Bất động sản lên cơn sốt giá khắp nơi, một mặt do công tác quản lý đất đai, thổi giá nhưng mặt khác còn do dòng tiền đang chảy mạnh vào thị trường này.
Lãi suất thấp đang khiến dòng vốn đổ mạnh vào các lĩnh vực mang tính đầu cơ thay vì đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Điều này làm gia tăng nỗi lo bong bóng tài sản, lạm phát và nhiều hệ lụy khác.
Tiền chảy vào sản xuất, kinh doanh ít
Rút gần 3 tỉ đồng trong tài khoản tiết kiệm và vay thêm từ ngân hàng nửa tỉ, anh Thanh Bình, kỹ sư làm việc cho một công ty xây dựng ở quận 1 (TP.HCM), quyết định đổ tiền mua một căn chung cư tại TP Thủ Đức.
“Gửi tiền tiết kiệm lãi không đáng bao nhiêu, ngược lại vay mới từ ngân hàng lãi suất tương đối mềm nên tôi quyết định đầu tư bất động sản (BĐS) vì giá vẫn đang tăng. Tất nhiên một khi đầu tư, tôi cũng kỳ vọng giá nhà sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tương lai” - anh Bình nói.
Quyết định của những người như anh Bình không phải là hiếm, vì lãi suất tiền gửi tiết kiệm thấp một cách kỷ lục đã điều chỉnh hành vi đầu tư của nhiều người. Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ vào cuối tháng 3 vừa qua, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, đã bày tỏ lo ngại rằng nguồn vốn tập trung vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, như BĐS, trái phiếu, cổ phiếu… thay vì phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Chẳng hạn, BĐS lên cơn sốt giá một mặt do công tác quản lý đất đai, quy hoạch và việc thổi giá của đối tượng môi giới. Nhưng mặt khác còn do lãi suất ở mức thấp nên dòng tiền đang có xu hướng đầu tư vào thị trường BĐS.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng nhận xét thị trường trái phiếu phát triển nhanh nhưng chủ yếu là trái phiếu của doanh nghiệp BĐS và ngân hàng, trong khi sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất còn hạn chế. Tương tự, tổng mức huy động vốn vào thị trường chứng khoán tăng cao, song giá trị phát hành cổ phiếu giảm cho thấy nguồn vốn vào thị trường không thực sự để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Hiện lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở mức thấp khiến dòng tiền đổ mạnh vào nhà đất. Trong ảnh: Khách đang giao dịch, mua bán nhà đất. Ảnh: Huyền Phạm |
Đầu cơ bất động sản, chứng khoán
Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương nhận định “sóng giá” tăng mạnh ở thị trường BĐS và chứng khoán một phần nguyên nhân đến từ tiền rẻ. Tiền rẻ là một khoản cho vay hoặc tín dụng với lãi suất thấp do ngân hàng trung ương ấn định.
Điều này có thể thấy rõ qua việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định hạ lãi suất điều hành ba lần cũng như hạ trần lãi suất huy động dưới sáu tháng vào năm 2020 để hỗ trợ nền kinh tế chống dịch bệnh.
Ngoài ra, NHNN còn hoãn siết tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn thêm một năm để cho các ngân hàng thương mại không bị chịu áp lực cơ cấu lại nguồn vốn. Qua đó nhằm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn về mặt thanh khoản, thông qua việc giảm lãi suất cho vay, giãn nợ và cơ cấu lại nợ.
“Với các khoản vay rẻ sẽ kích thích mọi người vay nhiều tiền hơn đổ vào sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng thông thường tiền rẻ và dễ sẽ khiến mọi người dân, nhà đầu tư lao vào các lĩnh vực đầu cơ như BĐS, chứng khoán. Các cơn sốt đất, sốt chứng khoán là dấu hiệu của tiền rẻ, dễ và nhiều” - ông Phương bình luận.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Mạnh Hào, ĐH Lincoln (Anh), đánh giá lãi suất thấp sẽ kích thích các hoạt động đầu cơ rủi ro ngoài sản xuất làm tăng bong bóng tài sản. Hơn nữa chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại không thực sự bao trùm nền kinh tế và dường như mới chỉ giúp các doanh nghiệp lớn, còn các doanh nghiệp nhỏ vẫn còn khó khăn do mất thị trường.
“Sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán chưa phản ánh sự thịnh vượng của nền kinh tế. Nếu chính sách tiền tệ nới lỏng tiếp tục được duy trì như hiện tại hoặc nới lỏng thêm với mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng, tôi nghĩ cái giá phải trả sẽ là các hoạt động đầu cơ ngoài sản xuất, bong bóng tài sản và rủi ro nợ xấu trong hệ thống ngân hàng những năm tới” - ông cảnh báo.
Cần điều hành thận trọng
Trong một báo cáo công bố mới đây, Công ty Chứng khoán SSI đánh giá tại Việt Nam, chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành khá thận trọng. Các yếu tố về lạm phát, thanh khoản, lợi tức trái phiếu vẫn đang khá thuận lợi để NHNN thực hiện mục tiêu ổn định lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Cung tiền không tăng sốc và lạm phát chưa phải yếu tố đáng ngại tại Việt Nam.
Ngân hàng trung ương các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia đều tăng tốc độ mở rộng cung tiền rất mạnh kể từ tháng 3-2020 đến nay. Thế nhưng NHNN Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng cung tiền ổn định ở quanh mức 13%-14% so với cùng kỳ năm trước, phù hợp với mức tăng trưởng tín dụng.
“Diễn biến trong nước vẫn thuận lợi để NHNN điều hành chính sách tiền tệ hướng tới mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay ở mức thấp hiện tại. Về lạm phát, chúng tôi ước tính lạm phát cuối năm 2021 có thể tăng 4,07% so với cuối năm ngoái. Nhưng mức lạm phát trung bình cả năm 2021 sẽ chỉ tăng 2,89% so với năm trước, là mức chưa đáng lo ngại” - SSI nhận định.
Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cho rằng phải tính toán có tiếp tục giảm lãi suất hay không bởi tín dụng vẫn tăng trưởng khá tốt. Lãi suất hiện nay đang thấp, nếu hạ tiếp dẫn đến tiền sẽ dịch chuyển kênh đầu tư, gây áp lực lên lạm phát.
“Mức lãi suất điều hành như thế nào cho phù hợp, thấp quá chưa chắc tốt mà nó phải đảm bảo hài hòa cho các bên, nếu không chúng ta có hệ lụy bong bóng tài sản” - ông Lực nói.
Đang theo dõi sát để có điều chỉnh hợp lý Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, cơ quan này đang quản lý rất sát sao và chặt chẽ lĩnh vực tín dụng BĐS. Đến ngày 15-3, dư nợ cho vay BĐS của ngành ngân hàng tăng 2,13%, cao hơn tốc độ tăng tín dụng chung của nền kinh tế. “Hiện nay cũng như sắp tới, NHNN sẽ theo dõi sát thị trường BĐS. Nếu có những dấu hiệu nóng, không đảm bảo ổn định thì chúng tôi sẽ cảnh báo ngay tới các tổ chức tín dụng” - ông Tú nhấn mạnh. Phó thống đốc NHNN cũng thông tin việc điều hành chính sách lãi suất trong thời gian tới vẫn trên quan điểm ổn định với cả lãi suất huy động và cho vay. Tuy nhiên, cũng phải cảnh giác với những dấu hiệu tác động của kinh tế thế giới, kể cả việc dịch chuyển giữa các dòng vốn từ thị trường tiền tệ sang thị trường trái phiếu, thị trường vốn hoặc thị trường chứng khoán, thị trường BĐS… để điều hành chính sách lãi suất một cách hợp lý. |
(Theo Pháp Luật TP.HCM)
Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét