Cách đâu không lâu, tỷ phú Jack Ma chỉ trích các ngân hàng Trung Quốc chẳng khác gì tiệm cầm đồ. Hiện, tập đoàn của ông bị buộc thay đổi mô hình và chịu quản lý giống ngân hàng.
Hôm 12/4, Bloomberg đưa tin Ant Group của tỷ phú Jack Ma bị cơ quan quản lý Trung Quốc yêu cầu trở thành một công ty holding, chịu quản lý giống các ngân hàng. Yêu cầu được đưa ra sau khi đợt IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) của Ant đột ngột hoãn vào năm ngoái.
Tại cuộc họp hôm 12/4, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ra lệnh cho Ant điều chỉnh lại hoạt động kinh doanh của tập đoàn trong 5 lĩnh vực, bao gồm loại bỏ cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh thanh toán, quản lý rủi ro thanh khoản của các sản phẩm quỹ, chấm dứt trình trạng độc quyền thông tin và cải thiện quản trị công ty, theo tuyên bố của chính quyền Bắc Kinh.
Cơ quan này cũng yêu cầu Ant cắt giảm giá trị của quỹ thị trường tiền tệ Yu'ebao.
Ant Group của tỷ phú Jack Ma bị cơ quan quản lý Trung Quốc yêu cầu trở thành công ty holding. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Tương lai u ám
Yêu cầu được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát đối với lĩnh vực fintech (công nghệ tài chính) tại đất nước tỷ dân. Hồi tháng 11/2020, Ant Group bị các nhà chức trách yêu cầu hoãn đợt IPO trị giá 35 tỷ USD chỉ vài ngày trước khi IPO.
Ant bị yêu cầu hoãn IPO ngay sau khi ông Ma công khai chỉ trích hệ thống ngân hàng Trung Quốc, mô tả các ngân hàng chẳng khác gì "tiệm cầm đồ". Các cơ quan, bao gồm Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, cơ quan quản lý ngân hàng và chứng khoán, đã gặp Ant để thảo luận về việc điều chỉnh mô hình kinh doanh của tập đoàn.
Trong năm nay, các cơ quan giám sát của Trung Quốc cam kết sẽ hạn chế sự mở rộng "liều lĩnh" của những công ty công nghệ vào lĩnh vực tài chính. Chính quyền Bắc Kinh cũng đẩy mạnh kiểm soát tình trạng độc quyền.
Cục Quản lý thị trường Trung Quốc (SAMR) hôm 10/4 thông báo phạt Alibaba 18 tỷ NDT, tương đương 2,75 tỷ USD vì vi phạm các quy định về chống độc quyền. Đây là mức phạt kỷ lục đối với một công ty Trung Quốc.
Trong tuyên bố hôm 10/4, SAMR cho biết công ty cũng sẽ phải "cải tổ toàn diện", từ việc bảo vệ các cửa hàng đối tác và khách hàng đến tăng cường kiểm soát nội bộ.
Chính quyền Bắc Kinh mở cuộc điều tra chống độc quyền nhắm vào Alibaba từ cuối năm 2020. Tỷ phú Jack Ma cũng im hơi lặng tiếng dẫn đến tin đồn ông bị bắt. Sự lo ngại chỉ giảm đi sau khi ông Ma xuất hiện hồi tháng 1. Tuy nhiên, giới doanh nhân vẫn dè chừng khi nói về ông.
Tương lai của Ant Group đến nay vẫn là một dấu hỏi. Các nhà đầu tư đã định giá công ty khoảng 280 tỷ USD trước khi đợt IPO bị hoãn. "Khoảng thời gian đen tối nhất của Alibaba đã qua, nhưng tôi chưa dám nói vậy với Ant Group", nhà nghiên cứu Dong Ximiao tại Viện tài chính Internet Zhongguancun nhận định.
"Thông báo mới nhất đã làm rõ khuôn khổ cho việc tái cấu trúc của Ant. Tuy nhiên, giọng điệu vẫn còn gay gắt. Một số yêu cầu được đưa ra khó khăn hơn dự kiến. Tôi không cho rằng các nhà đầu tư của tập đoàn có thể gạt bỏ mối lo", ông nói thêm.
Định giá lao dốc
Theo ước tính của Bloomberg Intelligence, các yêu cầu có thể làm giảm đáng kể định giá của Ant nếu IPO trở lại. Theo nhà phân tích Francis Chan của Bloomberg, Ant có khả năng được định giá dưới 700 tỷ NDT (108 tỷ USD) dựa trên những đề xuất trước đó.
Ant có thể phải tuân theo các quy định một cách chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, cấu trúc tổng thể của công ty sẽ không thay đổi. Ant đã tạo ra sức mạnh tổng hợp bằng cách hướng 1 tỷ khách hàng của dịch vụ thanh toán Alipay sang những dịch vụ khác, bao gồm quản lý, cho vay tiêu dùng, thậm chí giao hàng theo yêu cầu.
Các nhà chức trách hiện yêu cầu Ant cắt đứt liên kết không chính đáng giữa những khoản thanh toán với các sản phẩm tài chính khác, bao gồm những dịch vụ tín dụng vi mô Jiebei và Huabei.
Trong một tuyên bố, Ant cho biết có thể đưa các đơn vị cho vay vào một chi nhánh tài chính tiêu dùng, sau đó xin giấy phép báo cáo tín dụng cá nhân và cải thiện khả năng bảo vệ dữ liệu người tiêu dùng. Theo đó, Ant sẽ lập kế hoạch tăng trưởng “trong bối cảnh chiến lược quốc gia” và đảm bảo gánh vác nhiều trách nhiệm xã hội hơn.
Các nền tảng thanh toán Wechat Pay và Alipay đã thay đổi hoàn toàn cách mua sắm và chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Theo tuyên bố hôm 20/1 của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, bất cứ công ty thanh toán phi ngân hàng nào chiếm thị phần 50% trên thị trường giao dịch trực tuyến, hoặc sở hữu hai pháp nhân với tổng thị phần 2/3, đều có thể bị điều tra độc quyền.
Một khi các công ty bị xác định độc quyền, ngân hàng trung ương sẽ đề nghị nội các áp đặt những biện pháp hạn chế. Một trong số đó là chia tách pháp nhân theo loại hình kinh doanh.
Thông qua các nền tảng thanh toán với hàng tỷ người dùng, Ant và Tencent đã thay đổi cách mua sắm của người tiêu dùng Trung Quốc. Thanh toán di động chỉ đóng góp một phần vào những giao dịch trực tuyến. Tuy nhiên, chúng sớm trở thành nền tảng quan trọng nhất ở Trung Quốc.
Tính đến quý II/2020, Alipay của Ant nắm 57% thị trường thanh toán di động, theo hãng tư vấn iResearch. Trong khi đó, nền tảng của Tencent giữ thị phần 39%.
Khả năng tăng trưởng trong thanh toán trực tuyến bị hạn chế sau nhiều năm cạnh tranh trực tiếp giữa Ant và Wechat Pay của Tencent. Tính đến ngày 30/6/2020, tổng giao dịch đạt 59.800 tỷ NDT, tăng 8,8% so với một năm trước đó, theo iResearch. Con số này giảm mạnh so với mức tăng lần lượt 23% và 65% trong cùng kỳ năm 2019 và 2018.
(Theo Zing)
Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét