bông hoa sắc trắng tinh khôi độc đáo, hiếm có. Những cây hoa sen quý này đã có hàng trăm năm trong khuôn viên chùa.

Theo bà Phạm Thị Quyết, cư dân của làng Bối Khê, cây sen đất được trồng vài nơi ở miền Bắc nước ta nhưng rất ít khi nở hoa. Còn ở chùa Bối Khê, sen đất nở đều đặn, mỗi cây cũng chỉ nở độ mươi bông. Vì lý do đó mà nơi đây đã thu hút nhiều du khách đến vãn cảnh chùa và chiêm ngưỡng loài hoa quý hiếm này.

Cây mít lạ ở Bến Tre ra 200-300 trái

Tại hội thi trái cây ngon tỉnh Bến Tre năm 2018, nhiều khách tham quan thích thú và bất ngờ khi chiêm ngưỡng một chùm mít lạ 23 trái liên hoàn, mỗi trái có trọng lượng từ 2-2,2 kg có mùi thơm rất đặc biệt.

Chủ nhân của cây mít trên là ông Nguyễn Văn Xồi (ngụ xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách). Ông Xồi cho biết trên Báo Khoa Học Phổ Thông: “Đây là giống mít có nguồn gốc tại bản xứ mang tên Tố Tân, cây mít này do một người bạn đem tặng cách nay đã 25 năm. Mít có trái quanh năm, vị thơm ngon rất lạ, múi to, nhiều thịt, hạt lép, màu vàng nghệ rất đẹp. Từ khi trồng đến nay, tôi không hề bón bất kỳ một loại phân vô cơ hay hữu cơ nào hết. Mỗi năm cây cho 200 đến 300 trái”.

Cây mai vàng hơn 100 tuổi dáng thế độc lạ lập kỷ lục Việt Nam

Cây mai vàng hơn 100 năm tuổi có dáng thế rất độc đáo ở TP. Sa Đéc (Đồng Tháp) vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Độc bản tại Việt Nam”.

{keywords}
Lão mai vàng trăm tuổi (Ảnh: Báo Đồng Tháp)

Theo Báo Đồng Tháp, lão mai này thuộc sở hữu của anh Vũ Đức Đông (ngụ phường An Hòa, TP. Sa Đéc). Điểm độc đáo tạo nên giá trị khác biệt ở cây mai này là cây có một cành phóng vươn xa đến 5m, thuộc dạng hiếm có ở Việt Nam. Cây mai được tạo dáng thế mai nữ trông rất mềm mại với cành phóng vươn xa như đang chào đón mùa xuân nên được gia chủ đặt tên là “Nghinh xuân khánh hội”.

Quán bánh mì chảo 50 năm tuổi hấp dẫn thực khách ở Sài Gòn

Bánh mì Hòa Mã là một trong những tiệm bánh mì lâu đời nhất ở Sài Gòn. Thương hiệu bánh mì này có từ những năm 60 của thế kỷ trước. Nhờ cách chế biến độc đáo, hương vị đặc biệt mà bánh mì Hoà Mã khiến cho biết bao thực khách mê mẩn.

Không chỉ thu hút người dân Sài thành đến ăn, có rất nhiều du khách nước ngoài cũng tìm đến thưởng thức món bánh mì chảo lâu đời này. Giá của một phần bánh mì chảo là 52.000 đồng.

Lạ lùng món lẩu 'than thở' miền Tây, khách 'toát mồ hôi' thưởng thức

Báo Dân Trí cho hay, lẩu cù lao (còn gọi là lẩu thở, lẩu than) là món ngon "trứ danh" của các tỉnh miền Tây. Sở dĩ có tên gọi này vì người ta phải sử dụng một loại nồi nhôm có thiết kế đặc biệt, chuyên dùng để nấu lẩu là nồi cù lao.

{keywords}
Món lẩu cù lao hấp dẫn (Ảnh: @heofood).

Tùy theo mỗi địa phương và điều kiện từng gia đình mà nguyên liệu làm lẩu cù lao lại phong phú khác nhau. Song dù ở vùng nào thì trong lẩu cù lao bao giờ cũng có những nguyên liệu đặc trưng như gan heo (hoặc tim heo), mề gà (hoặc vịt), chả thát lát nặn hình trái cà na, chả hoa,... Không chỉ khác biệt với những món lẩu khác ở công thức mà lẩu cù lao còn có một số bí quyết chế biến riêng để tạo hương vị "trứ danh".

Giống gà lạ thích mát-xa, uống rượu, giá tiền triệu mỗi con

Những người chơi chim cảnh ở miền Tây gần đây rộ lên phong trào nuôi "gà lực sĩ". Giống gà này khá nhỏ bé khi con trống trưởng thành chỉ nặng chừng 400gr nhưng chúng có màu lông rất đẹp. Đặc biệt, "gà lực sĩ" có dáng đứng oai phong, thích mát-xa, uống rượu tỏi, có giá cả chục triệu đồng/con.

Giống gà này có tên là gà Serama, có nguồn gốc từ Malaysia. Về Việt Nam, vì dáng đứng độc của mình mà chúng thường được gọi là "gà lực sĩ". Gà Serama thuần chủng chỉ có duy nhất màu vàng, về Việt Nam thì được lai với gà tre nên có nhiều màu khác.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)



Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét