17 tháng 4, 2021

Chấp nhận lương cử nhân hay lái xe công nghệ

Chị Nguyễn Thị Hiền làm việc tại một cơ quan nhà nước ở Hà Nội với mức lương 5,5 triệu đồng. Mỗi lần về quê họp lớp, khi nhắc đến đồng lương, chị lại bị đem ra so sánh với thợ xây, thợ hồ...

Sự lựa chọn tạm thời

Tốt nghiệp ngành công nghệ ô tô, tại một trường đại học ở Hà Nội, anh Lương Văn Phụng quê ở Tiên Du, Bắc Ninh xin vào làm việc tại một công ty có vốn nhà nước với mức lương khởi điểm là 5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, làm việc được 6 tháng, anh xin nghỉ để đi làm xe ôm công nghệ.

Anh Lương Văn Phụng tốt nghiệp đại học bằng giỏi nhưng thu nhập đi làm đúng ngành nghề chỉ bằng một nửa thu nhập làm xe ôm công nghệ.

"Sẽ rất khó khăn khi sống với mức lương 5 triệu đồng từ công việc đúng ngành nghề đã học tại Hà Nội - một thành phố có vật giá đắt đỏ thì cực kỳ khó khăn" - Anh Lương Văn Phụng giải thích.

Chuyển sang làm xe ôm công nghệ, trung bình mỗi tháng anh có thu nhập từ 8 -13 triệu đồng.

{keywords}
Anh Lương Văn Phụng chọn làm xe ôm công nghệ vì thu nhập cao gấp 2 lần so với công việc đúng với ngành đã học

"Theo tôi, làm công việc gì cũng được miễn là có thu nhập cao để trang trải cho cuộc sống, chứ làm việc cho công ty hay nhà nước chờ bao giờ cho đến lúc được hưởng lương hưu hay bảo hiểm thất nghiệp" - anh Lương Văn Phụng nói.

Tương tự, anh Nguyễn Đức Cảnh, quê ở Phú Xuyên, Hà Nội đang làm việc cho một cửa hàng gạch lát nền cho biết: "Để tiết kiệm thời gian, tiền bạc, học xong THPT tôi xin đi làm ngay, lương 8 triệu đồng/tháng. Trong khi các bạn tôi, học xong 4 năm, tiêu tốn của gia đình mấy trăm triệu nhưng đang đi làm với mức lương khởi điểm hơn 4 triệu đồng/tháng".

Công việc làm khoán, mỗi tháng anh Nguyễn Đức Cảnh đi làm 26 - 30 ngày. Theo anh Nguyễn Đức Cảnh, công việc không gò bó về thời gian, không chịu nhiều áp lực về công việc nhưng lại có thu nhập tốt hơn so với những người bạn cùng lớp làm việc với bằng cấp.

Sự chênh lệch về thu nhập, ít nhiều khiến anh Cảnh, anh Phụng và một số người xuất hiện tâm lý không cần theo đuổi con đường học hành, tri thức mà chọn cho mình một công việc lao động chân tay với thu nhập hàng tháng cao hơn.

Hướng tới tương lai bền vững hơn

Trái với suy nghĩ của anh Cảnh, anh Phụng, chị Nguyễn Thị Hiền trú tại Hoàng Mai, Hà Nội làm việc tại một cơ quan nhà nước với mức thu nhập hàng tháng là 5,5 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Hiền chia sẻ: "Mỗi lần về quê họp lớp, hay gặp gỡ bạn bè khi nhắc đến đồng lương lại bị đem ra so sánh với thợ xây, thợ hồ".

Nhưng theo chị Nguyễn Thị Hiền, mỗi ngành nghề đều có những được mất nhất định, như: Thợ hồ, dầm mưa, dãi nắng mỗi ngày 10 tiếng đồng hồ, khuân vác gạch cát, xi măng lại làm việc trong môi trường nguy hiểm. Mức thu nhập cao là không lấy gì làm lạ.

{keywords}
Ông Trần Văn Bình cho rằng so sánh giữa 2 đối tượng lao động là không tương đồng.

"Lương thấp nhưng tôi có nhiều thời gian hơn chăm lo cho con cái, một tuần chỉ phải đi làm 5 ngày, lại không có rủi ro trong công việc" - chị Nguyễn Thị Hiền chia sẻ.

Đồng lương được trả chỉ bằng một nửa lao động tự do, nhưng chị Nguyễn Thị Hiền vẫn chấp nhận và cảm thấy vui khi được làm công việc này.

Ông Trần Văn Bình làm lái xe ở một công ty du lịch ở Hà Nội, cho biết: "Khó có thể so sánh thu nhập giữa lao động tự do và lao động trong các đơn vị hành chính sự nghiệp. Những người làm lao động tự do phải làm việc nhiều giờ hơn, công việc nặng nhọc và nguy hiểm hơn".

Mất việc ở tuổi 50, ông Trần Văn Bình mới thấy được giá trị của việc làm việc trong khu vực chính thức. Đang được hưởng một chính sách an sinh xã hội tốt, khi 2 tháng qua ông đều nhận được 6 triệu đồng tiền bảo hiểm thất nghiệp/tháng.

Ông Trần Văn Bình chia sẻ: "Trước đây, tôi có được giới thiệu nhiều công việc với mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, mọi chế độ khác như bảo hiểm thất nghiệp, hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội,… đều không có nên tôi không làm".

Khó so sánh 

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, lao động làm việc trong các doanh nghiệp và khu vực hành chính sự nghiệp, thường được gọi là khu vực chính thức đang được hưởng một chính sách an sinh xã hội tốt hơn.

Người lao động làm việc ở khu vực có quan hệ lao động được bảo vệ bởi nhiều luật như: Luật Cán bộ công chức, Luật Lao động, luật Bảo hiểm xã hội...

"Nhiều người lao động làm việc tự do với thu nhập cao nhưng lại không mang tính bền vững, công việc, sức khỏe có thể mất bất cứ lúc nào, đồng thời những ngày nghỉ thì không có thu nhập. Theo tôi, việc so sánh giữa lao động tự do và lao động trong khu vực chính thức là không khách quan" - ông Vũ Quang Thành chia sẻ.

Theo ông Vũ Quang Thành, tất cả những quy định về mức tiền lương tối thiểu, điều kiện làm việc tối thiểu, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, những việc cấm sử dụng lao động nữ, bảo hiểm thất nghiệp… được quy định chỉ để bảo vệ người lao động làm việc ở khu vực nhà nước và có hợp đồng lao động.

"Họ còn được bảo đảm bởi các chế độ bảo hiểm xã hội cả ngắn hạn và dài hạn như tai nạn lao động, ốm đau thai sản, lương hưu và tử tuất. Nhìn vào những điều này để thấy vì sao nhiều người cố gắng thi vào đại học và các chương trình đào tạo chắc chắn không phải để nhận được một mức lương thấp hơn người lao động tự do, mà để có được sự đảm bảo về tương lai vững chắc hơn" - ông Vũ Quang Thành cho biết thêm.

(Theo Dân Trí)



Nguồn trích từ báo Vietnamnet
Tham khảo thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác tại Báo Vietnamnet.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét