Doanh nghiệp "tí hon" nhưng lại trúng thầu mỏ cát "khổng lồ" hay việc đấu giá kịch tính tại mỏ cát đang là những câu chuyện vô cùng ly kỳ, hấp dẫn.
Có phải "trâu buộc ghét trâu ăn"?
Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ T-S. Home (Công ty T-S Home) chính là doanh nghiệp đã trúng thầu đấu giá quyền khai thác mỏ cát trên sông Tiền (xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) với giá 2.811 tỷ đồng gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, quy mô của doanh nghiệp trúng thầu mỏ cát ngàn tỷ cũng khiến nhiều người giật mình.
Việc đấu giá mỏ cát trên sông Tiền, tỉnh An Giang đang gây xôn xao dư luận trong những ngày qua. |
Theo thông tin đăng ký, Công ty T-S. Home được thành lập ngày 23/1/2018. Doanh nghiệp hiện có trụ sở tại số 14, đường số 11, Khu dân cư Ven Sông, phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM. Công ty T-S Home do ông Hồ Quang Thái Dũng làm đại diện pháp luật.
Theo ghi nhận của Dân trí, trụ sở công ty T-S Home chỉ treo một tấm bảng nhỏ dài khoảng 2 gang tay ghi tên công ty. Tấm bảng khiêm tốn này nằm khuất dưới những chậu lan, cây cảnh xum xuê. Ngoài Công ty T-S Home, địa chỉ nói trên còn là trụ sở của một doanh nghiệp chuyên kinh doanh bất động sản.
Tấm bảng ghi tên Công ty T-S Home trên hàng rào (Ảnh: Đại Việt). |
Ông T., chủ ngôi nhà nói trên cho biết, Công ty T-S Home đóng trụ sở tại đây và vẫn làm việc bình thường. Lãnh đạo Công ty T-S Home là bà con họ hàng của gia đình ông. Những ngày gần đây, ông liên tục bị phiền phức bởi nhiều người đứng trước nhà hiếu kỳ, chụp ảnh.
"Tôi thấy việc đấu giá mỏ cát ở An Giang là công khai, minh bạch. Đâu phải doanh nghiệp nhỏ là không thể làm được dự án lớn. Đâu phải nhìn cơ sở vật chất khiêm tốn là không có tiền. Công ty T-S Home hoàn toàn có thể hợp tác với các đơn vị khác để thực hiện dự án. Nếu không thực hiện dự án thì T-S Home phải chấp nhận mất các khoản chi phí đã bỏ ra trị giá hàng tỷ đồng", ông T. nói.
Theo ông T., dù cho công ty T-S Home có kết hợp với một đơn vị khác để thực hiện dự án cũng là điều hết sức bình thường. Các doanh nghiệp trúng thầu vẫn thực hiện đúng các quy định pháp luật, nộp các khoản thuế cho Nhà nước khi khai thác cát. Việc này còn tốt hơn gấp ngàn lần so với việc khai thác cát lậu diễn ra tràn lan khắp mọi nơi và Nhà nước không thu được tiền thuế.
Cũng theo ông T, qua vụ việc của công ty T-S Home, ông nghi ngờ có tình trạng "trâu buộc ghét trâu ăn" khi thấy một mỏ cát ở An Giang lại do một doanh nghiệp ở TP.HCM trúng thầu.
Trụ sở Công ty T-S Home tại Khu dân cư Ven sông, phường Tân Phong, quận 7 (Ảnh: Đại Việt). |
Được biết, ngay sau khi thành lập Công ty T-S Home, doanh nghiệp này đăng ký 20 ngành, nghề kinh doanh. Trong đó, ngành nghề kinh doanh chính là "giặt là, làm sạch các sản phẩm dệt và lông thú". Vốn điều lệ doanh nghiệp là 9 tỷ đồng. Trong đó ông Hồ Quang Thái Dũng góp 5 tỷ đồng (55,56% vốn), bà Huỳnh Thị Phượng góp 4 tỷ đồng (44,44% vốn). Ông Dũng chính là Giám đốc kiêm đại diện pháp luật của công ty.
Đến tháng 7/2020, T-S Home nâng vốn điều lệ lên 27 tỷ đồng, trong đó cơ cấu cổ đông không thay đổi. Ông Dũng đóng 23 tỷ đồng (tăng 18 tỷ đồng, chiếm 85,185% vốn), bà Phượng vẫn giữ nguyên mức vốn góp là 4 tỷ đồng (14,815% vốn)
Tháng 10/2020, T- S Home mới đăng ký thay đổi hoạt động kinh doanh chính sang lĩnh vực: Chuẩn bị mặt bằng (làm sạch mặt bằng xây dựng; đào lấp san bằng mặt bằng xây dựng; khoan thăm dò, khoan lỗ kiểm tra...)
Công ty T-S Home đang đăng ký nộp thuế tại Chi cục Thuế Khu vực quận 7 - huyện Nhà Bè.
Đại diện Chi cục Thuế khu vực quận 7 - huyện Nhà Bè cho biết, Công ty T-S Home vẫn đang kê khai và nộp thuế tại đơn vị này. Doanh nghiệp có phát sinh doanh thu và vẫn nộp tờ khai thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, lệ phí môn bài. Tuy nhiên, số thuế cụ thể mà doanh nghiệp đã nộp không được cơ quan chức năng tiết lộ.
Dân trí đã cố gắng liên lạc với ông Dũng - đại diện pháp luật Công ty T-S Home - để tìm hiểu thêm thông tin từ người trong cuộc. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thể liên lạc được với người này.
Cuộc đấu giá "không khoan nhượng" giành mỏ cát ngàn tỷ
Như Dân trí đã thông tin, ngày 26/3, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh An Giang tổ chức các cuộc đấu giá quyền khai thác mỏ cát trên sông Tiền (xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới) và mở cát trên sông Hậu (xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú).
Bà Đặng Nguyễn Hồng Châu - Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh An Giang (thuộc Sở Tư pháp An Giang) - cho biết, đơn vị được UBND tỉnh An Giang chọn để tổ chức đấu giá quyền khai thác mỏ cát trên sông Tiền khối lượng 3 triệu m3 cát, giá khởi điểm 7,2 tỷ đồng; mỏ cát trên sông Hậu trữ lượng 1,5 triệu m3 cát, giá khởi điểm 4,4 tỷ đồng. Giá khởi điểm 2 mỏ cát do UBND tỉnh An Giang ấn định.
Mỏ cát trên sông Tiền có 19 doanh nghiệp tham gia, trải qua 45 vòng đấu. Mỏ cát trên sông Hậu có 16 doanh nghiệp tham gia với 10 vòng đấu.
Đối với mỏ cát sông Tiền, cuộc đấu giá rất kịch tính khi các doanh nghiệp rượt đuổi đấu giá rất quyết liệt.
Tuy nhiên, đến vòng 30 chỉ còn 2 doanh nghiệp tham gia đấu giá là Công ty T.S Home và Công ty khai thác vật liệu Trầm Tích (cả 2 công ty này đều có trụ sở ở TP.HCM). Kết quả cuối cùng, Công ty T.S Home trúng quyền khai thác cát với giá 2.811 tỷ đồng.
Còn đối với mỏ cát trên sông Hậu, đến vòng đấu thứ 8 chỉ còn 3 doanh nghiệp (Công ty TNHH Phúc Thành Tân Châu, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tâm Phát Phú Quốc và Công ty khai thác vật liệu Trầm Tích) tham gia.
Kết quả, Công ty Phúc Thành Tân Châu trúng quyền khai thác mỏ cát này với giá 273 tỷ đồng.
Mỏ cát trên sông Tiền (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) có trữ lượng khoảng 3 triệu m3. |
Theo hồ sơ, mỏ cát trên sông Tiền có quy mô khai thác 60,3ha, độ sâu -16m, vị trí cách bờ 200m. Mỏ cát trên sông Hậu có quy mô 58,3ha, độ sâu dự kiến -14m, vị trí khai thác có tọa độ và cách bờ 15m.
Doanh nghiệp trúng đấu giá bỏ cọc thì sẽ đấu giá lại
Nhận định về kết quả đấu thầu quyền khai thác mỏ cát trên sông Tiền, sông Hậu, bà Đặng Nguyễn Hồng Châu chia sẻ: "Khi tổ chức cuộc đấu giá 2 mỏ cát trên sông Tiền, sông Hậu, đơn vị này đã đảm bảo tính độc lập, trung thực, công khai, khách quan, bảo vệ quyền và lợi ích của người tham gia đấu giá và đơn vị là chủ tài sản được đấu giá. Chính nhờ cách làm đó đã mang lại nguồn thu cao nhất cho ngân sách Nhà nước khi 2 doanh nghiệp trúng quyền khai thác 2 mỏ cát nộp trên 3.000 tỷ đồng cho địa phương".
Theo bà Châu, khi tổ chức đấu giá, tài sản được đấu giá tăng cao so với giá khởi điểm hàng chục, hàng trăm lần là chuyện bình thường. Vì mục đích của trung tâm đấu giá là làm sao việc tổ chức đấu giá, nhất là tài sản công được thực hiện đúng quy định pháp luật và mang lại nguồn thu cao nhất cho ngân sách Nhà nước.
"Đây cũng là điều chúng tôi muốn người dân nhìn nhận, thay vì nghĩ đến chuyện cuộc đấu giá "thế này thế kia". Vì nếu làm không tốt, các đơn vị đấu giá họ bắt tay nhau, kết quả trúng đấu giá chỉ chênh lệch so với giá khởi điểm vài lần là thiệt hại cho ngân sách", bà Châu nói.
Cũng theo bà Châu, trong trường hợp doanh nghiệp trúng quyền khai thác mỏ cát bỏ tiền cọc (15% so với giá khởi điểm, tức hơn 1 tỷ đồng), đơn vị sẽ hoàn thành hồ sơ để chuyển cho cơ quan chức năng An Giang xem xét, tiến hành các thủ tục đấu giá lại quyền khai thác mỏ cát. Không có chuyện doanh nghiệp trúng đấu giá "bỏ chạy" thì trao quyền khai thác cát cho doanh nghiệp đứng thứ 2.
Hiện nay, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh An Giang bàn giao cho chủ tài sản đấu giá là Sở Tài nguyên và Môi trường. Doanh nghiệp trúng quyền khai thác cát trên sông Tiền và sông Hậu sẽ liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện các bước tiếp theo như đóng tiền lần 1, làm thủ tục giấy phép khai thác mỏ cát…
(Theo Dân Trí)
Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét