Nhiều doanh nghiệp chỉ xây dựng thang lương, bảng lương để đóng bảo hiểm xã hội bằng mức thấp nhất, cố tình lách để giảm bớt phần trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp...
Trong báo cáo về tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội và quản lý quỹ thời gian qua vừa gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiến nghị mức căn cứ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất phải bằng 70% bình quân tổng thu nhập của người lao động.
Ảnh minh họa. |
Đánh giá về số lao động, số doanh nghiệp thuộc diện phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng chưa tham gia thời gian qua, báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, theo dữ liệu cơ quan Thuế cung cấp, ước có 162.671 đơn vị, doanh nghiệp chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; 241.045 đơn vị, doanh nghiệp chưa tham gia đầy đủ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Nhóm này tập trung chủ yếu ở khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, với số lao động, cá nhân có thu nhập cần phải rà soát khoảng trên 3 triệu người. Ước có khoảng từ 500.000 – 800.000 lao động thuộc đối tượng phải tham gia nhưng chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Báo cáo cũng cho thấy, tình trạng nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố.
Theo quy định từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội có thêm khoản bổ sung khác. Tuy nhiên, trên thực tế đa số doanh nghiệp đăng ký đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo mức lương mà không có khoản bổ sung khác. |
Thống kê tới ngày 31/12/2020, tổng số nợ các loại bảo hiểm xã hội là hơn 13.500 tỷ đồng, chiếm 3,35 % số phải thu. Trong đó, số nợ bảo hiểm xã hội bắt buộc là hơn 8.600 tỷ đồng, nợ bảo hiểm thất nghiệp là 335 tỷ đồng.
Đối với vấn đề tiền lương đóng bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đánh giá, nhìn chung mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tăng không đáng kể. Thậm chí tỷ lệ tăng có xu hướng giảm so với giai đoạn trước, chỉ điều chỉnh tăng thêm mức tăng lương tối thiểu vùng hằng năm.
Qua kiểm tra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thấy rằng, nhiều doanh nghiệp chỉ xây dựng thang lương, bảng lương để đóng bảo hiểm xã hội bằng mức thấp nhất.
Theo đó, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội tại nhiều doanh nghiệp bằng mức lương tối thiểu vùng, cộng thêm 7% đối với lao động đã qua đào tạo nghề và cộng thêm 5% hoặc 7% đối với lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc độc hại và nguy hiểm.
Đối với lao động giữ chức vụ, khoảng 80% doanh nghiệp đã xây dựng thang lương, bảng lương cụ thể theo chức danh như đối với giám đốc sản xuất, giám đốc điều hành, trưởng phòng; còn lại các doanh nghiệp xây dựng đối với lao động giữ chức vụ theo thang lương, bảng lương chuyên môn nghiệp vụ và bảng lương phụ cấp, chức vụ, phụ cấp trách nhiệm.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nguyên nhân gây nên tình trạng trên là do chính sách chưa ghi rõ khoản phụ cấp, khoản bổ sung nào phải tính đóng bảo hiểm xã hội. Thực tiễn ở nhiều doanh nghiệp đưa ra rất nhiều các khoản thu nhập khác như: khoán sản phẩm, tăng năng suất lao động tính theo tỷ lệ %, hỗ trợ tiền nhà, tiền điện thoại, xăng xe, chuyên cần…để không phải đóng bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, do phần đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp của chủ sử dụng lao động chiếm tới 2/3 tổng số tiền phải đóng, dẫn đến nhiều doanh nghiệp cố tình lách để giảm bớt phần trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Ngoài ra, nhiều chủ sử dụng lao động cố tình giảm mức đóng bảo hiểm xã hội để tăng phần trả cho người lao động làm tăng cạnh tranh trên thị trường lao động.
Kiến nghị của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. |
Trước thực trạng trên, cơ quan này kiến nghị sửa đổi quy định về tiền lương đóng bảo hiểm xã hội, đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất khả năng trốn tránh các khoản phải đóng của doanh nghiệp, theo hướng quy định tiền lương làm căn cứ đóng thấp nhất phải bằng 70% bình quân tổng thu nhập của người lao động.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về tiền lương, xử lý nghiêm và kịp thời các vi phạm về tiền lương và bảo hiểm xã hội.
(Theo VnEconomy)
Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét