7 tháng 4, 2021

Ngôi làng thần kỳ ở Nhật Bản

Ngôi làng hẻo lánh ở Nhật Bản có thu nhập người dân 25 triệu Yên/năm (hơn 200.000 USD) từ trồng xà lách. Kawakami đã trở thành biểu tượng cho tiềm năng nông nghiệp Nhật Bản.

Nằm sâu trong núi Shinshu, làng Kawakami thuộc tỉnh Nagano, phía Tây Tokyo, khí hậu khắc nghiệt, tuyết phủ suốt mùa đông và xuân, nhiệt độ có lúc xuống âm 20 độ. Việc đồng áng thường diễn ra trong 4 tháng, thời gian còn lại không thể canh tác được.

Mayor Tadahiko Fujiwara, một người dân ở làng đồng thời là tác giả cuốn sách “Farm Village with a ¥25 Million Average Income” (Ngôi làng có thu nhập bình quân hàng năm 25 triệu yên) nhớ rõ thời điểm cả dân làng nghèo khổ.

Bước ngoặt đổi đời nông dân Kawakimi khi người Mỹ mang xà lách tới và hình thành thói quen ăn xà lách trong các bữa ăn của người Nhật. Để thoát nghèo, năm 1980, trưởng thôn kêu gọi người dân làm nông nghiệp theo tiêu chuẩn mới. Họ chỉ trồng một loại rau duy nhất là xà lách với một tiêu chuẩn chung, nhờ đó mà đồng nhất chất lượng và giá cả cạnh tranh mang lại thu nhập lớn.

{keywords}

Năm 2007, doanh thu bán rau đạt 15,5 tỷ yên (khoảng 13,8 triệu USD). Thu nhập bình quân của các hộ dân ở Kawakami đạt 25 triệu Yen/năm, đưa Kawakami trở thành ngôi làng giàu nhất Nhật Bản.

Kawakami trở nên nổi tiếng, được mệnh danh là “Làng thần kỳ” trong khi diện tích chỉ bằng 1/4 Đà Lạt. Mỗi năm, Kawakamichỉ sản xuất được bốn tháng nhưng đã cung cấp 80% sản lượng xà lách cho toàn nước Nhật.

Ông Tadahiko Fujiwara, thị trưởng Kawakami cho biết, người dân làng Kawakami không tự hào vì thu nhập cao mà tự hào vì kiếm được nhiều tiền trên mảnh đất cằn cỗi bậc nhất.

Ngày nay, người dân đã ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất để tăng hiệu quả. . Cả làng cùng lập ra một kênh truyền hình riêng cung cấp về thời tiết nông vụ, thời gian thu hoạch và giá cả.

Do có sự khác biệt về độ cao nên điều kiện khí tượng không đồng nhất mà thay đổi theo từng nơi. Làng đã đặt các robot thời tiết để cung cấp cho mọi người thông tin về nhiệt độ không khí, nhiệt độ đất, lượng mưa… theo từng khu vực trên cơ sở thời gian thực thông qua truyền hình cáp.

Các robot cũng cung cấp dự báo thời tiết trước 24 giờ để nông dân có thể chuẩn bị các tấm để bảo vệ rau khỏi mưa. Dữ liệu khí tượng được lưu trữ trong máy tính để điều chỉnh sản xuất.

Công nghệ này cho phép ngôi làng thực hiện các biện pháp hiệu quả chống lại băng giá. Họ có thể dự đoán liệu có băng giá vào ngày hôm sau hay không bằng cách kiểm tra nhiệt độ lúc 6 giờ tối. 

Thành công nhờ trái tim và công nghệ

Dù trồng ở nhiều địa điểm khác nhau nhưng rau đều chung một chất lượng. Từ cách gieo trồng, chăm sóc, phun thuốc đến thu hoạch, quá trình canh tác được theo một chuẩn chung khắt khe.

Nông dân thu hoạch xà lách từ 3h đến 6h và giữ trong kho lạnh với nhiệt độ tương đương lúc thu hoạch, cho tới lúc phân phối đến người tiêu dùng. Họ tuyệt đối không thu hoạch rau trong thời tiết nắng nóng hay bất kể thời điểm nào khác trong ngày. Rau ở đây sạch tới mức người dân có thể hái ăn ngay tại vườn mà không cần rửa.

Nhằm kiểm soát chất lượng tốt và đồng bộ, một ban kiểm soát được thành lập, có nhiệm vụ giám sát, xử lý những trường hợp nông dân không tuân thủ theo quy tắc chung. Sản phẩm sau thu hoạch nông đạt tiêu chuẩn sẽ bị tiêu huỷ, người dân vi phạm sẽ bị cấm sản xuất.

{keywords}

Nhằm tiếp thị và mang lại niềm tin, làng luôn lan tỏa giá trị nông sản thông qua tổ chức trải nghiệm cho người tiêu dùng ở thành phố tới điểm sản xuất, đó cũng chính là hình thức du lịch trải nghiệm đồng quê để chia sẻ với nhau về nỗi cực nhọc của nông dân và họ làm thế nào để sản phẩm rau đảm bảo an toàn thực phẩm. Chính vậy người tiêu dùng rất tin tưởng vào các sản phẩm nông sản của họ sản xuất.

Không chỉ sản xuất, người dân Kawakami rất chú ý đến phân phối. Nếu như truyền thống, người dân làm việc trực tiếp với các hệ thống siêu thị, cửa hàng để nắm được nhu cầu của hàng hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Thông tin thị trường ngay lập tức được thông báo trên truyền hình.

Ngày nay, với ứng dụng số hóa, các giao dịch với các đối tác từ kiểm tra chất lượng, giám sát thu hoạch hay đặt hàng đều được thực hiện qua mạng. Hàng ngày, các đối tác có thể biết được tiến độ thu hoạch và tiến hành đặt hàng. Nhờ đó, người dân nắm được tình hình tiêu thụ, điều chỉnh lượng hàng trong ngày theo từng thời điểm. Họ có thể điều hướng vận chuyển rau tới những nơi thị trường đang cần nhờ đó mà rau luôn có giá cao, không bị dư thừa.

Làng thần kỳ Việt Nam

Ở Việt Nam, vùng cao nguyên như Đà Lạt, Mộc Châu, Sa Pa, vùng núi Tây Bắc có điều kiện lý tưởng để phát triển rau, hoa ôn đới.

Miền Bắc với vụ đông rất thuận lợi để trồng rau. Nhưng thực tế, vùng sản xuất mặc dù đã được quy hoạch song vẫn chưa rõ nét, quy mô sản xuất dạng nông hộ, nhỏ lẻ, chủng loại không ổn định, chất lượng không đồng đều, quản lý tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm còn quá nhiều bất cập…

Những ngôi làng thần kỳ ở Việt Nam có thể hình thành nếu có sự chung tay của cả cộng đồng. Từ đó, rau quả có thể giúp nông nghiệp Việt Nam vươn lên vị thế mới, với việc hình thành những “xí nghiệp” nông nghiệp công nghệ cao diện tích lớn và giá trị thu nhập hàng tỷ đồng/ha.

Ông Tadahiko Fujiwara, thị trưởng Kawakami, từng chia sẻ, Đà Lạt có cơ hội rất lớn trở thành “vựa rau an toàn của châu Á” mà không quốc gia nào trong khu vực có thể so sánh. Tất cả các điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Đà Lạt đều ủng hộ cho kế hoạch xây dựng một “Làng Thần Kỳ” thứ hai của Nhật tại Việt Nam và nơi đây hoàn toàn đủ điều kiện  để trở thành “vựa rau an toàn Châu Á” trong tương lai gần.

Bảo Anh



Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét