16 tháng 4, 2021

TP.HCM kỷ luật nhiều cán bộ ‘tiếp tay’ phân lô bán nền trái phép

Để xảy ra tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất trái luật, phân lô bán nền, xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, lấn chiếm sông rạch…, nhiều cán bộ tại TP.HCM đã bị xử lý kỷ luật. 

Phân lô bán nền trái phép tràn lan

Sở Xây dựng TP.HCM vừa có báo cáo về công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng cơ bản giai đoạn 2016 – 2020. 

Bên cạnh kết quả đạt được, giai đoạn 2016 – 2020, tại TP.HCM vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Bất cập trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, quản lý tài sản công, nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS); vi phạm trong xây dựng cơ bản, đất đai, kinh doanh BĐS, tranh chấp tại chung cư. 

Trong đó, tình hình vi phạm trong xây dựng, đất đai và kinh doanh BĐS diễn ra phức tạp. Các vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai và trật tự xây dựng liên quan đến trách nhiệm của Thanh tra Sở Xây dựng tại TP.Thủ Đức và các huyện vùng ven. 

{keywords}
Khu vực công trình vi phạm trật tự xây dựng tại TP.Thủ Đức. 

Hình thức vi phạm chủ yếu như tách thửa không phù hợp quy hoạch, không xin ý kiến Sở Quy hoạch – Kiến trúc, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; tách thửa đất nông nghiệp hình thành đất ở, tách thửa đất ở không phù hợp quy hoạch…

Ngoài ra, các cán bộ, công chức để xảy ra tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định, phân lô bán nền, xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, lấn chiếm sông rạch. 

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết đã phê bình kiểm điểm, xử lý kỷ luật cũng như đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật nhiều cán bộ, công chức vi phạm. 

Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ đã kiểm điểm, kỷ luật một số cán bộ lãnh đạo của các doanh nghiệp nhà nước vì để xảy ra vi phạm trong quản lý sử dụng nhà, đất; tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước. 

Các doanh nghiệp nhà nước có vi phạm như Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn – TNHH MTV, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn – TNHH MTV, Tổng Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận…

Từ năm 2016 đến nay, có tình trạng một số doanh nghiệp BĐS trên địa bàn TP.HCM đã bị khởi tố về vì lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của các doanh nghiệp là lập khống dự án khu dân cư, vẽ dự án “ma” rồi rao bán lừa khách hàng chiếm đoạt nhiều tỷ đồng.

Việc phân lô bán nền trên đất nông nghiệp trái quy định vẫn diễn ra phức tạp. Tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp chưa được xử lý triệt để, có sự tham gia công khai của môi giới, đầu nậu, xây dựng thuê không phép, thậm chí đe doạ công chức khi bị kiểm tra. 

Tình trạng nói trên diễn ra phổ biến ở các huyện vùng ven, đặc biệt là huyện Bình Chánh. Qua thanh tra, tại xã Vĩnh Lộc A và xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh có hàng chục ngàn mét vuông đất nông nghiệp được các chủ đất phân lô bán nền, xây dựng không phép hàng trăm căn nhà và bán cho nhiều người sử dụng.

Chủ dự án nhà ở “lách luật” huy động vốn 

Về các tranh chấp, khiếu nại liên quan đến việc bán nhà ở hình thành trong tương lai, theo ông Huỳnh Thanh Khiết – Phó Giám đốc Sở Xây dựng, thực tế thời gian qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS chưa thực hiện đầy đủ thủ tục quy định. 

Các doanh nghiệp giao kết với người mua nhà dưới hình thức giữ chỗ, hợp đồng đặt cọc, hợp đồng góp vốn đầu tư, hợp đồng quyền chọn mua, thoả thuận điều kiện chuyển nhượng BĐS… khi phát sinh rủi ro, tranh chấp thì người mua nhà thường chịu thiệt. 

{keywords}
Mới có quy hoạch 1/2000 từ tháng 12/2020 thế nhưng chủ đầu tư dự án La Partenza, huyện Nhà Bè đã huy động vốn của khách hàng từ trước.  

Theo ông Khiết, nhiều dự án tính pháp lý chưa rõ ràng nhưng chủ đầu tư vẫn đưa ra giao dịch, ký hợp đồng với các hình thức như trên. Nhiều trường hợp dự án sau khi nhận tiền góp vốn của khách hàng nhưng không triển khai được. 

Mặc dù đã có những quy định về việc huy động vốn cho từng loại nhà ở tuy nhiên hiện nay các chủ đầu tư nhận tiền ứng trước, đặt cọc, thoả thuận giữ chỗ với khách hàng số tiền rất lớn, có trường hợp chiếm 80% giá trị căn hộ. 

Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, việc xác định mục đích sử dụng tiền đặt cọc của chủ đầu tư còn nhiều hạn chế, không thuộc thẩm quyền của Sở và có khó khăn trong việc xử lý chủ đầu tư trong hoạt động kinh doanh BĐS. 

Do đó, theo lãnh đạo Sở Xây dựng, thời gian tới cần tiếp tục thanh tra, kiểm tra điều kiện ký hợp đồng huy động vốn các dự án nhà ở theo Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Nhà ở năm 2014. 

Giai đoạn 2016 – 2020, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM đã phối hợp kiểm tra 559.006 công trình. Qua đó, phát hiện 13.190 công trình vi phạm trật tự xây dựng, ban hành 7.824 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hơn 141,8 tỷ đồng. 
58 cán bộ bị kỷ luật trong vụ sai phạm đất đai ở TP.HCM

58 cán bộ bị kỷ luật trong vụ sai phạm đất đai ở TP.HCM

Hồ sơ không đủ thành phần, không thẩm định nhu cầu sử dụng đất và không đảm bảo phù hợp quy hoạch,  UBND huyện Hóc Môn vẫn giải quyết cho gần 1.400 trường hợp được chuyển mục đích sử dụng sang đất ở.  

Phương Anh Linh – Hồ Văn 



Nguồn: Bất động sản - Tin tức thị trường nhà đất, dự án BĐS mới nhất của Vietnamnet
Tham khảo nhiều thông tin về thị trường bất động sản từ báo Vietnamnet.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét