16 tháng 5, 2021

Khu chợ đồ xưa ở Hà Nội

Một buổi sáng thứ 7, nhóm người đàn ông cao tuổi đặt chân đến khu chợ đồ xưa trong con ngõ số 456 phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình.

Từ trong quê Thanh Hoá, họ - cùng làm công nhân ở một đơn vị cầu đường mấy chục năm trước, nay nghe thấy bảo ngoài Hà Nội có khu chợ đặc biệt lắm nên ao ước được một lần ra thăm. Anh con trai của một trong số họ đã đi ôtô về đón và đưa đến tận nơi. Đến gian hàng văn thư, tài liệu cũ, họ lật giở ra xem. 

Thật không thể ngờ rằng có một chồng tài liệu giấy đã ngả vàng, chữ đã mờ kia lại của chính đơn vị năm xưa, trong đó có một tập thẻ công nhân. Trời ơi! Chẳng phải thẻ của họ đây sao! Họ tên của từng người, địa chỉ, năm sinh, cả tấm ảnh đen trắng bé xíu dán trên thẻ vẫn còn rõ nét. Lúc ấy, giữa khu chợ đông đúc, họ ôm nhau khóc khi vô tình tìm lại được ký ức một thời. Lại có ông lão dắt đứa cháu đến chợ tìm mua chiếc quạt con cóc 35 đồng. 

{keywords}
Tám năm qua, sáng thứ bảy nào phiên chợ đồ xưa cũng đông đúc, nhộn nhịp

Chiếc quạt mà thời xưa cả đơn vị ông mới được một suất mua, ông được ưu tiên vì có con nhỏ. Chiếc quạt chạy phành phạch, cực nhọc gom gió cho cả nhà ông mỗi đêm hè, để các con ông dần lớn lên. Giờ ông muốn tìm mua lại cho đỡ nhớ, để cháu ông biết được rằng thời xưa cuộc sống vất vả như thế nào. Mua được quạt, ông cười rạng rỡ, say sưa giải thích, kể chuyện cho cháu nghe. Ở phiên chợ độc ấy, không đơn thuần chỉ là cuộc bán mua, mà có cả những giọt nước mắt và nụ cười của những người đi tìm thời gian đã mất…

Từ phố Hoàng Hoa Thám tấp nập chuyên bán cây và hoa, rẽ xuống một con dốc hun hút với những bậc cầu thang chật hẹp, sứt sẹo, ở giữa là đường dắt xe lên xuống y hệt cầu thang ở các khu tập thể cũ. Bước chân đến bậc cuối cùng là chạm khoảng sân rộng chừng 400m2 lát gạch đỏ mát mẻ yên bình dưới tán cây. Những gian hàng ở chợ đồ xưa bày biện lắt léo quanh gốc cây, trên bậc gạch, nương vào bờ tường, sinh động và bắt mắt đến không ngờ.

Ở góc trong cùng của chợ, Ali - anh bán hàng người Iran ngồi đây đã 2 năm nay. Gian hàng của anh nhỏ hẹp, các loại đá, nước hoa, huy chương, đồng hồ bày biện hơi lộn xộn. Tôi vẫn chú ý đến anh, không phải vì anh là người ngoại quốc duy nhất bán hàng ở chợ này, mà vì anh mặc một chiếc áo phông cờ đỏ sao vàng nổi bật. Tôi đến xem đồ và bắt chuyện, Ali sinh năm 1976, mê sưu tầm đồ độc lạ và đá quý. 13 gắn bó với Việt Nam đủ để anh thông thuộc mọi con phố của Hà Nội và lập gia đình ở đây, với một phụ nữ Việt Nam. Ali bán hàng nhanh mà mua cũng dễ, nhưng anh thích mua hơn là bán, vì thế anh thường ngồi đây đợi xem ai có gì hay đem bán thì mua.

{keywords}
Chị Bùi Thu Trang mang cả cậu con trai nhỏ đến chợ bán hàng

Sáng thứ 7 nào Ali cũng chăm chỉ đi chợ. Dù đã đi đến cả chợ Đồng Xuân, chợ đồ xưa Vạn Phúc nhưng Ali đặc biệt thích khu chợ nhỏ xinh này vì nó không quá đông đúc, ồn ào như chợ Vạn Phúc; cũng không quá ngay ngắn, thẳng hàng thẳng lối, bày biện lớp lang như chợ đồ xưa ở Bảo tàng Hà Nội. Khoảng chợ nơi đây nhỏ bé nhưng không tù túng, chật chội; đông vui nhưng không nhộm nhoạm, xô bồ, đủ có một nét duyên riêng. Mọi việc bán mua chỉ diễn ra gọn nhẹ trong buổi sáng thứ 7 hàng tuần, đủ cho một dự định ấp ủ từ đầu tuần chờ đến cuối tuần, đủ thúc giục người bán người mua phóng xe từ mờ sớm để kịp đến chợ, đủ để cho những ai lỡ mất phiên chợ thì tiếc nuối, ngậm ngùi đợi đến thứ 7 sau.

Người mua người bán đến chợ này đều ít nhiều có nét độc dị, vì mê sưu tầm một loại đồ nào đó mà không tiếc thời gian, công sức, tiền bạc. Anh Phú nhà mãi Thanh Trì cũng khoái đồ ở chợ này. Tính anh thích đồ độc lạ, vì thế khi có ý định trồng mấy chậu hoa mà anh bỏ cả buổi đến chợ để tìm cho ra bộ nông cụ độc đáo. Mua được chiếc liềm và chiếc xẻng Nhật Bản, anh Phú vác đi khắp chợ.

Còn ông chủ chợ Kiều Quốc Khánh thì mê sưu tầm các loại xe máy, xe đạp nổi tiếng một thời. Từ chiếc xe máy Simson, xe MTZ của Liên Xô đến xe đạp Thống Nhất đều tạo niềm hứng khởi và đam mê. Ngày 6-8-2013, buổi chợ đầu tiên diễn ra ở khoảng sân rợp bóng cây, bắt nguồn từ ý tưởng ban đầu của ông chủ chợ muốn bày hàng giao lưu, gặp gỡ với anh em bạn bè có chung niềm say mê sưu tập đồ xưa. Theo lời mời của ông chủ chợ, hơn chục hàng bày ra, từ mảng đồ đồng, đồ thời bao cấp, thời chiến tranh đến tài liệu - văn thư, sách báo, tranh tượng, tiền cổ, đá các loại hợp lại cho xôm tụ. Chưa cần mua, chỉ đến ngắm suông cũng thấy mê. Ai đã đến một lần thì sẽ đến nhiều lần nữa… Nơi đây còn là địa chỉ lý tưởng cho các đoàn làm phim đến mua đồ làm đạo cụ. Người nọ rỉ tai người kia, khiến người đến chợ bán hàng, mua hàng ngày một đông. Gần 60 gian hàng, mỗi gian rộng chỉ chừng 1m2 phủ kín khoảng sân 400m2, muốn bán nhiều hơn, ngồi đông đúc hơn cũng không có chỗ.

Phiên chợ đồ xưa có nhịp độ chậm rãi, âm thanh đủ độ, không chói gắt, không chao chát, những cuộc trả trá cũng nhẹ nhàng, nhã nhặn. Càng gần trưa chợ càng đông. Người ta đến bán đồ cổ xưa, tặng luôn cả kỉ niệm, sự hiểu biết về món đồ cho người mua. Một ông giáo sư, một họa sĩ, kỹ sư, sinh viên đại học,… đều tìm đến mua đồ ở khu chợ này. Họ không đơn thuần mua một hiện vật, họ mua vốn kiến thức về món đồ, từ nguồn gốc, xuất xứ đến chất liệu, thậm chí biết được cả hành trình tìm được món đồ đó. Họ được ngắm nghía bao lâu tuỳ thích, thoải mái bàn luận, thẩm định giá trị của món đồ. Có người đến đây chỉ để tận mắt nhìn thấy, sờ thấy những đồ vật vẫn hằn trong kí ức của họ, gắn với cuộc sống của họ một thời. Lại có người bị giật mình bởi đã quên bẵng một đồ dùng nào đó đã biến mất từ lâu trong đời sống lại vẫn tồn tại ở khu chợ này. Giật mình nhận ra đời sống hôm nay đã có quá nhiều thay đổi.

Chả cứ gì cánh nam giới mà cả phụ nữ cũng mê đồ độc lạ. Chị Đỗ Bích Phượng, cả chợ gọi là Phượng "ớt" ở Hà Đông lên đây bán đồ đá từ buổi đầu cho đến bây giờ. 8 năm qua, những người bán hàng đã trở nên thân thiết như người một nhà, khi hàn huyên tâm sự, khi họp mặt đầu năm, tổng kết cuối năm. Chị Phượng "ớt" bảo càng giáp tết chợ càng đông vui, đồ bày bán càng nhiều, nhất là đồ đồng. Thứ 7 cuối cùng của năm, chợ vẫn chật kín người. Thứ 7 đầu tiên của năm cũng đông vui không kém.

Vợ chồng chị Bùi Thu Trang đẩy cả cậu con trai nhỏ đến chợ bán hàng. Cậu bé đã quen với cảnh chợ, cười hớn hở. Hai vợ chồng chị Trang cùng mê đồ trang sức, tay họ đeo đầy những vòng, nhẫn độc đáo và hàng bán cũng là đồ trang sức và trang trí bắt mắt. Chị Trang bảo, khi chưa có dịch COVID-19, có nhiều khách nước ngoài mê chợ này thường hay đến đây. Giờ chỉ còn mỗi anh người Iran với quầy hàng ở góc chợ kia là người ngoại quốc ở chợ này.

Hàng hoá ở khu chợ này là những món hàng độc lạ và có tuổi. Đến chợ, có cảm giác được quay về nhiều mốc thời gian trong quá khứ. Từ một không khí rất Việt Nam với những đồng tiền cổ, tờ tem phiếu thời bao cấp, đèn dầu, mâm đồng, đến cảm giác rất Tây với đồng hồ Liên Xô, kính cổ Pháp, ống nhòm Anh, máy quay đĩa than Đức,…  Mỗi món đồ bày bán là kết quả của việc tìm kiếm kì công, của những bước chân lang thang khắp mọi miền, đôi khi tình cờ lại thấy, nhưng nhiều khi cố công đi tìm cũng chẳng ra.

Những món đồ ở đây không hề được sửa chữa, làm mới, cứ tự nhiên nhất, cũ kĩ nhất mà trưng ra. Có khi càng cũ thì càng quý, càng đắt hàng. Một chiếc ca nhôm sứt sẹo, chiếc máy ảnh cũ kĩ, cuốn tạp chí ôtô có từ thế kỉ trước đã quăn mép, rách gáy nhưng quý giá ở khoảng thời gian lưu thấm vào đó, ở những kỉ niệm gợi nhắc, những ý nghĩa văn hoá, lịch sử bao chứa.

Hàng hoá của anh Vũ Văn Phong ở Từ Sơn, Bắc Ninh là đầu đạn, đèn dầu chế từ vỏ bom cam khía từ chiến tranh chống Mỹ, mũ sắt, bi đông, huân huy chương, võng, dù, máy thu phát sóng vô tuyến điện gợi nhắc thời chiến tranh khốc liệt. Chú  Nguyễn Đức Phi chuyên đồng hồ. Từ đồng hồ quả lắc đến đồng hồ Nga hình con gà mổ thóc, đồng hồ cô gái xoè ô, đồng hồ hướng dương Nga mỗi tuần lên dây cót một lần. Chú Phi có chiếc gương soi của Nga từ thập niên 80 của thế kỉ trước mang đi chợ bày, nhưng rồi có ông khách mê quá, vật nài chú mua bằng được.

Chú bảo đi chợ này vui lắm, chả mấy khi tính đến lãi lờ, lãi là khi "vớ" được món đồ xịn xò, là khi được tán chuyện với mấy tay chơi đồ cổ có nghề. Ngày mưa cũng như ngày nắng, sáng sớm tinh mơ ngày thứ 7, chú Phi gói ghém hàng hoá, chất lên xe máy phóng từ nhà ở phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng đến chợ. 12 giờ trưa chú lại gói ghém chở về. Có buổi lúc về nhẹ hơn lúc đi, ấy là khi chú sang tay được mấy món hàng. Có hôm, lúc về lại nặng hơn khi chú mua thêm được vài thứ độc lạ. Dù thế nào thì chú cũng thấy thú, thấy vui.

(Theo An Ninh Thế Giới)



Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét