Thị trường chứng khoán được dự báo sẽ còn tiếp tục đi lên không chỉ vì cổ phiếu hấp dẫn nhất khu vực mà còn do dòng tiền như thác lũ đổ vào kênh đầu tư bị lãng quên trong nhiều năm trước đó.
Theo số liệu vừa công bố từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), số lượng tài khoản chứng khoán do nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới tháng 3/2021 tăng vọt lên mức cao nhất trong lịch sử: 113.191 tài khoản.
Kỷ lục lần này vượt xa kỷ lục ghi nhận trước đó, trong tháng 1, với 86.107 tài khoản cá nhân trong nước được mở mới.
Số lượng tài khoản mở mới trong tháng 3 cao gấp đôi so với tháng trước đó và cũng cao gấp đôi so với trung bình tháng trong năm 2020. Cho dù số tài khoản mở mới trong năm 2020 gần bằng 10 năm trước cộng lại.
Trong tháng 2, các nhà đầu tư cá nhân đã mở hơn 57 nghìn tài khoản chứng khoán.
Trong năm 2020, dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán cao chưa từng có. Số người tham gia chứng khoán mới (F0) tăng kỷ lục, 1 năm bằng cả 10 năm trước cộng lại. Theo đó, mỗi tháng các công ty chứng khoán ghi nhận khoảng 50 nghìn người mới tham gia thị trường. Tổng cả năm khoảng 600 nghìn tài khoản mới.
Thống kê cho thấy, vào năm 2010, các CTCK có khoảng 1,5 triệu tài khoản. Tới đầu 2020, số tài khoản là 2,2 triệu, tức 10 năm tăng 700 nghìn tài khoản. Mà chỉ trong một năm 2020, số lượng tăng thêm là 600 nghìn tài khoản.
Cũng trong tháng 3/2021, VSD ghi nhận số lượng tìa khoản do nhà đầu tư cá nhân nước ngoài mở lập kỷ lục mới: 502 tài khoản. Hiện tổng số tài khoản do nhà đầu tư cá nhân nước ngoài mở tại thị trường chứng khoán Việt Nam đạt 32.391 tài khoản.
Trong tháng vừa qua, đã có thêm 33 tài khoản tổ chức mở mới, nâng tổng số tài khoản tổ chức lên 3.983 tài khoản.
Số lượng tài khoản mở mới tăng kỷ lục đi kèm với đó là thị trường chứng khoán tăng mạnh lên đỉnh cao kỷ lục trong những ngày đầu tháng 4/2021. Chỉ số VN-Index đã vượt xa đỉnh cao 1.200 điểm ghi nhận hồi 2018.
Dòng tiền ồ ạt đổ vào chứng khoán. |
Chứng khoán được dự báo tăng giá
Hiện thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá hấp dẫn hàng đầu trên thế giới với chỉ số P/E ở mức khoảng 18-19 lần, thấp hơn so với mức trên 20 của Thái Lan, trên 25 của Philippines và mức trên 35 lần của Mỹ.
Nhưng điều đáng nói là các doanh nghiệp Việt Nam đang hồi phục ấn tượng, ước tính tăng trưởng 20% lợi nhuận trong năm 2020. Gần đây, một loạt ngân hàng cũng đưa ra kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận ở mức 20%.
Với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận như vậy, chỉ số P/E chung trên thị trường có thể được kéo về mức khoảng 14 lần, hấp dẫn hơn nhiều so với định giá cổ phiếu của nhiều nước trong bối cảnh tốc độ hồi phục kinh tế của các nước được dự báo thấp hơn nhiều.
Trong một báo cáo vừa ra, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam hấp dẫn dòng vốn trong dài hạn nhờ môi trường kinh doanh ổn định, Việt Nam kiểm soát cung tiền chặt chẽ, áp lực lạm phát thấp.
Theo SSI, các quỹ đầu tư bắt đầu mua ròng tại Việt Nam. Bên cạnh đó có sự xuất hiện của các quỹ mới như Fubon FTSE Vietnam ETF. Đây là quỹ ETF mới nhất gia nhập thị trường Việt Nam.
Theo SSI Research, nếu các cơ quan quản lý khắc phục được tình trạng quá tải hệ thống trên HOSE, VN-Index thêm động lực hướng tới vùng mục tiêu 1.350-1.400 điểm.
Việt Nam đang duy trì chính sách tiền tệ rất thận trọng và mang tính chất ổn định cao. Tính từ đầu năm đến nay, lượng tiền bơm ròng qua thị trường mở và kênh ngoại tệ đều bằng 0. Mặt bằng lãi suất có thể tăng nhẹ vào nửa cuối 2021 do hoạt động kinh tế sôi động hơn tuy nhiên về cơ bản mặt bằng lãi suất chung sẽ vẫn ổn định.
Trong khi đó, Mirae Asset dự báo với triển vọng vĩ mô lạc quan, VN-Index có thể cán mốc 1.400 điểm. Mirae Asset dự báo tăng trưởng EPS (thu nhập trên mỗi cổ phần) của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE sẽ tăng trưởng 20% trong năm 2021, sau khi sụt giảm nhẹ 0,67% trong năm 2020.
Theo Mirae Asset, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã có sự phục hồi đáng kể theo mô hình chữ V từ mức đáy xác lập vào quý II/2020. Kết quả là, Việt Nam nằm trong số ít nền kinh tế trên thế giới đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020 (+2,9% YoY). Số liệu kinh tế quý 1/2021 một lần nữa minh chứng cho sức mạnh nội tại của nền kinh tế Việt Nam.
Mặc cho những quan ngại ban đầu về tác động của đợt bùng phát dịch Covid lần 3 vào cuối tháng 1/2021, các chỉ báo kinh tế vĩ mô quý 1 năm 2021 cho thấy đà phục hồi vẫn được duy trì, với mức tăng GDP là 4,5%.
M. Hà
Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét