Đại gia số 1 Việt Nam chìm sâu xuống trong cả thập kỷ và gần đây bừng tỉnh. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chưa đủ để lấy lại được vị trí hàng đầu và vẫn nằm ngoài top 20.
Cổ phiếu Tập đoàn FPT (FPT) của người từng giàu nhất Việt Nam - ông Trương Gia Bình tiếp tục tăng mạnh trong vài tháng gần đây và hiện đang ở đỉnh cao lịch sử: khoảng 80.000 đồng/cp.
Với mức giá này, vốn hóa của FPT đạt hơn 62 nghìn tỷ, cũng cao nhất lịch sử. FPT tiếp tục là doanh nghiệp thuần công nghệ hàng đầu Việt Nam. Ông Trương Gia Bình, chủ tịch FPT có khối tài sản quy ra từ cổ phiếu FPT trị giá khoảng 4,4 nghìn tỷ đồng.
Đây là một bước phát triển mạnh của tập đoàn. Ông Trương Gia Bình cũng giàu lên nhanh chóng. Tính từ đầu năm tới nay, ông Bình có thêm khoảng 1,3 nghìn tỷ đồng nhờ cổ phiếu tăng giá. Tuy nhiên, so với các doanh nhân nổi sau như Phạm Nhật Vượng, Trần Đình Long, Nguyễn Thị Phương Thảo, Hồ Hùng Anh, Nguyễn Đăng Quang, Bùi Thành Nhơn, Nguyễn Đức Thụy… tài sản của ông Bình vẫn còn rất khiêm tốn.
Trên thực tế, FPT là một doanh nghiệp nổi rất sớm và mang lại sự thịnh vượng cho nhiều người, từ các cổ đông sáng lập, cổ đông lớn cho tới người lao động trong tập đoàn. Những người sáng lập và lãnh đạo thời kỳ đầu trong tập đoàn đều có tài sản hàng trăm cho đên cả nghìn tỷ như ông Bùi Quang Ngọc, ông Đỗ Cao Bảo, ông Lê Quang Tiến…
FPT từng là doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, chào sàn nổi sóng hồi cuối 2006 với mức giá đóng cửa phiên đầu tiên tới 400 nghìn đồng/cp (giá điều chỉnh hiện tương đương khoảng 22.600 đồng/cp).
Ở thời điểm đó, FPT có vốn hóa lên tới 24 nghìn tỷ đồng và ông Trương Gia Bình là người giàu nhất trên sàn chứng khoán.
Ông Trương Gia Bình. |
Tuy nhiên, cổ phiếu FPT suy giảm và đi ngang trong hơn một thập kỷ sau đó, trước khi bật tăng trở lại và lên đỉnh cao mới trong năm 2017. Từ đó tới nay, cổ phiếu FPT có xu hướng tăng giá và liên tiếp lập đỉnh cao mới trong thời gian gần đây, đặc biệt từ đầu 2021 tới nay.
Dù vậy, quy mô vốn hóa thị trường của FPT khiêm tốn so với một loạt doanh nghiệp nổi sau đó. Vốn hóa của FPT hiện chưa tới 3 tỷ USD, trong khi đó Vingroup và Vinhomes của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đều trên 15 tỷ USD. Vietcombank trên 16 tỷ USD. Vinamilk khoảng 10 tỷ USD, hay Hòa Phát cũng đạt 7 tỷ USD. Doanh nghiệp mới thành lập ThaiHoldings của Bầu Thụy cũng đạt hơn 3 tỷ USD.
FPT của ông Trương Gia Bình gần đây gây sốt doanh nghiệp này có kết quả kinh doanh khá ấn tượng, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Trong 2021, FPT đặt kế hoạch doanh thu 29.830 tỷ đồng, tăng 16,4%; lợi nhuận trước thuế 6.210 tỷ đồng, tăng 18%. Lợi nhuận quý I của tập đoàn ước tăng 22% và dự kiến sẽ phải tuyển thêm 7.000 nhân sự trong năm nay.
FPT cũng là doanh nghiệp “xung phong” làm lại hệ thống giao dịch cho sàn HOSE vốn bị tắc nghẽn trong nhiều tháng qua và tự tin có thể giải quyết vấn đề trong vòng 3 tháng. FPT có hàng chục năm kinh nghiệm làm hệ thống phần mềm ngành tài chính, là tác giả của hệ thống trên HNX.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index giảm nhẹ nhưng vẫn trên ngưỡng 1.230 điểm.
Theo BSC, sau tám phiên tăng điểm liên tục, VN-Index có sự điều chỉnh. Dòng tiền đầu tư thoát khỏi thị trường khi chỉ có 8/19 ngành tăng điểm. Thanh khoản giảm nhẹ cùng với độ rộng thị trường tiêu cực phản ánh áp lực chốt lãi ngắn hạn trên thị trường.
Khối ngoại bán ròng trên sàn HoSE trong khi mua ròng tại sàn HNX. Mặc dù VN-Index điều chỉnh nhẹ nhưng thị trường có thể nhanh chóng tăng điểm trở lại khi dòng tiền khối nội chưa suy yếu và giá trị bán ròng của khối ngoại vẫn ở mức thấp.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/4, chỉ số VN-Index giảm 7,49 điểm xuống 1.234,89 điểm; HNX-Index tăng 0,91 điểm lên 293,75 điểm. Upcom-Index tăng 0,51 điểm lên 83,07 điểm. Thanh khoản đạt 18,7 nghìn tỷ đồng.
V. Hà
Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét