17 tháng 4, 2021

Chiêu bài núp bóng 'tổng kho' để kinh doanh hàng lậu, hàng nhái

Thị trường sản phẩm hàng hóa đang tồn tại thực trạng nhiều cơ sở gắn mác “tổng kho” để kinh doanh hàng giả, hàng lậu, trốn thuế.

Núp bóng tổng kho kinh doanh hàng lậu?

Ngày 09/4, cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương đã tổ chức kiểm tra đối với cơ sở kinh doanh do ông Nguyễn Đức Thanh làm chủ (địa chỉ số 158, đường Đoàn Kết, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương) phát hiện hơn 3 nghìn sản phầm gồm giầy, dép, hàng hóa tiêu dùng các loại không có hóa đơn chứng từ hợp pháp, có dấu hiệu nhập lậu. Vụ việc được phát hiện qua theo dõi việc bán hàng trên mạng xã hội facebook, chủ sơ sở là ông Nguyễn Đức Thanh hoạt động kinh doanh online trên tài khoản Facebook dưới danh nghĩa “Tổng kho Thanh Vân”.

{keywords}
Núp bóng tổng kho, nhiều cơ sở kinh doanh hàng lậu, hàng nhái? 

Trước đó, vào tháng 3/2021, tại Hà Nội cơ quan chức năng cũng triệt phá kho hàng tiêu dùng nhập lậu và giả mạo nhãn hiệu hàng vạn sản phẩm từ quần áo, đồ gia dụng đến mỹ phẩm được kinh doanh chủ yếu qua mạng xã hội thông qua hình thức giới thiệu tổng kho để livetreams bán hàng do Nguyễn Văn Ngọc, SN 1992 ở huyện Ba Vì làm chủ. Đáng chú ý, “tổng kho” này nằm khuất trong một con ngõ nhỏ, giữa làng quê yên bình nên ít được sự chú ý của dư luận. Tại kho hàng này, các sản phẩm đều có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu hoặc là hàng nhập lậu.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa ngoài Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Tại đây, lực lượng chức năng ghi nhận lượng lớn hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam như Gucci, channel, LV, Adidas cùng hàng nghìn sản phẩm gia dụng nhập lậu như bếp từ, bếp nướng, nồi cơm điện, chảo điện...

{keywords}
Tổng kho này mỗi ngày chốt 3000 đơn hàng lậu, hàng nhái bị cơ quan chức năng Hà Nội triệt phá 

Qua điều tra của lực lượng chức năng, một trong những phương thức được cơ sở này sử dụng là thông qua hệ thống phần mềm mang tên TPOS cả chục facebook khác sẽ đồng loạt chia sẻ livestream này để chốt đơn hàng. Ghi nhận trên hệ thống bán hàng của cơ sở trên, chỉ trong 6 tháng có tới hơn 655.000 đơn hàng được chốt bán, tức trung bình một ngày sẽ có hơn 3.000 đơn hàng.

Ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội trưởng Đội QLTT số 1 chia sẻ, dù kho hàng cách trung tâm thành phố Hà Nội 80km, tuy nhiên, thông qua hình thức chuyển phát nhanh, các đơn hàng sau khi được chốt nhanh chóng vận chuyển đến mọi miền đất nước từ Bình Định, Khánh Hòa, đến Thanh Hóa, Quảng Ninh.

Nở rộ hình thức bán hàng tổng kho

Một thực trạng hiện đang “nở rộ” là việc cơ sở gắn mác “tổng kho” để kinh doanh hàng nhái, hàng lậu… Chỉ cần gõ từ khóa “tổng kho” trên mạng internet và mạng xã hội đã cho hàng trăm kết quả. Các tổng kho này có đặc điểm chung là buôn bán muôn hình vạn trạng, thứ gì cũng có, đặc biệt giả cả luôn ưu đãi nhưng về nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận khác theo quy định của pháp luật thì “toàn không”.

{keywords}
Nở rộ hình thức kinh doanh gắn mác tổng kho 

Trong vai khách hàng, PV đã trực tiếp thị sát tổng kho Nguyễn Dương (địa chỉ ô 14 – 15 – C16 khu đô thị Geleximco – Lê Trọng Tấn, Hà Đông). Tại đây, tổng kho bố trí lực lượng nhân viên dày đặc từ thanh toán, chạy kho hướng dẫn khách hàng. Theo quan sát, tại tầng 1 của tổng kho trên, nhóm phóng viên phát hiện nhiều sản phẩm như thịt đông lạnh, hải sản được bày bán trong một số tủ bảo ôn, bên cạnh là la liệt đồ gia dụng và tiêu dùng khác. Có rất ít sản phẩm ghi nguồn gốc tại Việt Nam, còn lại phần lớn đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, không có nhãn mác và tem phụ hướng dẫn, trong đó, rất nhiều đồ chơi trẻ em tại tổng kho này đều ở tình trạng tương tự. Trong khi đó, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước, nhập khẩu chỉ được lưu hành trên thị trường khi đã có chứng nhận phù hợp với các tiêu chuẩn về an toàn.

Tiếp tục trong vai người mua hàng, PV phát hiện một số sản phẩm như dầu gội, sữa rửa mặt, kem đánh răng, sữa tắm trẻ em... mang nhãn hiệu của thương hiệu lớn, được quảng cáo có giá rất ưu đãi, càng lấy số lượng lớn càng được chiết khấu cao, tuy nhiên, khi thanh toán thì không có hóa đơn chứng từ hợp lệ. Đa số khách tới tổng kho Nguyễn Dương là những đại lý nhỏ lẻ hoặc cá nhân bán hàng online.

{keywords}
Một hình thức quảng cáo mời chào hợp tác của tổng kho Tmark 

Không ít tổng kho hiện nay còn hoạt động tinh vi hơn, núp bóng dưới các địa chỉ buôn bán online trên internet và mạng xã hội để giao dịch, hoặc ẩn mình ở một nơi kín đáo, ít gây sự chú ý. Như trường hợp tổng kho “Tmark” được quảng cáo có hệ thống kho từ Lạng Sơn, Hà Nội và TP. HCM nhưng chỉ ghi địa chỉ chung chung và đặc biệt với khách mới tiếp cận chỉ giao dịch online, đặt hàng chốt đơn sẽ có người giao hàng tận nơi. Chỉ “khách ruột” lấy số lượng lớn tổng kho này mới cho đến vị trị chính xác để tiếp cận và giao dịch.

Điều đáng ngại hơn, dù kinh doanh chủ yếu các loại hàng hóa nhập lậu, hàng nhái nhưng tổng kho thường công khai buôn bán online, thách thức cơ quan chức năng. Không ít tổng kho thực hiện các buổi livetreams bán hàng, giới thiệu sản phẩm, hoặc trực tiếp lợi dụng kẽ hở của các sàn thương mại điện tử như shopee, lazada… để đăng tải, quảng cáo và giới thiệu sản phẩm từ tổng kho. Thậm chí, các tổng kho này đồng loạt đăng tải thông tin hợp tác, tuyển cộng tác viên, đại lý bán hàng với những ưu đãi rất hấp dẫn về… giá và hứa hẹn thành công.

(Theo Viet Q)



Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét